Việt Nam bước sang giai đoạn 3 chống dịch COVID-19

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ngày 1-4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết ngày 23-1, khi có ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở TP.HCM, Việt Nam (VN) đã bắt đầu bước vào cuộc chiến chống dịch. Đến thời điểm này, chúng ta đã bước sang giai đoạn 3 của cuộc chiến đó với việc Thủ tướng ký quyết định công bố dịch trên toàn quốc.

“Trên thực tế, rất nhiều địa phương dù chưa có người nhiễm bệnh nhưng chính quyền và nhân dân địa phương đã tham gia chống dịch với tinh thần toàn dân chống dịch” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, Ban chỉ đạo nhận định số ca nhiễm ở VN không tăng theo quy luật của thế giới, bởi chúng ta có những giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả cao.

Cách ly xã hội là cần thiết

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, VN đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp với diễn biến dịch bệnh trong từng thời kỳ.

Chúng ta đã áp dụng ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập theo từng bước, từng nước, sau đó là từng khu vực rồi đến việc hạn chế tất cả người nước ngoài nhập cảnh vào VN. Đây là những hành động rất quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Chỉ thị 16 của Thủ tướng về cách ly xã hội là rất quan trọng và rất kịp thời, nhằm ứng phó với tình huống dịch bệnh có thể lây lan mạnh trong khoảng hai tuần tới.

Theo ông Long, bản chất thực hiện cách ly xã hội chính là giãn cách xã hội. Theo đó, người dân cần hạn chế đi ra ngoài, tiếp xúc xã hội, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết và phải thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn dịch tễ theo khuyến cáo của Bộ Y tế (đeo khẩu trang, giữ khoảng cách giữa người với người tối thiểu 2 m).

Khẩu hiệu “Việt Nam quyết thắng đại dịch” đặt trước một trung tâm thương mại ở quận 1, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Sẵn sàng cho tình huống dịch lan rộng

Về vấn đề điều trị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết chúng ta đã có những thành công nhất định. Tình hình các bệnh nhân nặng đang tiến triển tốt.

“Điều rất mừng là mặc dù tỉ lệ tử vong của bệnh nhân COVID-19 trên thế giới đang gia tăng nhưng đến nay chúng ta chưa có trường hợp nào tử vong. Đây là thành tựu rất lớn của ngành y tế. Bốn bệnh nhân nặng được điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương, chúng ta đã cai máy thở cho ba người, chuẩn bị cai ECMO (kỹ thuật hỗ trợ phổi nhân tạo) cho một người” - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn thông tin.

Ngành y tế đang tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm một số loại thuốc, đồng thời cập nhật phác đồ điều trị của thế giới.

Về chuẩn bị phương án điều trị trong tình huống dịch lan rộng, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết hệ thống y tế của VN khác với các nước là có trạm y tế xã, bệnh viện huyện, tỉnh, trung ương. Theo đó, mọi bệnh nhân COVID-19 đều sẽ được chăm sóc y tế. Nếu dịch lan rộng tại một địa phương, chúng ta sẵn sàng điều động các nguồn lực ở địa phương khác để tập trung dập dịch.

Ông Sơn cho rằng điều quan trọng là cần thực hiện nghiêm nguyên tắc bệnh nhân ở tuyến nào, điều trị ở tuyến đó. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã tính toán phương án giảm tải cho đô thị lớn; chuẩn bị các nguồn lực ứng phó với dịch bệnh trong trường hợp bệnh nhân tăng đột biến.

Thủ tướng quyết định công bố dịch toàn quốc

Ngày 1-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định công bố dịch COVID-19 tại VN. 

Tên dịch bệnh: COVID-19 (dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra).

Thời gian xảy ra dịch: Từ ngày 23-1-2020 (đây là thời điểm xác định trường hợp đầu tiên mắc COVID-19).

Địa điểm và quy mô xảy ra dịch trên toàn quốc.

Tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch: Bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu.

Lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người. 

Ba ý nghĩa của việc công bố dịch toàn quốc

Nói về quyết định công bố dịch trên phạm vi toàn quốc của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết điều này có ba mục tiêu.

Thứ nhất, làm tăng thêm tinh thần trách nhiệm của các lực lượng chống dịch trên từng địa bàn, trong từng ngành.

Thứ hai, để người dân nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc tham gia thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và hướng dẫn của ngành y tế để thực sự “mỗi người dân là một chiến sĩ tham gia chống dịch”.

Thứ ba, tất cả lực lượng tham gia chống dịch của ngành y tế, quân đội, công an và các lực lượng khác được hưởng chế độ, chính sách trong thời gian chống dịch.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng cho hay mặc dù quyết định được ban hành ngày 1-4 nhưng Thủ tướng cho áp dụng chính sách đó với những người tham gia chống dịch ở tuyến đầu được hưởng chế độ từ ngày 28-1. Đây là sự động viên, khích lệ của Thủ tướng Chính phủ, cũng là của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ trực tiếp tham gia chống dịch ở tất cả các ngành, các cấp trong cả nước.

Trao đổi thêm, đại diện Bộ Y tế cho biết quyết định công bố dịch lần này có phạm vi rộng hơn so với hồi tháng 2, thay vì chỉ tại ba tỉnh (Khánh Hòa, Vĩnh Phúc và Thanh Hóa) thì nay là trên toàn quốc, không loại trừ tỉnh nào.

“Đây sẽ là cơ sở pháp lý để thực hiện các biện pháp nhằm phòng, chống dịch COVID-19. Không chỉ các tỉnh đã có người nhiễm, những tỉnh chưa có cũng sẽ triển khai các biện pháp như đã có ca bệnh, nghĩa là ở mức độ cao hơn trước đây” - đại diện Bộ Y tế nói.

Cũng theo đại diện Bộ Y tế, cùng với việc công bố dịch trên toàn quốc thì cũng sẽ công bố hết dịch nhưng chỉ khi nào VN không còn ca bệnh. Với tình hình dịch như hiện nay, điều này sẽ khó có thể diễn ra sớm.

Ổ dịch Bạch Mai cơ bản được kiểm soát

“Hiện ổ dịch tại BV Bạch Mai cơ bản đã được quản lý và kiểm soát” - ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP, thông tin.

Các địa phương đã rà soát, quản lý sức khỏe tổng cộng 44.293 người đã đến nơi đây kể từ ngày 12-3. Một số địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh… đã tiến hành xét nghiệm toàn bộ những người đã đến BV và cho kết quả 100% âm tính.

Riêng tại Hà Nội, TP đã xác định được 16.714 trường hợp có nguy cơ lây nhiễm (bệnh nhân, người nhà và những người có liên quan đến BV Bạch Mai) và tổ chức cách ly theo quy định, triển khai xét nghiệm sàng lọc bằng cả test thử nhanh và xét nghiệm trên máy.

Kết quả sàng lọc bằng test thử nhanh 783 trường hợp đã phát hiện một số ca dương tính. Tuy nhiên, sau khi xét nghiệm trên máy tại Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội thì các ca này đều âm tính.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Y tế tập trung xét nghiệm trên máy toàn bộ những người liên quan đến BV Bạch Mai trên địa bàn TP để sàng lọc, cách ly, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Việt Nam bước sang giai đoạn 3 chống dịch COVID-19 ảnh 2
Bệnh nhân 61 và 67 nhận giấy ra viện, cám ơn các bác sĩ đã chăm sóc trong thời gian qua. Ảnh: CTV 

• Tính đến chiều 1-4, VN đã có 218 người mắc COVID-19, 63 ca đã khỏi bệnh/xuất viện. Những bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại 22 cơ sở y tế, đa số trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Trong đó, hai ca bệnh tại thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận là BN61 và BN67 đã khỏi bệnh/xuất viện. Cả hai bệnh nhân này được đưa đến khu cách ly tập trung để thực hiện cách ly 14 ngày sau điều trị vì thôn Văn Lâm 3 đang trong thời gian cách ly 28 ngày.

Đối với bốn bệnh nhân nặng được điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương, ba người đã cai máy thở, một người chuẩn bị cai ECMO (kỹ thuật hỗ trợ phổi nhân tạo). Trong đó, trường hợp nặng nhất là bác ruột BN17 đã bỏ máy thở, rút ống nội khí quản và đang được theo dõi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm