Vụ thuỷ điện xả lũ 3 năm chưa đền bù: Sẽ đối thoại 7 bên

(PLO)- Sở Công Thương tỉnh Kon Tum sẽ tổ chức buổi làm việc giữa bảy sở ngành, địa phương và đơn vị liên quan để làm rõ quy trình xả lũ, xác định trách nhiệm đền bù cho dân.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Liên quan vụ thủy điện xả lũ gây thiệt hại cho 62 hộ dân ở khu vực lòng hồ thủy điện Đắk Psi 5 (xã Đắk Psi, huyện Đắk Hà, Kon Tum), trao đổi với PLO, ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công Thương Kon Tum, cho biết đã mời các đơn vị liên quan để làm rõ quy trình xả lũ thủy điện Đắk Psi bậc 1 và bậc 2 trên sông Đắk Psi theo kiến nghị của Công ty CP Đức Thành Gia Lai (Công ty Đức Thành Gia Lai, chủ đầu tư thủy điện Đắk Psi 5).

Theo đó, Sở Công Thương sẽ chủ trì cuộc họp diễn ra vào ngày 7-6. Thành phần tham dự có Sở TN&MT, UBND huyện Đắk Hà, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, Công ty Đức Thành Gia Lai và Công ty CP thủy điện Đức Nhân – Đắk Psi (Công ty Đức Nhân).

Hoa màu, nhà dân ở lòng hồ thủy điện Đắk Psi 5 bị ngập gây thiệt hại gần 3 năm nay nhưng vẫn chưa đền bù xong.

Hoa màu, nhà dân ở lòng hồ thủy điện Đắk Psi 5 bị ngập gây thiệt hại gần 3 năm nay nhưng vẫn chưa đền bù xong.

Buổi làm việc nhằm “kiểm tra việc vận hành quy trình xả lũ của công trình thủy điện Đắk Psi bậc 1 và Đắk Psi bậc 2” do Công ty Đức Nhân làm chủ đầu tư. Qua đó, làm rõ nguyên nhân gây ngập, thiệt hại cho 62 hộ dân vùng lòng hồ thủy điện Đắk Psi 5 trong hai cơn bão số 6, số 9 năm 2020.

Thực tế, gần ba năm nay, chính quyền địa phương và Sở Công Thương Kon Tum nhiều lần yêu cầu Công ty Đức Thành Gia Lai bồi thường thiệt hại cho dân nhưng Công ty Đức Thành Gia Lai không chấp nhận, dẫn đến kéo dài. Phía Công ty Đức Thành Gia Lai cho rằng, yêu cầu này là chưa đúng, nguyên nhân gây ngập là do thủy điện Đắk Psi bậc 1 và Đắk Psi bậc 2 xả lũ gây ra.

Ngày 19-5, UBND tỉnh Kon Tum giao Sở Công Thương chủ trì kiểm tra, xử lý dứt điểm kiến nghị của người dân và báo cáo kết quả trước ngày 15-8. Trường hợp đến thời hạn cam kết nhưng chưa xử lý thì đề xuất UBND tỉnh có chế tài xử lý nghiêm (kiến nghị tạm dừng mua điện) theo đúng quy định.

Để có cơ sở cho buổi làm việc, xác định nguyên nhân rõ ràng, Sở Công Thương đề nghị Công ty Đức Nhân báo cáo quy trình vận hành xả lũ của công trình Đắk Psi bậc 1 và Đắk Psi bậc 2. Bao gồm: Lưu lượng đến hồ, lưu lượng qua cửa van, lưu lượng qua các tổ máy, lưu lượng qua cống xả môi trường theo giờ trong ba ngày (trước, trong, sau lũ) do ảnh hưởng cơn bão số 6, số 9 năm 2020; phô tô sổ ghi chép số liệu vận hành.

Sở Công Thương cũng yêu cầu tương tự đối với Công ty Đức Thành Gia Lai, báo cáo đầy đủ quy trình vận hành xả lũ của công trình thủy điện Đăk Psi 5 cùng thời điểm đó.

Đồng thời, đề nghị Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum cung cấp số liệu thủy văn trên lưu vực sông Đắk Psi trong hai cơn bão số 6, số 9 vào năm 2020. Qua đó, cho ý kiến về việc ảnh hưởng đến đập, hồ chứa các công trình thủy điện Đắk Psi 5, thủy điện Đắk Psi bậc 1 và bậc 2.

Sở Công Thương tỉnh Kon Tum sẽ tổ chức họp giữa bảy sở ngành và đơn vị liên quan, làm rõ quy trình trình xả lũ của thủy điện Đắk Psi bậc 1 và bậc 2.

Sở Công Thương tỉnh Kon Tum sẽ tổ chức họp giữa bảy sở ngành và đơn vị liên quan, làm rõ quy trình trình xả lũ của thủy điện Đắk Psi bậc 1 và bậc 2.

NhưPLO đã phản ánh, trong hai đợt mưa bão năm 2020, nhà ở và nhiều diện tích hoa màu của dân vùng lòng hồ thủy điện Đắk Psi 5 (xã Đắk Psi, huyện Đắk Hà, Kon Tum) bị ngập lụt, gây thiệt hại nặng nề cho 62 hộ dân. Tuy nhiên, từ đó đến nay, các hộ dân vẫn chưa được các thủy điện đền bù, hỗ trợ.

Tháng 4-2022, Sở Công Thương tỉnh Kon Tum ra “tối hậu thư” yêu cầu hạn cuối 30-6-2022, Công ty Đức Thành phải hoàn thành việc rà soát, thống kê thiệt hại và hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng. Nếu công ty chưa hoàn thành, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh Kon Tum đề nghị Tổng Công ty Điện lực miền Trung dừng huy động công suất nhà máy thuỷ điện Đắk Psi 5.

Ngay sau đó, Công ty Đức Thành Gia Lai đã có văn bản “cầu cứu” gửi Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang. Theo đó, công ty đề nghị xem xét và có văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành của tỉnh giải quyết vấn đề ngập lụt cho 62 hộ dân một cách thấu tình đạt lý, không gây oan ức cho công ty.

Ông Nguyễn Văn Quý, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đức Thành Gia Lai, cho biết thủy điện Đắk Psi 5 được thiết kế đập tràn tự do, kết hợp với cống xả cát nên nước về bao nhiêu được xả bấy nhiêu, không tích nước. Vì vậy, nguyên nhân gây ngập lụt làm ảnh hưởng cho các hộ dân xung quanh khu vực lòng hồ không phải do Nhà máy thủy điện Đắk Psi 5 tích nước gây ra.

“Nhà máy thủy điện Đắk Psi 5 đi vào vận hành khai thác từ năm 2012, trong khoảng thời gian đó đến năm 2019 đã trải qua hai trận lũ lịch sử nhưng lòng hồ không gây ngập lụt cho 62 hộ dân xung quanh” - ông Quý nói.

Theo ông Quý, từ năm 2020 khi thủy điện Đắk Psi bậc 1 và bậc 2 trên sông Đắk Psi đi vào hoạt động, xả lũ với lưu lượng lớn, lượng nước về vượt quá 13 lần dung tích thiết kế của lòng hồ thủy điện Đắk Psi 5 nên mới gây thiệt hại cho dân xung quanh lòng hồ. Đây là nguyên nhân tác động trực tiếp.

“Đối với 13 hộ dân nằm trong hành lang hồ chứa thủy điện Đắk Psi 5, chúng tôi cam kết bồi thường và đã bồi thường 344 triệu đồng, không hề né tránh trách nhiệm. Còn những hộ dân khác bị ảnh hưởng ngoài hành lang thì các thủy điện bậc trên phải có trách nhiệm cùng với chúng tôi, phân chia theo công suất nhà máy để bồi thường cho dân. Nếu buộc chúng tôi trả một mình thì không đúng” - ông Quý nói.

Theo ông Quý, để xem xét nguyên nhân gây ngập lụt cần phải làm rõ có quy trình xả lũ liên hồ hay không.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm