Vụ Vạn Thịnh Phát: Đối đáp căng về phương pháp xác định thiệt hại

(PLO)- Đại diện VKS đề nghị trong bản án HĐXX kiến nghị Đoàn LS về phương pháp bào chữa của các LS; bởi họ đang bào chữa theo hướng làm xấu đi tình trạng của bị cáo khác.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 3-4, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan. Phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận, đối đáp giữa đại diện VKS và luật sư (LS).

Hôm nay, đại diện VKS đối đáp lại quan điểm bào chữa bổ sung của nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan.

Theo VKS, các quan điểm bào chữa bổ sung của các LS cũng nhằm giúp HĐXX xem xét khi nghị án, để đưa ra phán quyết đúng người, đúng pháp luật.

Thứ nhất, đánh giá hậu quả vụ án, VKS đã xác định hậu quả của vụ án 677 nghìn tỉ đồng; VKS đã áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo sau khi trừ giá trị tài sản theo định giá của Công ty Hoàng Quân để xác định mức hình phạt cho các bị cáo. VKS không sử dụng định giá của Công ty Hoàng Quân hoặc định giá trong TTHS để xác định mức hình phạt.

vạn thịnh phát
Bị cáo Trương Mỹ Lan trong phiên toà sáng nay. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Theo VKS, định giá trong TTHS không phải bắt buộc và VKS có thể áp dụng những biện pháp khác và cách thu thập chứng cứ khác. VKS đề nghị LS nghiên cứu bộ luật TTHS và nghiên cứu hồ sơ vụ án, đối chiếu sổ sách để biết căn cứ xác định thiệt hại vụ án.

Theo VKS, kết quả điều tra vụ án, thẩm tra tại phiên tòa đã làm rõ hành vi bị cáo Lan cùng các bị cáo khác dùng nhiều phương thức, thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản của SCB từ năm 2012 đến năm 2018.

Việc các LS vẫn nêu ý kiến cần loại bỏ các khoản vay có các tài sản đảm bảo lớn hơn dư nợ. Theo VKS, việc này chỉ phù hợp hoạt động tín dụng thông thường và tuân thủ đúng quy định pháp luật về cho vay thông thường. Còn trong vụ án này, bị cáo Lan đã thực hiện quy trình cho vay ngược, hợp thức hóa các khoản vay nhằm chiếm đoạt tiền của SCB và tội phạm đã hoàn thành… nên không chấp nhận quan điểm của LS.

Thứ hai, về tội danh tham ô tài sản của bị cáo Trương Mỹ Lan, theo VKS, đây là một vụ án có đồng phạm và đồng phạm có tổ chức. Các bị cáo thực hiện một chuỗi sai phạm, người sau tiếp nối sai phạm người trước…

Theo cơ cấu quản lý của SCB, gồm: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị (HĐQT), ban kiểm soát, tổng giám đốc và đơn vị kinh doanh. Trong đó đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyết định cao nhất, có quyền bầu ra HĐQT, ban giám đốc… và quản lí SCB. Do SCB hoạt động đặc thù, nên ban giám đốc phải được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. VKS thống nhất theo quy định pháp luật là như vậy, tuy nhiên, trong vụ án này, sự thật khách quan chỉ có một.

Trong quá trình bào chữa cho bị cáo Lan, VKS nhận thấy luận cứ bảo vệ của LS theo mô hình tách vai trò của Lan ra khỏi SCB và nêu vai trò của các bị cáo trong SCB từ đó cho rằng bị cáo Lan không quản lý tài sản SBC nên không phạm tội tham ô tài sản. VKS đã xem xét đánh giá bộ máy của SCB và đánh giá tổng thể để xác định sai phạm là một chuỗi hành vi từ đại hội đồng cổ đông đến các nhân viên SCB.

Kết quả điều tra, tại phiên tòa đã làm rõ hành vi của bị cáo Lan sở hữu, quản lý trên 91% cổ phần (vi phạm quy định Luật các tổ chức tín dụng) để tham gia đại hội đồng cổ đông là cơ quan cao nhất SCB… Bị cáo Lan sử dụng quyền của đại hội đồng cổ đông thao túng, đưa người vào SCB để biến SCB thành công cụ rút tiền… Điều này phù hợp lời khai của các bị cáo giữ vai trò chủ chốt của SCB.

VTP.jpg
Các bị cáo tại phiên toà ngày 3-4. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Căn cứ Điều 17 BLHS, việc xác định bị cáo Lan tổ chức chủ mưu, cầm đầu, chi phối, chỉ đạo các bị cáo có quyền lực tại SCB gồm HĐQT, ban giám đốc… giúp bị cáo Lan chiếm đoạt tài sản. Vì vậy có đủ căn cứ truy tố bị cáo Lan tội tham ô tài sản.

Đồng thời, VKS cũng đề nghị HĐXX cần kiến nghị Đoàn LS xem xét về phương pháp bào chữa của các LS vì LS đang bào chữa theo hướng đẩy trách nhiệm, làm xấu đi tình trạng của bị cáo khác.

Theo Điều 353 BLHS về tội tham ô tài sản cũng quy định người nào có “chức vụ, quyền hạn” chứ không phải người nào có “chức vụ và quyền hạn”. VKS đã chứng minh rõ bị cáo Lan nắm quyền cao nhất tại SCB và sử dụng quyền này để điều hành các bị cáo khác tại SCB; các chức vụ của các bị cáo tại SCB là Lan bổ nhiệm, sắp xếp nên không có lí do gì để nói bị cáo Lan không phải chủ thể của tội tham ô tài sản.

Việc luật sư bào chữa cho rằng “lấy đâu ra tiền để bà Lan chiếm đoạt và chiếm đoạt gì?”. VKS cho biết, kết quả điều tra xác định, bị cáo Lan không có nhiều tài sản và nguồn kinh tế dồi dào như bị cáo nói. Trước khi hợp nhất ngân hàng, bị cáo Lan có nhiều khoản nợ tại SCB và Ngân hàng Việt Nam Tín nghĩa. Nhân viên SCB cũng cho biết đây là những khoản nợ khó đòi. Nếu như bị cáo có nguồn lực thì đã trả các khoản nợ nêu trên.

Còn về câu hỏi “tiền ở đâu mà chiếm đoạt?” của LS, VKS khẳng định: “Đó là tiền huy động của người dân, mà hiện nay nhà nước đang gồng mình để cho SCB vay để trả lại tiền cho người dân để giúp SCB ổn định. Mà không biết khi nào khoản tiền này sẽ thu hồi được, lẽ ra số tiền này phải được lo cho đất nước”.

Theo VKS, bị cáo là một thương nhân, hơn 1.000 tài sản mà CQĐT đã được kê biên, bị cáo Lan thừa nhận của bị cáo nhưng phải nhờ người đứng tên. Trong số tài sản này chỉ có 60 tài sản mua trước 2012 và số còn lại chiếm khoảng 94% đều mua sau năm 2012, là tiền chiếm đoạt SCB để mua.

Việc bị cáo không nhận thức hành vi, luôn cho rằng cơ quan tố tụng không chứng minh được hành vi, nhưng 8.877 bút lục, kết quả xét xử công khai đã chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo.

Việc LS nói lần đầu tiên trong lịch sử có nữ doanh nhân nhận mức án tử hình, VKS cho rằng LS đã nói thiếu mệnh đề, phải nói rằng lần đầu tiên trong lịch sử có một nữ doanh nhân dùng phương thức thủ đoạn để chiếm đoạt số tài sản lớn như vậy.

SCB mong HĐXX mở đường cho Trương Mỹ Lan và các bị cáo

Theo LS của SCB, SCB là pháp nhân được thành lập theo quy định pháp luật. Trong vụ án, có 45/86 bị cáo là nhân viên tại SCB, SCB không thể chịu trách nhiệm thay bị cáo vì hành vi của họ không vì lợi ích của SCB. Đây là nỗi đau của SCB không gì bù đắp được, chúng tôi đã xin HĐXX xem xét để họ được khoan hồng, sớm trở về với xã hội.

SCB đề nghị HĐXX xem xét, nhanh chóng thu hồi tài sản, khắc phục tối đa thiệt hại vụ án để cho SCB ra khỏi tình trạng bị kiểm soát, sớm ổn định, củng cố niềm tin của người dân vào ngân hàng hiện nay. SCB cũng ghi trách nhiệm của bị cáo Lan đã vận động gia đình, bạn bè trong và ngoài nước để khắc phục. Đây là nỗ lực, cố gắng của bị cáo Lan.

Mong HĐXX xem xét ý kiến của SCB, để mở đường cho bị cáo Lan và các bị cáo khác sớm trở về.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm