Viện kiểm sát nhân dân Tối cao giải đáp 11 vấn đề quan trọng

(PLO)- VKSND Tối cao giải đáp 11 vấn đề mới, quan trọng trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VKSND Tối cao vừa có công văn giải đáp 11 vấn đề mới và quan trọng mà nhiều VKS gặp phải trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình.

Trong đó, viện giải đáp vướng mắc về xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện

Về thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện, viện dẫn trường hợp ngày 1-1-2017, ông A vay ngân hàng 1 tỷ đồng, thời hạn vay 12 tháng, lãi suất 12%/năm. Đến hạn, ông A không trả nợ gốc và lãi nhưng ngân hàng không khởi kiện.

Hình ảnh tại một phiên tòa. Ảnh: TK

Hình ảnh tại một phiên tòa. Ảnh: TK

Ngày 1-4-2021, ngân hàng mời ông A lên làm việc. Ông A thừa nhận còn nợ 1 tỷ tiền nợ gốc và 200 triệu đồng tiền lãi nhưng vẫn không trả dù ngân hàng nhắc nhở nhiều lần.

Ngày 1-7-2021, ngân hàng khởi kiện yêu cầu ông A trả nợ gốc và lãi. Trường hợp này, thời hiệu khởi kiện của ngân hàng được tính từ ngày hết hạn hợp đồng 1-1-2018 hay ngày ông A thừa nhận nợ 1-4-2021?

VKSND Tối cao giải đáp đối với yêu cầu trả tiền nợ gốc thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện do đây là yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu theo Điều 155 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS).

Về yêu cầu trả tiền lãi, thời hiệu khởi kiện là ba năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (Điều 429 BLDS).

Ông A vi phạm nghĩa vụ trả nợ từ 1-1-2018 nhưng ngân hàng không có ý kiến gì. Đến ngày 1-4-2021, ngân hàng mời ông A lên làm việc để thống nhất số tiền vốn, lãi còn nợ và đưa ra phương án trả nợ.

Do đó, có thể hiểu ngân hàng đã đồng ý gia hạn nợ cho ông A, hai bên có thỏa thuận mới về thời hạn trả nợ. Do đó, thời hạn ba năm được tính từ ngày ông A vi phạm nghĩa vụ trả nợ sau khi đã chốt lại nợ với ngân hàng.

Xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan

Về việc xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự, VKSND Tối cao giải đáp trường hợp bà C khởi kiện yêu cầu bà A chia tài sản chung là quyền sử dụng đất. Tòa sơ và phúc thẩm đều tuyên bác yêu cầu của bà C. Bà A đã chuyển nhượng đất cho ông N. Ông N được cấp giấy chứng nhận và đã thế chấp để vay ngân hàng. Sau đó, cả hai bản án đều bị giám đốc thẩm tuyên hủy.

Xét xử sơ thẩm lại, bà C vẫn yêu cầu được chia tài sản là quyền sử dụng đất, yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng giữa bà A với ông N, hủy giấy chứng nhận của ông N.

Giấy chứng nhận của ông N vẫn đang thế chấp ngân hàng nhưng tòa không đưa ngân hàng vào tham gia tố tụng. Sau đó, tại tòa, bà C xác định chỉ yêu cầu chia giá trị quyền sử dụng đất.

Vậy việc tòa án không đưa ngân hàng vào tham gia tố tụng có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng không?

Trả lời, VKSND Tối cao cho rằng khi thụ lý vụ án để xét xử sơ thẩm lại, tòa không đưa ngân hàng vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Tuy nhiên, tại phiên tòa, bà C xác định bà chỉ yêu cầu chia giá trị quyền sử dụng đất. Vì vậy, nếu yêu cầu của bà C được tòa án chấp nhận thì sẽ chỉ làm phát sinh nghĩa vụ của bà A phải trả một khoản tiền cho bà C tương đương giá trị quyền sử dụng đất, không ảnh hưởng hoặc làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của ông N và ngân hàng.

Như vậy, việc đưa ngân hàng vào tham gia tố tụng không còn cần thiết nên không xác định là tòa án có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Ngoài ra, VKSND Tối cao còn giải đáp vướng mắc về kiểm sát quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại tòa án, giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu và nhiều vấn đề mới, quan trọng khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm