Vĩnh biệt Nhà giáo Nhân dân, nhà văn Trần Thanh Đạm

PGS-NGND-nhà văn Trần Thanh Đạm đã cùng các GS-NGND-nhà văn Hoàng Như Mai, Lê Trí Viễn, Lê Đình Kỵ, PGS-nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo... là những vị giáo sư uy tín, một đời vì sự nghiệp giáo dục và văn học được nhiều thế hệ học trò kính yêu, quý mến.

 PGS-NGND-nhà văn Trần Thanh Đạm trong một lần phát biểu tại ĐH Nhà văn Việt Nam tổ chức tại TP.HCM. Ảnh NT

Thế hệ sinh viên mãi nhớ đến thầy Trần Thanh Đạm với những buổi giảng về văn học Việt Nam truyền cảm, sinh động. Càng thích thú với những bài viết, công trình, tác phẩm của thầy về lý luận phê bình. Thầy cũng là người chủ biên, biên soạn nhiều công trình khoa học nhất là sách giáo khoa Ngữ văn cấp 3 -THPT.

 Nhà văn Trần Thanh Đạm cùng nhà văn Đoàn Minh Tuấn (bên phải). Ảnh NT

Trong lễ kỷ niệm sinh nhật 80 tuổi (16-11-2013), trên trang honvietquochoc.com.vn, GS Mai Quốc Liên đã nhận định: "GS Trần Thanh Đạm là một gương mặt tiêu biểu của giáo dục và văn hóa thời chúng ta, thời kháng chiến - cách mạng, Hồ Chí Minh. 

Trải qua mấy chục năm tự đào tạo, rèn luyện, đi thực tập ở Nga (bổ sung cho vốn Anh, Pháp, Hán…), giáo sư đã có một kiến thức rất rộng sâu: “Chữ nghĩa văn chương tám vạn tư/ Học thời không thiếu… cũng không dư”… Khi Chủ tịch nước đến thăm nhà, thấy giáo sư ở trong một căn nhà chung cư cấp 4, giản dị, đơn sơ, đúng là một “hàn sĩ đỏ”. Nhưng trong lý luận, văn chương, giáo sư có nhiều bài luận chiến sắc sảo, tầm cỡ, chứng tỏ một tầm tư tưởng thâm hậu…".

Vĩnh biệt Nhà giáo Nhân dân, nhà văn Trần Thanh Đạm ảnh 3

Nhà văn Trần Thanh Đạm (bên trái) tại sinh nhật 80 tuổi của nhà văn Thái Vũ (bên phải). Ảnh NT

Trên Thanh Niên, nhớ về người thầy khả kính của mình, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, viết: "Tôi không được gặp thầy Đạm những năm thầy làm Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhưng tôi nhớ đến một kỷ niệm về thầy, đó là dòng chữ viết trên một mảnh giấy nhỏ "Thầy xin lỗi không đến dự đám cưới hai em được vì bận đi công tác. Thầy chúc hai em mãi là những người hạnh phúc". Đám cưới chúng tôi đã cách đây hơn 30 năm và tôi vẫn nhớ mãi những dòng chữ ấy.

Tôi nhớ đến sinh nhật lần thứ 80 của thầy, tôi là một trong những khách mời nhỏ nhất dù cũng đã ngoài 50. Bữa đó thầy tặng sách cho bạn bè, cho học trò và cả cho tôi. Cuốn sách của thầy về giáo dục. Và thầy cười - nụ cười tươi trẻ, sảng khoái - nụ cười không tuổi.

Tôi không nghĩ đó là cuốn sách cuối cùng của thầy".

Nhà văn Trần Thanh Đạm cùng 
người bạn học, đồng nghiệp, nhà văn Thái Vũ (bên trái)
 
Vĩnh biệt Nhà giáo Nhân dân, nhà văn Trần Thanh Đạm ảnh 5
PGS-NGND-nhà văn Trần Thanh Đạm cùng học trò PGS-TS, nhà văn Đoàn Lê Giang (bên phải). Ảnh NT

Với người viết bài này, được nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện cùng thầy. Được gặp thầy trong nhiều hội nghị, hội thảo văn học và cách đây 10 năm được cùng thầy dự sinh nhật 80 tuổi của người bạn học, nhà văn Thái Vũ (1928-2013). Sau đó tôi có viết cuốn tiểu luận phê bình "Thái Vũ - từ Ba Đình đến Huế" dày 600 trang và "nhờ" thầy Trần Thanh Đạm viết lời giới thiệu. Thầy xem xong bản thảo, gọi điện thoại nói với tôi: "Em viết đầy đủ chi tiết rồi, mình không ý kiến gì nữa". Tôi cảm ơn thầy, xin thầy góp cho vài ý kiến. Thầy bảo: "Mình với Thái Vũ là bạn học. Ông ấy sống và viết như thế nào, em đã viết đầy đủ rồi. Em in được". 

Vĩnh biệt thầy, người có vầng trán cao, giọng Huế ấm, trầm cùng nụ cười hiền hậu, bao dung... sẽ ghi khắc mãi trong lòng mỗi thế hệ học trò đã qua...

 

PGS.NGND Trần Thanh Đạm - Ảnh: Trần Tiến Dũng

PGS-NGND Trần Thanh Đạm. Ảnh: Trần Tiến Dũng

PGS-NGND-nhà văn Trần Thanh Đạm sinh năm 1932 tại xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, nguyên là giáo viên Trường Trung học Kháng chiến Nguyễn Chí Diểu,... hiệu trưởng Trường ĐHSP TP.HCM, trưởng bộ môn Văn học nước ngoài khoa Ngữ văn và Báo chí Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM)...

PGS-NGND-nhà văn Trần Thanh Đạm được tặng huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, huy chương Vì sự nghiệp giáo dục.

Tác phẩm: Vấn đề giảng dạy tác phẩm văn học theo loại thể (1968), Tục ngữ và vấn đề nguồn gốc văn chương, Dẫn luận văn học so sánh, Sự chuyển tiếp của văn chương Việt Nam sang thời kỳ hiện đại. Cùng Phạm Thị Hảo dịch tác phẩm Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp (2007), Tuyển tập các bài viết về giáo dục và văn học, 2012

Hiện linh cữu ông quàn tại Nhà tang lễ TP: 25 Lê Quý Đôn, quận 3.

Lễ viếng bắt đầu lúc 16 giờ ngày 3-11 (22 tháng 9 Ất Mùi).

Động quan lúc 6 giờ ngày 5-11 (24 tháng 9 Ất Mùi), sau đó đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm