Trên đường tuần tra, đại úy Ly Ngọc Tuấn, công an xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, kịp giải vây cho thiếu nữ người Mông bị "bắt" làm vợ, chiều 7-2. Thông tin trên đã nhận được sự quan tâm của dư luận.
Cụ thể, trong video được phát trên mạng xã hội, thiếu nữ mặc áo màu cam, váy vàng bị một thanh niên nửa ôm nửa kéo trên bãi đất trống ven đường. Cố vùng vẫy song không được, thiếu nữ cúi mặt vẻ cam chịu. Nhiều người đứng quanh xem và không can thiệp.
Sau khi được đại úy Tuấn can thiệp, thiếu nữ kể với người xung quanh: "Em xuống đây chơi thì bị nó kéo về. Bố mẹ em cũng bảo, nhưng nó không tha nên đi về rồi".
Ông Thào Minh Sơn, Chủ tịch xã Pả Vi, cho biết bước đầu xác minh chàng trai ở xã Giàng Chu Phìn (huyện Mèo Vạc), còn cô gái ở xã Tả Lủng (huyện Đồng Văn), sang Pả Vi chơi xuân. Nam 18 tuổi, nữ 16 tuổi, đều chưa đủ tuổi kết hôn. "Chúng tôi đã thông báo sự việc, gửi văn bản về cho hai địa phương trên để nhắc nhở, giáo dục, không để sự việc tái diễn", ông Sơn nói.
Cô gái bị nam sinh kéo đi theo tục "bắt vợ" của người Mông tại huyện Mèo Vạc (Hà Giang). Ảnh cắt từ clip.
Chủ tịch xã cho hay Pả Vi có khoảng 95% cư dân là người Mông, còn duy trì tục lệ "kéo vợ", đặc biệt là thanh niên nam nữ đi chơi hội xuân. Lường trước được tình hình nên xã cắt cử công an viên, dân quân thôn bản tăng tuần tra trên địa bàn, kịp ngăn chặn hủ tục.
Bà Vương Ngọc Hà, Bí thư huyện uỷ Mèo Vạc cho PLO biết đã nắm được thông tin và giao cho đại diện UBND Huyện để tiếp nhận và trả lời thông tin cho báo chí.
Tao đổi với báo chí, Bà Triệu Thị Tình - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Hà Giang cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin vụ việc lan truyền trên mạng xã hội mấy ngày qua. Tuy nhiên, qua xác minh tìm hiểu thì đây chỉ là một hành động tự phát của một thiếu niên mới lớn, chưa hiểu hết về phong tục tập quán của dân tộc mình.
Theo bà Tình, "bắt vợ" vốn là một phong tục xa xưa và độc đáo của người Mông nhưng đã bị biến tấu đi nhiều theo thời gian. Bên cạnh đó, bản thân giới trẻ người Mông còn chưa có sự hiểu biết đầy đủ về phong tục này nên có những hành động không đúng mực, bột phát.
"Bắt vợ hay kéo vợ là một tục đẹp từ xa xưa của đồng bào dân tộc Mông, thể hiện tình yêu đôi lứa mãnh liệt của những chàng trai cô gái người Mông để đến với nhau. Việc kéo hay bắt chỉ được diễn ra khi có sự thoả thuận và đồng ý của 2 người từ trước đó.
Sau khi chàng trai đã kéo được cô gái về nhà thì sau một vài ngày, người nhà chàng trai sẽ có lời và mang lễ sang nhà cô gái để xin cưới"-bà Tình nói.
Trước đó, ông Trần Quang Minh, nguyên Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc từng cho biết: Dân tộc Mông chiếm gần 90% dân số toàn huyện. Hiện nay, hình ảnh “kéo vợ” mang tính chất ép buộc, phản cảm vẫn xảy ra nhưng để xử lý theo pháp luật là rất khó vì đó là phong tục, tập quán riêng của mỗi dân tộc.