Vụ 'biệt phủ triệu đô' của đại gia vàng: ‘Lòng dân quan trọng hơn 100 tỉ’

Vụ 'biệt phủ triệu đô' của đại gia vàng: ‘Lòng dân quan trọng hơn 100 tỉ’ ảnh 1

Biệt phủ 100 tỉ với hàng rào dài hàng cây số

Trái với ý kiến của một số lãnh đạo tại Đà Nẵng cho rằng đối với một công trình quy mô giá hàng trăm tỉ đồng như biệt phủ của đại gia Ngô Văn Quang, đập bỏ là lãng phí của cải xã hội, nhiều bạn đọc đã phủ định quan điểm này và cho rằng không gì quan trọng hơn là giữ nghiêm kỷ cương phép nước, kỷ cương pháp luật.
‘Lòng dân quan trọng hơn 100 tỉ’
Bạn đọc cho rằng đối với việc vi phạm pháp luật không có chuyện phải cân nhắc xử lý thế nào, lợi hại ra sao mà nên nghiêm túc thực hiện đúng theo quy định pháp luật để tránh tạo những tiền lệ xấu, “khinh lờn” pháp luật. Ngoài ra, việc giữ lại công trình triệu đô này theo nhiều ý kiến thì thực tế chẳng “ảnh hưởng” tới người dân nào cả, chỉ gây sự bất bình trong dư luận khi cho rằng có tiền sẽ hợp pháp được những sai phạm, không có tiền thì bị xử lý nghiêm.
Bạn Trang bày tỏ sự quyết tâm: “Yêu cầu tháo dỡ toàn bộ cái "biệt phủ" này. Đây là công trình phi pháp, không có chuyện "đập bỏ thì phí", người dân không cần sử dụng công trình này”.
Bạn Dũng Hưng đồng quan điểm: “Kỷ cương pháp luật của Việt Nam chỉ đáng giá 100 tỉ thôi sao? Quân pháp bất vị thân không có nhưng nhị gì hết”. “Tháo dỡ là đúng nhất”, “Đừng để luật pháp bị bóp méo”, “Phải đập bỏ để giữ kỷ cương phép nước”… là rất nhiều ý kiến của bạn đọc khác góp ý đối với trường hợp này.
Bạn Phạm Văn Thắng cương quyết: “Nên đập bỏ để không tạo nên tiền lệ xấu và thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật”.
“Nếu hợp thức hoá được cái này, tôi đảm bảo sẽ có hàng trăm biệt phủ khác mọc lên nữa . Lúc đó hối sẽ không kịp”- bạn Lê Trung cảnh báo.
Bạn Nguyễn Duy Bình thì phân tích khá chuyên nghiệp khi cho rằng đây là công trình xây trái phép có quy mô và coi thường pháp luật nhất từ trước đến nay, lại nằm ở vị trí địa lý khá nhạy cảm về an ninh quốc phòng, nếu không xử lý nghiêm sẽ tạo một tiền lệ xấu sau này: “Pháp luật phải được nghiêm chỉnh thực thi. Đây là một trường hợp xây dựng trái phép có thể nói là nổi cộm, quy mô nhất từ trước tới nay, nếu không được xử lý nghiêm thì từ nay về sau làm sao xử lý dân được. Dù xây dựng trên đất rừng đặc dụng hay đất rừng bình thường thì cũng là xây dựng trái phép, không nên và không được phân tách”.
“Mặt khác, theo thông tin thì đây là một khu biệt thự rộng bao la, khép kín, khá "bí ẩn", lại nằm ở vị thế địa lý rất quan trọng, nhạy cảm về an ninh, quốc phòng nên nhà nước phải kiểm soát, quản lý, không để một cá nhân hay gia đình quản lý. Đừng cho rằng đập bỏ hàng trăm tỉ sẽ gây lãng phí của dân vì pháp luật không thể mua bằng tiền. Nếu biết là lãng phí của dân, của nước tại sao chính quyền lại để ông vua ấy cát cứ, coi thường pháp luật suốt cả chục năm nay mà không hề ngăn chặn, xử lý ?! Thứ nữa, việc xin tồn tại để làm khu du lịch sinh thái có khi chỉ là cái cớ để gia đình ông ấy sử dụng, kinh doanh mà thôi. Tóm lại, đừng nên bẻ cong, bóp méo pháp luật và hãy lấy đó làm gương cho nhân dân cả nước”- bạn Duy Bình chỉn chu phân tích. Ý kiến này nhận được khá nhiều “like” nhất trí.
Bạn có nick Anh Bay đồng quan điểm cho rằng chính quyền không nên tiếc 100 tỉ đồng bởi giữ nghiêm phép nước là quan trọng nhất. Nếu vì một trường hợp của ông Quang thì sau này khó xử lý được các trường hợp vi phạm khác: “Người dân nghèo xây căn nhà cấp 4 che nắng che mưa không phép, chính quyền cương quyết tháo dỡ. Đại gia vàng chiếm đất công xây dựng trái phép biệt phủ luật pháp lại cho tồn tại thì công bằng xã hội ở đâu? 100 tỉ hay 1000 tỉ chính quyền không nên tiếc. Luật pháp không thể đổi bằng tiền. Đề nghị chính quyền yêu cầu ông Quang tháo bỏ biệt phủ xây dựng trái phép trả lại nguyên trạng ban đầu. Kỷ cương phép nước phải công bằng. Ông Quang làm được và cho tồn tại, sau này luật pháp còn xử được ai?”.
Đồng ý với Anh Bay, bạn Nguyễn Văn Ren cho rằng nếu cho biệt phủ tồn tại thì quá bất công với những người nghèo: “Những người nghèo cả đời làm lụng chắt chiu mới cất được một căn nhà cấp 4, vậy mà xây sai phép thì cũng bị cưỡng chế ngay và họ kể như mất trắng. Không lẽ giàu thì được tồn tại còn nghèo thì đập nát hết?”.
Bạn Quân Tăng Thành còn đưa ra phương án để chính quyền cân nhắc, lực chọn: “Nếu một người ỷ có tiền của mà xem thường pháp luật, xây dựng trái phép 9 năm trời mà đập phá cho là lãng phí, thì một là luật pháp bỏ đi để công trình ông Quang tồn tại, hai là công trình ông Quang phá bỏ dể luật pháp tồn tại, mong chính quyền xem xét cái nào nên bỏ đi, cái nào nên để lại mà quyết định thiệt hơn”.
“Đừng để người dân hiểu là pháp luật của Nhà nước chỉ áp dụng cho người dân nghèo thấp cổ bé họng. Còn quan chức, đại gia có luật riêng. Lòng dân quan trọng hơn 100 tỉ. Hy vọng chính quyền Đà Nẵng biết nhìn xa trông rộng”, bạn namhanguyen nêu quan điểm.
Bạn Phạm Hùng gút “Cho tồn tại, giữa mất và được thì cái mất lớn rất nhiều!”. Hai ý kiến này đã nhận được rất nhiều like đồng thuận.

Vụ 'biệt phủ triệu đô' của đại gia vàng: ‘Lòng dân quan trọng hơn 100 tỉ’ ảnh 2

Biệt phủ quy mô và hoành tráng của đại gia vàng

Tịch thu sung công được không?
Cũng có một số ý kiến phân vân “tiếc rẻ” cho rằng không nên đập bỏ một công trình khủng như thế. Các bạn cho rằng đập bỏ một công trình quy mô triệu đô như biệt phủ ông Quang thì quả là đáng tiếc, tốt nhất nên... tịch thu sung công để nhà nước quản lý sử dụng là “ổn” nhất.
Bạn Lan Hương… tiếc của: “Đúng là trong trường hợp này đập bỏ là quá lãng phí. Theo tôi, nên chăng chính quyền tịch thu lại khu đất này để làm du lịch”.
Bạn Hòa: “Đẹp quá, nên cho tồn tại thành làng SOS”. “Đập bỏ thì quả thật quá lãng phí”, bạn Nguyễn Thị Dung viết.
“Đất nước ta đang còn nghèo, nếu đập phá bỏ đi hàng trăm tỉ thì cũng lãng phí lắm, nhưng kỷ cương phép nước còn quý hơn nhiều, theo tôi cũng phải tính bài toán đập bỏ. Hay ông Quang có thiện chí thì nên tịch thu sung vào công quỹ khối tài sản này để làm du lịch, còn cứ nhập nhèm nộp phạt để cho tồn tại là không thượng tôn pháp luật'', bạn Lê Xuân Thủy nêu giải pháp. (Có lẽ vì tiếc của nên các bạn có ý kiến như vậy, chứ ai cũng biết điều này là không thể thực hiện được vì pháp luật không quy định và cũng không cho phép làm điều này (-NV).
Tuy nhiên, các ý kiến thể hiện sự tiếc của cũng đều bày tỏ sự nghi ngờ nếu để cho đại gia vàng hợp thức hóa nộp phạt tồn tại để làm khu du lịch. Mọi người bày tỏ sự nghi ngờ về kế hoạch mở một khu du lịch suối nước nóng, du lịch tâm linh, thư giãn mở của cho mọi tầng lớp người dân đến đây du lịch của đại gia vàng. Nhiều bạn đặt câu hỏi nếu cho phép tồn tại, đại gia vàng không mở khu du lịch thì chính quyền làm thế nào? Xử lý ra sao hay là lại xảy ra một cuộc “đại chiến” tranh cãi tiếp theo tịch thu hay không tịch thu, xử phạt hay không xử phạt đại gia và biệt phủ khủng này???
“Nếu để đại gia này làm du lịch sau khi không đập bỏ e rằng khó khả thi. Lúc đó đất đai nhà cửa là của tư nhân rồi chính quyền sao có thể can thiệp được? Khi đó đại gia vàng có làm gì trên đất mình mà chẳng được, giả dụ ổng có làm du lịch mà thu giá trên trời và không ai có thể vô giải trí được, chỉ có các đại gia như ổng mới vô được thì chính quyền có can thiệp được không? Chính quyền cần phải cân nhắc thật kỹ trường hợp này mới được”- bạn Lan Hương lo xa.
Bạn Minh Vũ góp ý: “Nên đập bỏ trả lại hiện trạng ban đầu, vì nếu hợp thức hóa cho tồn tại rồi sau này ông Quang chuyển nhượng cho người khác tiếp tục làm dịch vụ thì đâu có luật nào cấm, cái sai cứ tồn tại hoài, không thể hiện được sự nghiêm minh của pháp luật”.
Bạn Dung BP còn cho rằng nếu để cho ông Quang giữ lại biệt phủ thì sau này ông Quang làm di chúc để lại cho con cháu, ai dám chắc biệt phủ này sẽ trở thành một khu du lịch hoàng tráng, ý nghĩa như lời đại gia nói. Theo bạn đọc này, ông Quang còn nói "hiện tại chưa có kế hoạch gì chờ chính quyền đồng ý cho tồn tại mới tính", tính gì, lúc đó ông ta lập di chúc để lại cho con ông ta là xong phim chứ sao”.

Vụ 'biệt phủ triệu đô' của đại gia vàng: ‘Lòng dân quan trọng hơn 100 tỉ’ ảnh 3

Trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu?
Theo diễn biến vụ việc, đại gia vàng Ngô Văn Quang xây dựng trái phép khu biệt phủ này kéo dài ròng rã 9 năm trời. Cả một khu vực rộng hàng ngàn mét vuông được xây dựng hoàng tráng, rầm rộ trong một thời gian dài như thế nhưng lại không hề thấy có sự can thiệp cương quyết của chính quyền địa phương.
Chỉ có tổng cộng 6… biên bản được lập đối với một công trình xây trái phép “khủng” mà hoàn toàn không có một sự cưỡng chế, ngăn chặn nào của chính quyền địa phương, không khỏi khiến cho dư luận nghi ngờ có sự tiếp tay của chính quyền nơi đây bởi sự quản lý quá lỏng lẻo và “ra tay” xử lý quá nhẹ nhàng “tình cảm” như thế.
Nhiều bạn đọc gửi ý kiến về PLO cũng có chung nhận xét và đề nghị phải xử lý nghiêm chính quyền địa phương trong trường hợp này mới đúng.
Bạn Lê Quang đặt câu hỏi: “Trách nhiệm nhà nước ở đâu để ông Quang xây dựng trái phép trong nhiều năm như thế?
“Để tránh trở thành tiền lệ sau này không những phải đập bỏ mà còn phải xử lý những cơ quan để xảy ra tình trạng như trên”, bạn đọc Thanh Nam viết.
Theo bạn La Thi, những người có trách nhiệm quản lý, để xảy ra vụ việc nghiêm trọng như thế này không thể không truy xét tránh nhiệm: “Chẳng lẽ một công trình lớn như vậy, thời gian dài như vậy mà cứ phạt, phạt rồi thôi xong cứ để cho người ta làm mà không hề có một biện pháp ngăn chặn và bắt cam kết không tái phạm nào? Có phải là chính quyền làm ngơ, làm cho có để trả lời cấp trên và dư luận thôi?...”. Ý kiến này cũng nhận được nhiều “Like” đồng ý.
Bạn Nguyễn Văn Ren cũng chung quan điểm: “Nếu chính quyền địa phương đề nghị cho tồn tại thì phải kỷ luật hết lãnh đạo địa phương vì để xảy ra xây dựng trái phép khủng như thế”.
“Theo quan điểm của tôi, lỗi này hoàn toàn thuộc về trách nhiệm địa phương. Người ta xây trong 9 năm mà không kiên quyết ngăn chặn thì có vấn đề ở đây rồi. Bây giờ mọi việc đã xong đập bỏ thì cũng lãng phí cho xã hội” bạn có nick duduong nêu ý kiến.
* * *
Đây thực sự là một trường hợp hi hữu và gây khó cho các cơ quan chức năng, cho xã hội trong việc xử lý. Hi hữu là bởi mức độ vi phạm quá khủng và hiếm có từ trước tới nay. Trong tình hình xã hội đất nước còn nghèo như hiện nay thì việc phải ra tay đập bỏ một công trình giá hàng trăm tỉ như thế quả là điều không dễ quyết định, việc dùng dằng khó quyết là điều dễ hiểu đối với các cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, các cơ quan chức năng nên cân nhắc thật kỹ sao cho “vẹn cả đôi đường”, hợp lòng dân, vì rằng đây có thể sẽ là một tiền lệ về việc thực thi pháp luật sau này đối với các trường hợp tương tự.

Ngoài việc xử lý hành vi xây dựng trái phép đối với người vi phạm, cũng không thể không truy trách nhiệm của cá nhân, tổ chức quản lý địa phương có liên quan và xử lý nghiêm vì đã để xảy ra một vụ vi phạm pháp luật có quy mô lớn, kéo dài trong nhiều năm như thế.

Hiện nay việc xử lý khu biệt thự này vẫn đang được các cơ quan hữu quan ở địa phương... nghiên cứu. PLO sẽ tiếp tục thông tin những diễn biến mới nhất của vụ việc tới bạn đọc.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.