Võ sư nổi tiếng ở Bình Định giờ sống ra sao?

Chủ nhân của chiếc xe đồng hồ nhỏ nép sát cổng một công ty may đã giải thể trên con đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận là người đàn ông ngoài 60 tuổi, dáng hình quắc thước, râu quai nón rậm. Đó là ông Huỳnh Phi Thanh, người mà khách hàng quen gọi với cái tên thân mật là “võ sư đồng hồ”.

Võ sư thành danh

Ngay từ lúc nhỏ, võ sư Huỳnh Phi Thanh đã được cha cho theo học võ Taekwondo. Được một thời gian thấy không ưng, ông chuyển sang học Thiếu lâm La Hán quyền. Bằng sự cần mẫn và tố chất võ học tuyệt vời, chẳng mấy chốc cậu bé gầy gò Huỳnh Phi Thanh trở thành chàng trai thân mang tuyệt kỹ, nổi tiếng sức lực phi thường.

Năm 1981, ôm hoài bão làm nên nghiệp lớn, ông khăn gói lên Lâm Đồng với lời nguyện “Tròn giấc mộng mới về quê hương”. Chính tại vùng đất cao nguyên này đã chứng kiến bao cuộc thư hùng giữa Huỳnh Phi Thanh và dân anh chị máu mặt khét tiếng từ khắp nơi đổ về đào vàng. Sau những lần đòi lại công bằng cho người nghèo khó, ông được dân đãi vàng tôn làm đại ca nhưng nhất mực từ chối.

Thời gian sống trên núi rừng Bảo Lộc, Phi Thanh tìm cách dạy võ cho những thanh niên khỏe mạnh trong vùng. Rồi đệ tử của ông giành chiến thắng trong các cuộc thi đấu võ đài khiến tên tuổi vị võ sư trẻ càng được truyền bá rộng rãi. Ông và đàn anh Trương Văn Bảo là hai trong số ít những võ sư tạo tiếng vang nơi đất khách lúc bấy giờ.

Khó ai ngờ một võ sư tài ba, một gương mặt quen thuộc của điện ảnh phải sống trong căn phòng trọ lụp xụp thế này. Ảnh: HOÀNG LÊ

Đi bán đồng hồ dạo

Huỳnh Phi Thanh kết hôn khi đã công thành danh toại. Nhưng với bản tính thích ngao du đây đó, giao kết bạn bè tứ phương, ông và vợ thường xuyên khắc khẩu. Trong một lần cãi vã, buồn chán gia môn, võ sư bỏ lại tất cả cơ ngơi, tiền bạc nhà cửa cho vợ, từ biệt hơn sáu ngàn đệ tử tại Lâm Đồng, hai bàn tay trắng hồi cố hương.

Đang lúc gầy dựng môn phái Thiếu lâm La Hán quyền tại vùng quê nghèo Hoài Nhơn (Bình Định), ông bén duyên với người đàn bà thứ hai, kém mình đến 18 tuổi. Họ yêu nhau khi gia đình vẫn còn vương vấn chuyện xưa. Không thích miệng lưỡi thế gian, Huỳnh Phi Thanh và cô gái cùng làng Vũ Thị Kim Tuyến âm thầm chuẩn bị đồ đạc, bước lên xe đò Nam tiến vào năm 2006. Khi ấy, đệ tử của ông đã ngót con số 8.000.

Lạ nước lạ cái Sài Gòn, Huỳnh Phi Thanh không thể mở lớp dạy võ chuyên nghiệp như trước. Ông hì hục làm đủ thứ nghề, từ dạy võ cho bảo vệ các tập đoàn lớn đến dạy kỹ năng tự vệ cho con cái nhà giàu, làm vệ sĩ cho ca sĩ chạy show, thậm chí đi dạy đàn - thứ mà người có máu văn nghệ như ông rất giỏi.

Một lần, theo chân bạn ra đường Nguyễn Kiệm, ngắm những chiếc đồng hồ cũ và cách người ta sửa nó, ông bỗng mê đắm nó. Rồi mày mò từ từ, học hỏi từng chút, Huỳnh Phi Thanh hành nghề bán đồng hồ lúc nào không hay.

Thương vợ, nghỉ đóng phim

Từ nơi bán đồng hồ đến phòng trọ võ sư trên đường Dương Quảng Hàm (phường 2, quận Gò Vấp) chi chít con hẻm nhỏ nhiều ngã quẹo, lởm chởm đất đá.

Mấy đoàn làm phim cũng khá vất vả để kiếm được nơi ông ở. Họ vì nghe danh tiếng của ông trong giới võ học, tìm đến mời ông tổ chức đội ngũ cascadeur hay cố vấn những mảng miếng võ cho diễn viên. Lắm lúc được vào vai luôn nhưng hầu như chỉ toàn vai đại ca giang hồ số má, vì nhìn tướng ông dữ dằn.

Cảm động tấm chân tình ấy, phần cũng khoái lên truyền hình, bộ phim nào có mặt, võ sư Huỳnh Phi Thanh đều hết mình góp sức dù thù lao chẳng khá khẩm gì. Như lần quay bộ phim Định mệnh trùng phùng, vừa nghe được mời, ông bỏ luôn xe đồng hồ, chạy thẳng một mạch từ Sài Gòn xuống tận Tân Uyên (Bình Dương) bằng chiếc xe Cub cà tàng, mòn mỏi đợi từ trưa đến tối để quay một phân cảnh dạy võ cho diễn viên Huỳnh Đông, rồi lặng lẽ trở về với tiền cát-xê đổ xăng xong còn dư chút đỉnh.

“Mà bả ghét tôi đóng phim lắm” - võ sư cười buồn. Bởi sợ ông sẽ lại ngao du bôn tẩu, rồi dẫm lên vết xe đổ ngày trước nên mỗi lần có đoàn phim nào mời, bà Tuyến lại hậm hực tìm mọi cách kéo chồng về. Chính vì thế mà từ Dọc đường trắng đen, Thế lực ngầm đến Nhịp tim của đá, ông chỉ có mặt trong một, hai tập đầu rồi lặn mất tăm. Võ sư thở dài: “Buồn thật nhưng vợ không muốn cũng đành chối từ. Bởi bên cạnh tôi giờ còn ai khác ngoài bà ấy đâu!...”.

Thắc mắc hỏi ông sao đang làm chưởng môn một phái, đứng giữa võ đường sang trọng lại dại dột bỏ hết tất cả. Võ sư trả lời gọn lỏn: “Khi đạt tới một cảnh giới nào đó, con người đều phải trả giá”.

Ông vẫn nói với nhiều người, một ngày nào đó sẽ rời Sài Gòn. Về lại quê nhà, hay tìm một vùng đất mới. Bởi khi hoài bão đã đạt, thân xác đã già, tài danh, tuyệt kỹ rồi cũng chìm nghỉm dưới lòng phố phường náo nhiệt. Số ông là số tha phương.

Võ sư Huỳnh Phi Thanh tên thật là Nguyễn Văn Nhơn. Năm 1994, ông được Liên đoàn Võ thuật chứng nhận võ sư, được chọn làm trọng tài giám định võ thuật quốc gia.

Võ sư Huỳnh Phi Thanh là người có ảnh hưởng trực tiếp trong việc hình thành và phát triển môn phái Thiếu lâm La Hán quyền tại quê hương Hoài Nhơn, Bình Định khi ông đem bộ môn võ này về truyền dạy đầu tiên cho thanh thiếu niên những năm 2003-2004.

Ngoài võ thuật, ông còn có biệt tài chơi đàn măng đô lin sau gáy. Chẳng cần nhìn phím đàn, duỗi hai tay ra, ông gảy nhiều khúc nhạc khiến người nghe phải trầm trồ thán phục. Những lúc không có khách sửa đồng hồ, mua đồng hồ, võ sư Huỳnh Phi Thanh lấy đàn ra ngồi hát nghêu ngao.

__________________________________________

Được nhiều người giới thiệu, tôi có dịp biết và cùng hợp tác làm một số phim với võ sư Huỳnh Phi Thanh. Anh rất tập trung khi làm việc, rất chịu khó, không ngại di chuyển, khả năng võ thuật thì khỏi phải nói, rất tuyệt vời. Khi nào cần những vai đặc biệt như đấu đá, giang hồ, đại ca trong những phim hành động, tôi luôn nhớ và gọi anh ấy đầu tiên. Anh Thanh là người trọng nghĩa khí, tình cảm. Do cuộc sống mưu sinh, hoàn cảnh gia đình riêng mà anh ít có thời gian tham gia diễn xuất nhưng một khi đã nhận lời, anh luôn làm hết mình và để lại những vai diễn tốt.

NGUYỄN QUANG VÂN, thành viên êkíp đoàn làm phim
Định mệnh trùng phùng (hãng phim Thiên Nam An)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm