VN đủ chứng cứ khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa,Trường Sa

Sáng 12-1, UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) đã tổ chức Hội thảo khoa học nghiên cứu và truyền thông giáo dục về quần đảo Hoàng Sa trong giai đoạn hiện nay, tại Nhà trưng bày Hoàng Sa.

TS Nguyễn Thanh Minh (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) cho rằng tình hình biển Đông hiện nay còn phức tạp..., có nhiều mặt khó khăn nhưng cũng có mặt tích cực. Theo TS Minh, hợp tác hoà bình cùng phát triển là nguyên tắc chủ đạo. 

TS Minh cũng cho rằng chúng ta phải kiên trì đấu tranh bằng tính chính danh trong xu thế hoà bình, giải quyết các tranh chấp bằng con đường pháp lý. 

TS Nguyễn Thanh Minh (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) cho rằng, chúng ta phải kiên trì đấu tranh bằng tính chính danh. Ảnh: LÊ PHI. 

Theo TS Minh, trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, hơn bao giờ hết để thực hiện tốt chiến lược biển, Việt Nam phải khẳng định mạnh mẽ và thể hiện ý chí quyết tâm cao nhất trong việc bảo vệ chủ quyền và quyền tài phán của mình trên các vùng biển và hải đảo của tổ quốc.

TS Trần Công Trục (nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ) cho rằng, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý để chứng minh cho chủ quyền thiêng liêng của mình tại Hoàng Sa, Trường Sa. 

Tại hội thảo, TS Nguyễn Tuấn Cường (Viện nghiên cứu Hán Nôm) đã công bố những nghiên cứu mới nhất về tài liệu “Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ” đang được lưu trữ tại Đại học Keio (Nhật Bản).

TS Cường cho rằng, đây là tài liệu vô cùng quan trọng, có giá trị về nhiều mặt. “Một trong những giá trị đó là ghi chép và hình họa về Hoàng Sa. So sánh cách mô tả Bãi Cát Vàng với hầu hết các bản đồ nhật trình hiện tại, bản đồ này có phần hoàn chỉnh hơn, có sự phân cách giữa đất liền và ngoài khơi... Đây là sử liệu góp phần khẳng định vị trí ngoài khơi xa của quần đảo Hoàng Sa, chứ không phải dải cát ven bờ”, TS Cường nói. 

PGS.TS Trần Nam Tiến (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) cũng cho rằng các bằng chứng lịch sử, pháp lý mà Việt Nam thu thập được hiện nay rất phong phú, đủ sức để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Theo TS Trần Nam Tiến, trong lịch sử, “tuyên bố khẳng định chủ quyền lâu đời của người Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không gặp sự phản đối hay bảo lưu của nước nào đã cho thấy cộng đồng quốc tế đã thừa nhận thực tế này như một sự hiển nhiên". 

TS Tiến cũng cho rằng ngoài vấn đề tuyên truyền trong nước thì rất cần đẩy mạnh xuất bản và công bố rộng rãi các tư liệu, tài liệu, các nghiên cứu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa ra quốc tế.  

 

Điểm hành hương về lòng yêu nước

Ông Võ Ngọc Đồng (Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa) cho hay từ xưa đến nay đã có nhiều lớp người Việt đi ra Hoàng Sa, Trường Sa khai phá, xác lập, bảo vệ chủ quyền trên 2 quần đảo này. "Thế hệ chúng ta hôm nay có nghĩa vụ ghi nhớ và tri ân những tiền nhân đã vì Hoàng Sa, Hoàng Sa...”.

Theo ông Đồng, cần giáo dục truyền thống để giới trẻ tới với Nhà Trưng bày Hoàng Sa không chỉ được thấy những bằng chứng lịch sử mà Hoàng Sa còn là điểm “hành hương về lòng yêu nước”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới