Vụ xe cấp cứu 16 triệu đồng: "Tôi có kêu than chặt chém bao giờ"

(PLO)- Người thuê xe 16 triệu đồng khẳng định chưa từng kêu bị chặt chém.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 16-8, phóng viên PLOđã liên hệ với những người trong cuộc vụ xe cứu thương từ Cà Mau đi TP.HCM lấy giá 16 triệu đồng và bị cho là chặt chém.

Bệnh viện báo cáo những gì?

Sau những thông tin trên báo chí, ngày 15-8-2023, Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Sản nhi Cà Mau, ông Trương Minh Kiển đã ký báo cáo gửi Sở y tế tỉnh Cà Mau.

Báo cáo khẳng định, việc chuyển viện và thuê xe cấp cứu không liên quan đến BV Sản nhi Cà Mau mà là gia đình xin chuyển, BV chỉ làm thủ tục chuyển theo yêu cầu. Việc thuê xe cứu thương bên ngoài là do gia đình tự tìm, thông qua một bác sĩ (BS) không phải nhân viên BV.

Trước cổng Bệnh viện Sản nhi Cà Mau. Ảnh: Trần Vũ

Trước cổng Bệnh viện Sản nhi Cà Mau. Ảnh: Trần Vũ

Cụ thể, Phó giám đốc BV Sản nhi Cà Mau báo cáo: "Bệnh nhân trong vụ việc trên là một bé trai sinh thường, tháng thai 23 tuần, nặng 600 gram. Sau sinh bé suy hô hấp nặng, không khóc, không thở, tím tái, tim rời rạc, trương lực cơ mềm nhũn...".

Thời gian điều trị từ ngày 4-8, đến 7 giờ ngày 5-8-2023, các BS xác định và thông báo với người nhà bé sẽ không qua khỏi. Ban đầu, gia đình không có ý kiến gì, nhưng 2 tiếng sau (9 giờ ngày 5-8), gia đình quyết liệt xin chuyển bé lên BV Nhi đồng 1, TP.HCM.

BV đã làm thủ tục để bé chuyển theo nguyện vọng gia đình, không giới thiệu xe cứu thương nào bên ngoài. Một BS bên ngoài BV đã liên hệ gửi gắm và chính người này đã hướng dẫn gia đình tự liên hệ dịch vụ xe chuyển viện 115.

Đến 15 giờ ngày 15-8, cháu bé được gia đình tự túc chuyển đi. Vài hôm sau dư luận ồn ào về nhà xe cứu thương chặt chém gia đình này 16 triệu đồng cho chuyến đi từ Cà Mau đến TP.HCM. Khi bé không qua khỏi, gia đình hết tiền nên đã mua thùng xốp đựng xác con với ý định lên xe đò về quê.

Sự việc được BV biết và sau đó hỗ trợ quan tài, một chuyến xe đưa gia đình cùng thi thể bé về Cà Mau.

Cũng theo báo cáo, BV Sản nhi Cà Mau đã cho tất cả nhân viên y tế liên quan làm tờ tường trình và tự rút kinh nghiệm phải giải thích cặn kẽ hơn cho người nhà bệnh nhân về tình trạng bệnh, các quy định của BV, chế độ theo quy định chuyển tuyến.

BV khẳng định có quy định nghiêm cấm nhân viên liên hệ xe cấp cứu từ bên ngoài để vận chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

Người trong cuộc lên tiếng

PLO đã liên hệ được với "BS bên ngoài" theo báo cáo của BV Sản nhi Cà Mau cũng như báo chí chưa từng nêu tên. Người này đồng ý nêu tên thật, trả lời phỏng vấn của phóng viên. Ông là Trần Văn Sơn, từng là BS BV Sản nhi Cà Mau, hiện đã nghỉ hưu.

"Tôi và gia đình G (bố cháu bé) thân quen nên G có gọi điện nhờ tôi gửi gắm việc điều trị cho con trai sơ sinh. Tôi có gửi gắm thật, qua điện thoại với các đồng nghiệp cũ ở BV Sản nhi tỉnh Cà Mau. G có hỏi tôi về việc chuyển viện cho bé, tôi lý giải cho G hiểu về lợi, hại khi chuyển đi, không khuyên chuyển viện. Khi G quyết tâm và hỏi tôi về xe cấp cứu, tôi cho G số điện thoại tự liên hệ".

Trả lời câu hỏi ông Sơn và nhà xe cứu thương có quan hệ thế nào, ông có liên hệ trực tiếp với nhà xe không? Ông Sơn nói: "Không hề có quan hệ gì và cũng không có liên hệ nào đến nhà xe cứu thương".

Còn ông G đã trả lời phóng viên:"Tự tôi liên hệ nhà xe qua số điện thoại BS Sơn cho. Nhà xe cấp cứu đưa ra giá cả và tôi đã chấp nhận giá đó. Dù khó khăn về tiền bạc, nhưng tôi đã chấp nhận mức giá 16 triệu đồng, không than vãn. Tôi không phát biểu bị xe cứu thương chặt chém bao giờ".

Ông G cũng nói rất mang ơn các y, BS ở BV Sản nhi Cà Mau và BV Nhi đồng 1 vì tận tình chăm bệnh cho con trai mình, đồng thời cảm ơn ông Sơn vì gửi gắm giùm, tư vấn tận tình.

"Thấy tôi mua thùng xốp định đựng con trai đưa về quê, người phụ trách nhà đại thể BV Nhi đồng 1 quan tâm hỏi thăm. Khi nghe nói giá thuê xe 16 triệu đồng, người này có nói là giá cao. Tôi có trả lời vài câu cho qua chuyện, không có kêu bị chặt chém. Tôi cũng không trả lời phóng viên nào rằng tôi đã bị chặt chém cả" - ông Giang nói.

Gửi bệnh có tạo ra sự bất bình đẳng trong điều trị không?

Trước câu hỏi trên của phóng viên, ông Trần Văn Sơn chia sẻ: Tôi gửi bệnh có hai lợi ích chung.

Thứ nhất, để người nhà bệnh nhân an tâm về mặt tâm lý.

Thứ 2, khi có trường hợp xấu với bệnh nhân, BV thông báo tôi để báo và lý giải trước với người nhà bệnh nhân. Khi người thân quen báo tin, lý giải thì họ sẽ giảm được sốc tâm lý, dễ chấp nhận hơn. Còn BV nào cũng có quy trình điều trị rõ ràng, người ta sẽ không vì lời gửi gắm mà lo người này, bỏ người kia".

Công ty vận chuyển 115 Xuyên Việt hỗ trợ gia đình

Chiều 16-8, ông TMG (Cà Mau) cho biết đại diện Công ty TNHH Vận chuyển 115 Xuyên Việt (quận 11, TP.HCM) có đến nhà chia buồn sự mất mát của gia đình và hỗ trợ 16 triệu đồng để lo hậu sự cho con.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Vận chuyển 115 Xuyên Việt, xác nhận thông tin trên. “Công ty chúng tôi luôn đồng hành với những hoàn cảnh khó khăn. Trường hợp gia đình bệnh nhân khó khăn, chúng tôi sẵn lòng chở miễn phí” – ông Sơn nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm