Ngày 7-8, tại TP Đà Nẵng, theo sáng kiến của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ban Kinh tế Trung ương và UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo “Hoạt động ODA tại Việt Nam-20 năm nhìn lại” dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh và Trưởng ban Kinh tế trung ương Vương Đình Huệ. Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham dự của nhiều chuyên gia và các tổ chức định chế tài chính nước ngoài tham gia viện trợ ODA cho Việt Nam trong 20 năm qua.
Hội thảo “Hoạt động ODA tại Việt Nam-20 năm nhìn lại” được tổ chức sáng nay tại TP Đà Nẵng. LÊ PHI
20 năm tài trợ 89,5 tỷ USD vốn ODA
Tại hội thảo, ông Trần Bắc Hà (Chủ tịch HĐQT BIDV) phát biểu, thông qua sử dụng ODA đã tăng uy tín cho Việt Nam, góp phần kêu gọi các nhà đầu tư toàn cầu đến với Việt Nam. “Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận rằng, bên cạnh mặt tích cực của ODA thì vẫn còn có những thách thức. Cụ thể như sử dụng ODA làm gia tăng nợ công quốc gia; có sự lệ thuộc nhất định khi dùng ODA; có những điều khoản tương đối ngặt nghèo. Những thách thức về tiêu cực, tham nhũng cần phải tính tới. Chúng ta cần có cơ chế minh bạch, công khai trong quá trình bố trí, giải ngân ODA”, ông Hà nói.
Theo ông Hà, 20 năm qua việc tài trợ vốn ODA đều gia tăng năm sau cao hơn năm trước. Tổng giá trị ODA đã cam kết cho Việt Nam lên tới 89,5 tỷ USD, trong đó 54 tỷ USD đã được giải ngân.
“Nhờ nguồn vốn ODA, kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Uy tín của Chính phủ, Nhà nước Việt Nam được nâng cao trong quá trình phát triển hội nhập”, ông Trần Bắc Hà nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Vương Đình Huệ (Trưởng Ban Kinh tế trung ương), nhận định: Trong hơn 20 năm qua, chủ trương nhất quán của Việt Nam là thu hút các nguồn ODA để phát triển và xóa đói giảm nghèo. Việt Nam luôn xem ODA là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. “Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để quản lý ODA. Hơn 50 nhà tài trợ quốc tế, hợp tác trong tất cả các ngành, lĩnh vực với quy mô ODA cam hết hơn 80 tỷ USD đã góp phần quan trọng giúp Việt Nam đổi mới và thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đất nước”, ông Vương Đình Huệ khẳng định.
Còn hạn chế, tiêu cực trong sử dụng ODA
Trưởng Ban Kinh tế trung ương Vương Đình Huệ đã điểm lại các thành tựu trong 20 năm sử dụng ODA như: nguồn vốn này góp phần tăng cường đối ngoại đa phương hóa, tạo niềm tin giúp các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Việt Nam.
“Nguồn vốn ODA khoảng 3 tỷ USD/ năm vào Việt Nam là nguồn vốn quan trọng để phát triển kinh tế xã hội. ODA đã góp phần cải cách hành chính công; hoàn thiện định hướng thị trường xã hội chủ nghĩa; đào tạo nhân lực; tăng cường năng lực quản trị, nâng cao dịch vụ công, cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội; xóa đói giảm nghèo; chuyển giao công nghệ tri thức”, ông Huệ cho biết.
Theo ông Huệ, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là mô hình thành công trong huy động và sử dụng ODA.
Tuy nhiên, theo ông Vương Đình Huệ: Năng lực hấp thụ ODA của Việt Nam còn hạn chế mà biểu hiện là tỷ lệ giải ngân ODA của chúng ta vẫn thấp, trung bình chỉ mới trên dưới 63%.
“Thiết kế các chương trình ODA chưa sát thực tế; đầu tư còn dàn trải và hạn chế về tính hiệu quả; hiệu quả sử dụng ODA trong đầu tư công còn thấp dẫn đến tác động đến nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia. Ngoài ra, quản lý ODA vẫn còn bất cập, còn sai phạm về quy định quản lý ODA”, Trưởng Ban Kinh tế trung ương cho hay.
Con theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh: “Chính phủ Việt Nam cam kết nỗ lực và sử dụng các nguồn vốn ODA hiệu quả. Như các vị đã biết, dù ở đâu đó còn có tiêu cực, chưa hiệu quả trong sử dụng ODA. Việc này, chúng tôi đã nghiêm túc xử lý các đối tượng, tổ chức có liên quan sử dụng nguồn vốn ODA có tiêu cực, lãng phí”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Việt Nam đang xây dựng chiến lược phát triển 10 năm trong đó tập trung vào ba hướng đột phá là: hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường đầu tư hạ tầng đồng bộ để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và thứ ba là đẩy mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao. “Tại hội thảo này, tôi đề nghị các bộ ngành, địa phương cần lắng nghe ý kiến từ các phía để đề đạt kiến nghị, cũng có thể phê phán để thông qua đó đề xuất với Chính phủ để quản lý, sử dụng ODA có hiệu quả. Đề nghị các chuyên gia, nhà quản lý, nhà tài trợ quốc tế hãy thảo luận thẳng thắn để đánh gia đúng kết quả đạt được cũng như những hạn chế, tồn tại. Từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, kể cả thành công và không thành công nhằm đưa ra khuyến nghị cho Chính phủ Việt Nam”, Phó thủ tướng nói. Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, đang có nhận định ODA cho Việt Nam sẽ giảm đi khi đất nước bước vào ngưỡng thu nhập trung bình. “Vì vậy, chúng tôi mong muốn các vị có gợi mở cho chúng tôi trong huy động nguồn lực xã hội, thành phần kinh tế tư nhân, nguồn lực cộng đồng quốc tế để góp phần vào quá trình phát triển của Việt Nam. Có người nói, Việt Nam đã “tốt nghiệp” ODA nhưng nhu cầu vốn đầu tư phát triển ở Việt Nam chúng tôi vẫn còn cao, xuất phát điểm của chúng tôi còn thấp. Chúng tôi mong muốn các nhà tài trợ tiếp tục quan tâm, để Việt Nam chúng tôi phát triển nhanh và bền vững trong tương lai”, Phó Thủ tướng nói. |