Vụ xử Huyền Như: Nợ ngày càng lớn nên phạm tội

 Tiếp tục cập nhật...

15g15 toà tiếp tục phiên xử với phần thẩm vấn bị cáo Võ Anh Tuấn, người giúp sức tích cưc cho Huyền Như trong quá trình huy động tiền gửi của các ngân hàng và các công ty bị hại.

Cụ thể là biết Như giả mạo danh nghĩa ngân hàng mình lừa đảo, nhưng bị cáo này vẫn để Như giới thiệu là nhân viên của mình khi gặp các khách hàng. Tuấn đã giúp Như lừa đảo hơn 1,6 tỉ đồng và bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4, điều 139, BLHS 

14h55 toà nghỉ giải lao 

Bị cáo Hoàng Hương Giang ( nguyên giao dịch viên Phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank, chi nhánh TPHCM, đang tại ngoại) bị truy tố về tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo khoản 3, Điều 179 Bộ luật Hình sự.

Bị cáo đã xin vắng mặt trong phiên tòa này vì con của mình bị sốt nặng. Tuy vắng mặt nhưng bị cáo này vẫn còn có luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TPHCM) tham gia phiên tòa với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo. Do đó, HĐXX chấp thuận đơn xin vắng mặt của bị cáo Hương Giang.

11g30 Toà nghỉ trưa.

Trước khi kết thúc phiên xử, Huyền Như phân trần: “Nợ càng lúc càng lớn, mỗi buổi sáng đi làm lại bị nhắn tin, điện thoại đe dọa, đòi nợ. Cứ rơi vào vòng luẩn quẩn, vòng xoáy tiền bạc nên bị cáo phạm tội".

 9g30 Toà nghỉ giải lao   

Bị cáo Huyền Như khai thời điểm đó, vay từ lãi suất 0,4-1%/ngày. Nếu không có tiền trả kịp cho chủ nợ khi đến hạn thì phải trả lãi suất 3-5%/ngày. Cứ 10 ngày trả lãi 1 lần, nếu không trả kịp thì phải chịu lãi phạt. Ban đầu, bị cáo vay khoảng 2 tỷ, sau đó, có lúc vay 100.000 USD, 10 tỷ đồng rồi 20-40 tỷ đồng.

Hai bị cáo Nguyễn Thị Lành và Nguyễn Thiên Lý (bị truy tố tội cho vay nặng lãi) bảo là nếu không thanh toán kịp thì sẽ dẫn người lên ngân hàng bị cáo đang làm để quậy. Bị cáo đang làm cơ quan nhà nước nên rất sợ. Bị cáo hy vọng kinh doanh cổ phiếu có lãi để trả. Thế nhưng, thị trường đóng băng nên sợ chủ nợ làm lớn chuyện, sẽ bị đập vỡ mặt nên mới đi vay.

Bị cáo chỉ còn cách vay người sau trả cho người trước. Cuối năm 2008, qua năm 2009 và cao điểm từ giữa 2009 trở đi là thời gian bị cáo đi vay nhiều. Bị cáo có bán bất động sản nhưng không thấm vào đâu so với lãi suất ngày càng lớn.

Bán bất động sản, cổ phiếu, bị cáo lỗ khoảng trên 50%.  Thế nhưng bị cáo vẫn bán để thanh toán nợ. Bị cáo đã bán nhưng nợ, lãi cao nên cố gắng bán hết cũng không đủ trả nên phải vay.

Chủ toạ hỏi: Sao không tuyên bố phá sản cho mọi người biết?

Bị cáo sợ xấu hổ, ảnh hưởng cơ quan nên cầm cự nhưng đến cuối cùng bị cáo không thể trả tiền cho họ.

Lúc 8 giờ ngày 7-1, TAND TPHCM phiên tòa bắt đầu xử. Bị cáo đầu tiên được thẩm vấn là Huỳnh Thị Huyền Như. Như khai trước tòa rằng phần lớn số tiền chiếm đoạt được dùng để trả cho những khoản vay nặng lãi. 

............................................................

Trước đó, ngày 6-1, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa sơ thẩm xử vụ Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên phó phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank - Chi nhánh TP.HCM, nguyên quyền trưởng Phòng giao dịch VietinBank Điện Biên Phủ) và đồng phạm bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lên đến 4.000 tỉ đồng.

Phiên tòa có 47 luật sư tham gia bào chữa cho 23 bị cáo và bảo vệ quyền lợi cho các cá nhân, tổ chức có liên quan. Có 12 nguyên đơn dân sự (tổ chức bị thiệt hại, trong đó có ba ngân hàng TMCP, chín công ty) và ba người bị hại. Đồng thời, 80 cá nhân, tổ chức ra tòa với vai trò người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Gay cấn ngay từ đầu

Tại phần thẩm tra lý lịch, bị cáo Huyền Như khai bị bắt giam ngày 30-9-2011. Thời điểm đó bị cáo đang mang thai bốn tháng. Trong thời gian bị tạm giam, bị cáo đã sinh con, hiện bé được 21 tháng tuổi nhưng chưa được làm giấy khai sinh. Chồng Huyền Như tên là Trương Ngọc Thành nhưng hiện hai người chưa đăng ký kết hôn.


   Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như tại tòa. Ảnh: TTO

Tại tòa, luật sư của ACB yêu cầu triệu tập lãnh đạo của Ngân hàng VietinBank với tư cách bị đơn dân sự vì cho rằng các hợp đồng do các nhân viên Ngân hàng ACB ký là ký với VietinBank. Còn luật sư bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng Nam Việt đề nghị hoãn phiên tòa vì cho rằng số tiền được cáo trạng xác định là thiệt hại của Nam Việt 200 tỉ đồng là không chính xác. Luật sư này khẳng định họ không phải là đơn vị bị hại; số tiền 200 tỉ đồng này đã được thu hồi, Nam Việt không mất mát gì trong vụ án này. Ngoài ra, đến sát ngày diễn ra phiên tòa Nam Việt mới biết mình bị xác định là nguyên đơn dân sự nên luật sư chưa có thời gian để tiếp cận sao chụp hồ sơ.

Phiên xử nóng khi phần thủ tục, chủ tọa đã nhắc các luật sư: “Đây chỉ là phần thủ tục, chưa phải tranh luận, các luật sư hãy chuẩn bị những lý luận sắc bén để tranh luận sau”.

Lừa đảo hơn 4.900 tỉ, chiếm đoạt gần 4.000 tỉ

Tuy nhiên, ngay sau phần kiến nghị của các luật sư, chủ tọa đã tuyên bố tạm hoãn phiên tòa để hội ý, xem xét các kiến nghị này. Sau khi hội ý, HĐXX quyết định tiếp tục phiên tòa, bởi việc Ngân hàng Nam Việt cho rằng mình không phải là bị hại trong vụ việc là thiếu chính xác. Rằng trong giai đoạn điều tra, lãnh đạo ngân hàng xác định bị Huyền Như lừa 200 tỉ đồng. Tòa bác đề nghị của Nam Việt.

Về một số kiến nghị khác như triệu tập thêm lãnh đạo VietinBank thì HĐXX cho rằng trong quá trình xét xử, tùy vào diễn biến của phiên tòa mà sẽ triệu tập thêm đương sự nếu việc đó là cần thiết. Về việc luật sư chưa tiếp cận hồ sơ, tòa cho rằng nói vậy là không đúng, vì tòa đã tạo điều kiện rồi, còn lại là trách nhiệm luật sư.

Buổi chiều, đại diện VKSND TP.HCM giữ quyền công tố tại tòa (theo ủy quyền của VKSND Tối cao) đã đọc bản cáo trạng dài 68 trang. Theo đó, từ năm 2007, Như với vai trò là cán bộ tín dụng Ngân hàng VietinBank đã vay trên 200 tỉ đồng từ nhiều ngân hàng, tổ chức và cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản ở nhiều tỉnh, thành như TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Nam, An Giang…

Đến năm 2010, do việc làm ăn thua lỗ, lại phải trả lãi suất cao nên Như mất khả năng thanh toán. Nắm được nghiệp vụ ngân hàng và lợi dụng là quyền trưởng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Như giả danh VietinBank - Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP.HCM huy động tiền. Từ tháng 3-2010 đến tháng 9-2011, Như đã làm giả tám con dấu đứng tên nhiều cơ quan, đơn vị tạo lập nhiều giấy tờ, chứng từ, hợp đồng… lừa đảo của chín công ty, ba ngân hàng và ba cá nhân số tiền hơn 4.900 tỉ đồng. Cho đến khi vụ án được phát hiện và khởi tố, Như còn chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng.

Phần lớn để trả tiền vay nặng lãi

Đa phần số tiền chiếm đoạt được Như dùng để trả tiền vay nặng lãi cho 14 cá nhân (hơn 1.200 tỉ đồng), chi chênh lệch ngoài hợp đồng cho chín cá nhân (hơn 42 tỉ đồng), trả nợ gốc, nợ lãi cho bốn công ty (hơn 925 tỉ đồng).

Cùng ra tòa với Như, các bị cáo Nguyễn Thị Lành, Nguyễn Thiên Lý, Hùng Mỹ Phương, Phạm Văn Chí, Đào Thị Tuyết Dung bị truy tố về tội cho vay nặng lãi.

Ban đầu, Như chỉ vay của Phương 600 triệu đồng, sau đó nhanh chóng tăng lên thành tiền tỉ. Từ cuối năm 2008 đến tháng 9-2011, Phương cho Như vay tổng cộng 184,2 tỉ đồng, lãi suất tính theo ngày (Phương thu lợi bất chính 164,3 tỉ đồng).

Tương tự, Như đã vay của Lý 531,6 tỉ đồng và 340.000 USD với lãi suất 0,4%-3,7%/ngày. Đến nay còn nợ gốc là 230 tỉ đồng và 340.000 USD. Ngoài ra, khoản tiền 633,6 tỉ đồng mà Như trả cho Lý qua tài khoản tại Eximbank chưa xác định được bao nhiêu tiền gốc, bao nhiêu tiền lãi. Tổng cộng Lý đã nhận của Như 1.296 tỉ đồng, trong đó có 255,5 tỉ đồng là nợ gốc, 417,2 tỉ đồng là nợ lãi, còn lại 633,6 tỉ đồng không xác định được gốc, lãi. Căn cứ mức lãi suất cao nhất từ tháng 12-2009 đến năm 2011 do Ngân hàng Nhà nước quy định thì lãi suất Lý cho vay cao hơn 10 lần, thu lợi bất chính 735,3 tỉ đồng.

Ngoài ra, Như còn vay của Dung 265,7 tỉ đồng và đã trả cho Dung 440,4 tỉ đồng; vay của Chí 17,49 tỉ đồng...

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới