Vừa ly hôn, bên chồng cũ không cho thăm con, người mẹ phải làm sao?

(PLO)- Sau khi ly hôn, nếu người chồng ngăn cản vợ thăm con thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5-10 triệu đồng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tôi kết hôn được hai năm thì ly hôn. Tòa tuyên chồng cũ được trực tiếp nuôi dưỡng con chung, tôi được quyền thăm nom, gặp gỡ con. Tuy nhiên, chồng cũ tìm đủ mọi cách cản trở tôi thăm con.

Cho tôi hỏi, hành vi cản trở tôi thăm con chung có vi phạm pháp luật không, có bị xử phạt gì không?

Bạn đọc TA, TP.HCM

Luật sư Nguyễn Văn Hồng, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Khoản 2 Điều 83 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Tuy nhiên, nếu cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Do đó, nếu sau ly hôn người chồng cũ cản trở vợ thăm con là hành vi vi phạm pháp luật.

Tại Điều 56 Nghị định 144/2021 có quy định về mức xử phạt đối với hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.

Theo đó, phạt tiền 5- 10 triệu đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm