Ngày 1-4, Thủ tướng ký quyết định công bố dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc. Quyết định này có ý nghĩa như thế nào, có gì khác biệt so với quyết định công bố dịch trước đó vào hồi tháng 2-2020?
Quyết định công bố dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Ảnh: TP
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết việc Thủ tướng ký quyết định công bố dịch bệnh COVID-19 trên toàn quốc có 3 mục tiêu.
Thứ nhất, làm tăng thêm tinh thần trách nhiệm của các lực lượng chống dịch trên từng địa bàn, trong từng ngành.
Thứ hai, để người dân nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc tham gia thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và hướng dẫn của ngành y tế để thực sự “mỗi người dân là một chiến sĩ tham gia chống dịch”.
Thứ ba, khi Thủ tướng ký quyết định công bố dịch toàn quốc, tất cả các lực lượng tham gia chống dịch của ngành y tế, quân đội, công an và các lực lượng khác được hưởng chế độ, chính sách trong thời gian chống dịch.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng cho hay mặc dù quyết định được ban hành ngày 1-4 nhưng Thủ tướng cho áp dụng chính sách đó với những người tham gia chống dịch ở tuyến đầu được hưởng chế độ từ ngày 28-1. Đây là sự động viên, khích lệ của Thủ tướng Chính phủ, cũng là của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ trực tiếp tham gia chống dịch ở tất cả các ngành, các cấp trong cả nước.
Trao đổi thêm với PLO, đại diện Bộ Y tế cho biết quyết định công bố dịch lần này có phạm vi rộng hơn so với hồi tháng 2-2020, thay vì chỉ tại ba tỉnh (Khánh Hòa, Vĩnh Phúc và Thanh Hóa) thì nay là trên toàn quốc, không loại trừ tỉnh nào.
“Không chỉ các tỉnh đã có người nhiễm, những tỉnh chưa có cũng sẽ triển khai các biện pháp như đã có ca bệnh, nghĩa là ở mức độ cao hơn trước đây” - đại diện Bộ Y tế nói.
Ngoài ra, quyết định công bố dịch lần này cũng sẽ thay thế quyết định hồi tháng 2-2020 nhưng ba tỉnh nêu trên vẫn đang trong thời gian có dịch.
“Đây sẽ là cơ sở pháp lý để thực hiện các biện pháp nhằm phòng, chống dịch COVID-19” - đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh.
Về các biện pháp phòng, chống dịch trong quyết định, hiện phần lớn Việt Nam đã và đang triển khai. Một số chưa được thực hiện như việc huy động, trưng dụng, các nguồn lực phòng, chống dịch.
Cũng theo đại diện Bộ Y tế, cùng với việc công bố dịch trên toàn quốc thì cũng sẽ công bố hết dịch, nhưng chỉ khi nào Việt Nam không còn ca bệnh. Với tình hình dịch như hiện nay, điều này sẽ khó có thể diễn ra sớm.