Vụ Hoàng Công Lương: Bộ Y tế có thiếu sót, sơ hở nghiêm trọng

Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, VKSND tỉnh Hòa Bình vừa tống đạt bản cáo trạng truy tố BS Hoàng Công Lương cùng sáu bị can trong vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến chín người tử vong xảy ra tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Đáng chú ý, bên cạnh việc đưa ra căn cứ để buộc tội các bị can, VKSND tỉnh Hòa Bình cũng chỉ ra trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động chữa bệnh bằng kỹ thuật thận nhân tạo của Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình và BV đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Trong vụ BS Hoàng Công Lương, VKSND tỉnh Hòa Bình xác định Bộ Y tế có thiếu sót, sơ hở nghiêm trọng.

Theo đó, kỹ thuật thận nhân tạo là kỹ thuật được thực hiện thường quy ở nhiều bệnh viện các tuyến trên cả nước nhưng cho đến ngày 29-5-2017, khi sự cố y khoa xảy ra tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình thì Bộ Y tế chưa ban hành hướng dẫn quy trình kỹ thuật thận nhân tạo đầy đủ, để áp dụng trong thực tiễn, không có quy trình kiểm soát và đảm bảo chất lượng nước RO.

Chỉ đến ngày 13-4-2018, Bộ Y tế mới có Quyết định số 2482 ban hành tài liệu hướng dẫn quy trình kỹ thuật thận nhân tạo với 52 quy trình kỹ thuật thận nhân tạo.

Đến nay, Bộ Y tế cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn hoặc quy định cụ thể về chủ thể nào đủ điều kiện, tiêu chuẩn để sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế hệ thống lọc nước RO dùng cho chạy thận nhân tạo.

Bộ cũng thiếu những quy định cần thiết để quản lý đầy đủ, chặt chẽ hoạt động liên kết đặt máy chạy thận nhân tạo giữa bệnh viện và nhà sản xuất, cung ứng, cũng như việc thành lập, tổ chức và hoạt động của các đơn vị thực hiện chức năng chữa bệnh suy thận bằng kỹ thuật thận nhân tạo.

Đặc biệt, VKSND tỉnh Hòa Bình xác định Bộ Y tế có dấu hiệu buông lỏng trong quản lý nhà nước về kiểm soát chất lượng nước dùng để lọc máu thận nhân tạo nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh. Đây được xác định là một trong những thiếu sót, sơ hở nghiêm trọng, là điều kiện góp phần dẫn đến sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng khiến chín người chết tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Cùng đó, quá trình điều tra vụ án cũng xác định BV đa khoa tỉnh Hòa Bình, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình và Bộ Y tế chưa có các hoạt động kiểm tra, thanh tra thường xuyên, chuyên sâu về hoạt động lọc máu chu kỳ tại Đơn nguyên lọc máu BV đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Do đó, VKSND tỉnh Hòa Bình sẽ ban hành kiến nghị đối với BV đa khoa tỉnh Hòa Bình, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình và Bộ Y tế cần có biện pháp khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước.

Cạnh đó rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan và tăng cường thanh tra, kiểm tra sâu sát, toàn diện đối với hoạt động lọc máu chu kỳ bằng phương pháp thận nhân tạo tại Đơn nguyên lọc máu BV đa khoa tỉnh Hòa Bình, bệnh viện các tuyến trong tỉnh Hòa Bình và tại các cơ sở y tế trên cả nước nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh chạy thận nhân tạo.

Đừng bỏ lỡ

Bản tin trưa 25-2: Nạn nhân vụ 'tu thành tiên' bán công ty và 3 căn nhà để mua đồ lừa đảo; Khởi tố bảo mẫu ở Long An

Bản tin trưa 25-2: Nạn nhân vụ 'tu thành tiên' bán công ty và 3 căn nhà để mua đồ lừa đảo; Khởi tố bảo mẫu ở Long An

(PLO)- Vụ án đại gia Lê Thanh Thản lừa dối khách hàng: Cư dân không đồng tình với kết quả định giá; Lập trình viên bị bắt giữ, bị nhổ 14 chiếc răng và ép viết phần mềm đánh bạc; Nạn nhân vụ 'tu thành tiên': Bán công ty và 3 căn nhà để mua tượng, la bàn; Khởi tố bảo mẫu giữ trẻ tự phát ở Long An về tội hành hạ người khác; Truy tìm nam thanh niên cướp 10 kg thịt bò ở Long An.

Đọc thêm

Dàn cựu lãnh đạo Vinafood II gây thiệt hại hơn 113 tỉ đồng

Dàn cựu lãnh đạo Vinafood II gây thiệt hại hơn 113 tỉ đồng

(PLO)- Cựu Tổng giám đốc Vinafood II Trương Thanh Phong cùng các bị can khác đã chuyển quyền sử dụng khu đất 132 Bến Vân Đồn mà không thẩm định giá lại tài sản; làm trái quy định pháp luật về quản lý tài sản nhà nước, quản lý vốn nhà nước.