Về việc tài xế Hồ Thanh Dân buông tay lái để ăn mì trong lúc đang lái xe, Đại tá Hồ Văn Lai, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng, cho biết hành vi trên không thể xử lý được. Bởi các quy định xử phạt hành chính không đề cập hành vi này. Còn ông Trương Hữu Hiệp, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng, cho biết Sở sẽ xem xét xử phạt hành vi tương tự.
Nhiều bạn đọc đặt vấn đề: Buông tay ăn mì còn nguy hiểm hơn vừa lái xe vừa nghe điện thoại, tại sao không xử lý được?
Không có quy định
Luật sư Nguyễn Đức Chánh và luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, có cùng quan điểm rằng tuy hành vi của tài xế Dân rất nguy hiểm nhưng không thể xử phạt vì không có quy định. Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, khoản 23 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 nghiêm cấm “Hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, hành vi khác gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ”. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định cụ thể hành vi khác là hành vi cụ thể nào và chế tài áp dụng khi vi phạm quy định cấm nêu trên. Mặt khác, Nghị định 46/2016 cũng chưa có quy định về việc xử phạt hành chính đối với hành vi buông cả hai tay khi đang lái ô tô (mặc dù có quy định xử phạt đối với người điều khiển mô tô/xe máy). Luật sư Lê Văn Hoan nói: “Khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) ghi rõ “Chỉ xử phạt VPHC khi có hành vi VPHC do pháp luật quy định”. Do đó không thể xử phạt hành chính đối với tài xế ô tô có hành vi nêu trên. Đây là một điểm bất cập và rất cần cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung những hành vi tương tự hoặc có quy định xử phạt đối với “hành vi khác…””.
Rất nhiều bức xúc với hành vi này của tài xế nhưng chiếu theo quy định thì không thể phạt được. (Ảnh cắt từ clip)
Sẽ bổ sung quy định
Chiều 6-12, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an, cũng khẳng định chưa thể xử phạt trực tiếp hành vi của tài xế Hồ Thanh Dân. Khoản 4 Điều 70 Luật Giao thông đường bộ quy định rõ việc lái xe và nhân viên phụ xe trên ô tô vận tải hành khách phải có biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của hành khách đi xe. “Tài xế Dân đã vi phạm quy định trên, tuy nhiên hiện không có quy định trực tiếp xử phạt hành vi này. Do vậy, có thể xem xét trách nhiệm của chủ xe (chủ doanh nghiệp vận tải) bởi doanh nghiệp phải có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các cam kết về chất lượng cũng như hợp đồng vận tải. Theo đó, chủ doanh nghiệp có thể bị xử lý theo điểm g khoản 3 Điều 28 Nghị định 46/2016 (phạt tiền 2-3 triệu đồng đối với cá nhân, 4-6 triệu đồng đối với tổ chức) thực hiện một trong các vi phạm sau: sử dụng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe không được tập huấn, hướng dẫn về nghiệp vụ vận tải hành khách và an toàn giao thông. Trường hợp xe thuộc quyền sở hữu của tài xế thì tài xế này sẽ phải trực tiếp chịu trách nhiệm với tư cách là chủ xe” - Thiếu tướng Quân nói.
Trường hợp đã được tập huấn nhưng tài xế vẫn cố tình vi phạm, nếu chứng minh được hành vi của tài xế có thể gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì có thể xử lý hình sự tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. “Thế nhưng việc chứng minh hậu quả phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố” - Thiếu tướng Quân nói.
Từ trường hợp tài xế Hồ Thanh Dân, Thiếu tướng Quân cho rằng cần bổ sung để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm tương tự. “Cách thức bổ sung phải làm sao vừa đảm bảo được sự cơ động vừa tránh việc lạm dụng để xử phạt, bởi thực tế sẽ có muôn vàn trường hợp phát sinh. Có trường hợp ông thì ăn mì tôm, ông thì ăn bánh mì hoặc thực hiện các hành vi khác… rất phức tạp, không thể liệt kê đầy đủ trong văn bản” - ông Quân nói.