Mới đây, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đã có báo cáo công tác năm 2022 gửi Quốc hội. Theo đó, ông Trí xác định chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm và chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của ngành.
Phục hồi điều tra gần 4.700 vụ án
Người đứng đầu ngành kiểm sát cho biết đã chỉ đạo tập trung kiểm sát điều tra, truy tố các vụ án tham nhũng theo yêu cầu của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Đồng thời, ông cũng chỉ đạo nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, truy tố, tranh tụng của kiểm sát viên tại các phiên tòa.
|
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: PHẠM THẮNG |
“Thực hiện nghiêm nguyên tắc suy đoán vô tội, trọng chứng hơn trọng cung, án tại hồ sơ, không được suy đoán, chứng cứ đến đâu xử lý đến đấy. Cẩn trọng không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, tạo điều kiện cho người vi phạm khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật” - ông Lê Minh Trí nói về các yêu cầu đặt ra với ngành.
Cụ thể, theo Viện trưởng VKSND Tối cao, toàn ngành kiểm sát tiếp tục chú trọng, chủ động hơn trong thực hiện quyền công tố ở giai đoạn đầu của tố tụng hình sự, đảm bảo chỉ tiêu kiểm sát 100% trường hợp thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm. Qua đó, kịp thời phát hiện, yêu cầu và trực tiếp ra quyết định hủy bỏ nhiều quyết định khởi tố vụ án hoặc quyết định không khởi tố vụ án của cơ quan điều tra thiếu căn cứ pháp luật, góp phần chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm.
Đáng chú ý, ngành đã tích cực, chủ động rà soát các vụ án tạm đình chỉ điều tra, kịp thời phục hồi và yêu cầu phục hồi giải quyết ngay các vụ án có đủ điều kiện. Trong đó, đã phục hồi điều tra gần 4.700 vụ với hơn 3.750 bị can.
Tòa sơ thẩm tuyên bảy bị cáo không phạm tội
Thẩm tra báo cáo nói trên, Ủy ban Tư pháp ghi nhận những kết quả đạt được của ngành kiểm sát trong năm 2022. Đặc biệt, tỉ lệ truy tố đúng thời hạn, truy tố đúng tội danh vượt so với yêu cầu của Quốc hội, trong đó tỉ lệ truy tố đúng hạn đạt 100% (vượt 10%); tỉ lệ truy tố đúng tội danh đạt 99,99% (vượt gần 5%).
Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cho rằng vẫn còn 20 trường hợp bị đình chỉ trong giai đoạn điều tra, truy tố liên quan đến trách nhiệm của VKSND do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm, con số này tăng so với năm 2021.
Mặc dù số lượng án thụ lý giảm nhưng số vụ bị tòa án trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung được VKSND chấp nhận tăng hơn 32% (593 vụ). Đáng lưu ý, có 104 vụ tòa án trả hồ sơ để yêu cầu khởi tố tội phạm mới, người phạm tội mới.
Cơ quan thẩm tra lưu ý còn để xảy ra trường hợp VKSND truy tố nhưng tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội, trong khi năm 2021 không có trường hợp nào. Cụ thể, HĐXX sơ thẩm đã tuyên bảy bị cáo không phạm tội.
Ủy ban Tư pháp đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao chú trọng thực hiện các giải pháp để khắc phục tồn tại, hạn chế được nêu trong báo cáo thẩm tra. “Hạn chế đến mức thấp nhất, tiến tới không để xảy ra trường hợp bị oan trong tố tụng hình sự” - cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.
“Treo” hơn 100.000 vụ án tạm đình chỉ
Tại phiên họp thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Trần Công Phàn nhiều lần lưu ý việc xử lý “án tạm đình chỉ điều tra”. Theo ông Phàn, cộng dồn qua các năm, số lượng án này hiện rất lớn. “Chúng ta để “treo sổ” một số lượng lớn như vậy, trong đó có một số có thể xử lý được ngay vì sắp hết thời hiệu. Vậy thì có nên mạnh dạn đình chỉ hay không” - ông Phàn nói.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM Dương Ngọc Hải, tổng số hơn 100.000 vụ án tạm đình chỉ tính đến nay là “con số rất cao”. Ông cho rằng “nếu không giải quyết việc này thì không những tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm mà còn có khả năng gây ra oan, sai và vi phạm nghiêm trọng tố tụng”.
Ông Hải sau đó nêu bốn đề nghị với Chính phủ và các cơ quan tố tụng. Trong đó, ông đề nghị cần thường xuyên kiểm tra, rà soát số án này để xử lý theo quy định của pháp luật, trường hợp nào đủ điều kiện thì phục hồi điều tra, nếu không đủ điều kiện thì đình chỉ luôn...