Việt Nam trước địa chính trị của biển Đông

Về lý thuyết, hai khả năng khai thác tài nguyên địa chính trị của Việt Nam có thể được xem xét là vai trò cửa ngõ ra hướng biển Đông và vai trò đầu cầu kết nối các quan hệ giao thương khu vực và quốc tế.

Vai trò cửa ngõ và giấc mơ chưa thành

Trước hết, cần phải hiểu rằng vai trò cửa ngõ chỉ được phát huy nếu kinh tế vùng đất liền phía trong phát triển. Chúng ta hãy lần lượt xem xét vai trò này thông qua phân tích vai trò của từng vùng miền.

Vùng biển Bắc bộ, do mức phát triển kinh tế chưa mấy khởi sắc của phần đất liền phía trong (đồng bằng sông Hồng và khu Đông - Tây Bắc bộ), và do bị lấn át bởi sự phát triển vượt bậc của đảo Hải Nam và các tỉnh duyên hải Trung Quốc trong thời gian gần đây, khó đảm đương vai trò cửa ngõ hướng ra các luồng thủy lộ biển Đông. Việt Nam đã đầu tư các tuyến đường cao tốc bằng những khoản vay lớn từ Trung Quốc trong thời gian gần đây (Hà Nội - Lào Cai và Hà Nội - Lạng Sơn). Liệu chúng có thực sự là động lực phát triển kinh tế cho các tỉnh phía Bắc của ta hay Trung Quốc mới chính là kẻ hưởng lợi từ khối lượng xuất nhập khẩu khổng lồ qua con đường biên mậu? Đó là chưa kể những âu lo khác về an ninh quốc phòng đối với Việt Nam.

Việt Nam chưa bao giờ tận dụng được vị thế địa chính trị của biển Đông. Và viễn cảnh đánh mất nó có thể sẽ xảy ra trong tương lai, nếu không có những điều chỉnh về chính trị và chiến lược thích ứng.

Vùng biển miền Trung khá dài và sát các thủy lộ biển Đông, với nhiều cảng nước sâu, có thể được xem là cửa ngõ tốt. Thế nhưng, vùng đất liền phía trong, có thể tính bao gồm một phần lãnh thổ Việt Nam và cả Lào, Đông Bắc Campuchia, nhìn chung cũng chưa phát triển mấy. Việc đầu tư dàn trải các cảng nước sâu từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng để hướng đến thị trường Lào quá bé nhỏ đã khiến cho vai trò cửa ngõ của khu vực miền Trung trở nên manh mún. Ngoài cảng biển, các dự án lớn khác tại khu vực miền Trung, mà đặc biệt là trong ngành lọc dầu, vẫn còn khá xa mong đợi thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho khu vực.

Miền Nam, với TP.HCM và vùng Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi kinh tế phát triển vượt trội, thị trường lớn, sức mua cao và cả một vùng đất liền phía trong rộng lớn, nhiều tiềm năng, có thể được xem là lý tưởng hơn cả trong vai trò cửa ngõ. Thế nhưng, vai trò cửa ngõ phải gắn chặt với vai trò kho hàng (entrepôt). Điều này tỏ ra không mấy hiện thực với chúng ta, vì vẫn còn khá lâu, do trình độ công nghệ hạn chế, chúng ta mới có thể đạt được vị thế hiện nay của Hồng Kông và Singapore. Sự thất bại của hàng loạt cảng biển khu vực phía Nam, đặc biệt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua là một minh chứng. 

Vai trò cầu nối và viễn cảnh đánh mất vị thế địa chính trị 

Vai trò cầu nối đòi hỏi chúng ta phải ra sức lôi kéo các luồng giao thương, đầu tư có liên quan đến các thủy lộ vận chuyển xuyên Đông Á vào trong lãnh thổ chúng ta. Vai trò nầy có tính hiện thực và khả thi cao hơn vai trò cửa ngõ, có thể bù đắp cho sự yếu kém của vai trò cửa ngõ, ít ra là trong ngắn hạn. 

Thế nhưng, nền kinh tế Việt Nam, mà cụ thể là các hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư, đã ngày càng lệ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Những dòng chảy tư bản và hàng hoá giữa Việt Nam và phần còn lại của thế giới thay vì chu chuyển khắp nơi trong một thế giới ngày càng hội nhập như hiện nay thông qua thuỷ lộ biển Đông, giờ đây, chúng đã và đang bị lôi kéo vào những những khu vực địa giới và hải giới gần hơn, giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Những khả năng xung đột hay tranh chấp về lãnh thổ, và trầm trọng hơn nếu tiềm ẩn những nguy cơ xung đột vũ trang, mất an ninh khu vực và an toàn hàng hải, sẽ càng làm suy giảm trầm trọng vai trò cửa ngõ của biển Đông. Có thể nói, gần như trong suốt tiến trình lịch sử, về lợi ích kinh tế, Việt Nam chưa bao giờ tận dụng được vị thế địa chính trị của biển Đông. Và viễn cảnh đánh mất nó có thể sẽ xảy ra trong một tương lai, nếu Việt Nam không có những điều chỉnh về chính trị và chiến lược thích ứng.

Cửa ngõ hay cầu nối?

Từ vấn đề biển Đông lâu nay và vụ giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc xâm nhập vùng biển Việt Nam hiện nay, nhiều vấn đề về quan hệ chính trị và bang giao với Trung Quốc chắc chắn sẽ được các nhà lãnh đạo Việt Nam cân nhắc giải quyết. 

Đất đai, lãnh hải có thể không thay đổi. Nhưng thời gian lại cuồn cuộn trôi. Hội nhập kinh tế quốc tế có thể đem đến những cơ may, nhưng một khi cơ may không được nắm lấy, nó có thể trở nên những đe dọa ảnh hưởng đến sự hưng suy của cả một dân tộc. Đó chính là ý niệm thời gian của địa chính trị, bên cạnh các phân tích chủ yếu nghiêng về không gian của phần trên. Không có những điều chỉnh, không có những chiến lược đổi thay, ứng phó, chúng ta sẽ mất tất cả qua thời gian.

Xin đưa ra một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, với vai trò cầu nối, chúng ta cần chủ động “kéo” các luồng giao thương, đầu tư vào còn vai trò cửa ngõ thì hãy thụ động “chờ” chúng đến. Vai trò cầu nối còn có khả năng khắc phục phần nào tính cục bộ, hạn chế của vai trò cửa ngõ thông qua việc tăng cường các cơ hội hợp tác, thiết lập các liên minh bền vững và có tính chiến lược với các quốc gia có quyền lợi liên quan tại khu vực. Chúng ta đã có những mối quan hệ hợp tác đa phương và song phương mà chúng ta đã đặt những nền tảng khá vững chắc trong thời gian qua, chẳng hạn, với hai quốc gia Nhật và Singapore. Các quan hệ chiến lược khác cũng cần được xem xét, đặc biệt là những quan hệ chiến lược có khả năng gắn kết giữa lợi ích kinh tế và an toàn, an ninh hàng hải. Đó là các trường hợp với EU và Mỹ.

Vai trò cửa ngõ đòi hỏi một nền kinh tế mạnh mẽ của vùng đất liền phía trong. Chúng ta đã và đang nỗ lực để thực hiện việc này, dù rằng, trong tư duy, đã đến lúc chúng ta phải chấp nhận những khoảng cách nào đó trong tăng trưởng và phát triển kinh tế giữa ba miền Bắc-Trung-Nam.

Vai trò cửa ngõ của địa chính trị biển Đông cũng không thể bỏ qua tác động của hành lang kinh tế Đông-Tây, bao gồm thị trường Lào và vùng Đông Bắc Campuchia, thông qua vai trò cầu nối của Việt Nam đối với các quốc gia đó, từ vùng đất sâu phía trong ra biển Đông, với những quan hệ kinh tế-chính trị cần được củng cố vững chắc hơn, dài hạn hơn, mang tính chiến lược hơn trên cơ sở các lợi ích song phương.

PGS. Trương Quang Thông (Theo TBKTSG Online)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới