Dịch COVID-19 làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Theo Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, qua khảo sát cho thấy có khoảng 63% người tiêu dùng khẳng định sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn ngay cả khi hết dịch COVID-19.
Nhà máy, showroom lên không gian ảo
Bà Đinh Thị Hương Nga, Giám đốc Công ty Hương Nga Fine Arts, chuyên về nội thất sơn mài, cho hay: Kể từ khi dịch COVID-19 diễn ra, công ty không thể tổ chức tham quan nhà máy, showroom cho đối tác nước ngoài. Bên cạnh đó, công ty cũng buộc phải tạm hoãn tham gia toàn bộ hội chợ, triển lãm về ngành đồ gỗ, nội thất, dù đây là kênh tiếp cận tối ưu nhất với các nhà mua hàng trong nước và quốc tế.
Điều này khiến cho doanh thu của công ty sụt giảm. Đang lúc gặp khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng thì công ty biết được thông tin Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM ra mắt thử nghiệm nền tảng HOPE (HAWA Online Platform for Exhibition), một không gian triển lãm ảo. Lập tức công ty của bà Nga nắm bắt cơ hội chuyển đổi số, xây dựng nhà máy, showroom 3D trực tuyến để trưng bày sản phẩm và giới thiệu showroom ngay trên nền tảng này.
“Ứng dụng thực tế ảo mang lại hiệu quả tích cực. Trên nền tảng của HOPE, mọi thông tin về nhà máy, sản phẩm đều được chúng tôi công bố một cách chi tiết với hình ảnh sống động. Điều này tạo ra niềm tin lớn để các đối tác đi đến quyết định chốt đơn hàng” - bà Nga bày tỏ.
Bà Nga cho biết thêm, công ty chỉ tốn chưa đến 10 triệu đồng cho việc đưa nhà máy và showroom rộng 300 m2 lên không gian ảo. Kết quả chỉ sau một tháng từ khi áp dụng mô hình trên, Công ty Hương Nga đã có hai đơn hàng xuất khẩu lớn sang Anh và Đức. Hai đơn hàng này có thể duy trì công ăn việc làm cho công nhân và hoạt động kinh doanh của công ty đến hết năm nay.
Không chỉ công ty của bà Nga mà đến nay đã có khoảng 50 nhà sản xuất và xuất khẩu nội thất đã phát triển nhà máy, showroom ảo trên nền tảng HOPE. Bởi giải pháp này có thể giúp nhà kinh doanh mở rộng kết nối với khách hàng từ xa trên không gian mạng, tiết kiệm được tối đa chi phí diện tích mặt bằng; giúp người mua thấy được sản phẩm như thật, kéo gần khoảng cách giữa nơi sản xuất đến người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, nhiều công ty cũng đang đẩy mạnh mô hình kinh doanh bán lẻ kết hợp cả hình thức trực tuyến và truyền thống để phát huy tốt nhất nguồn lực. Chẳng hạn, đầu tháng 8 vừa qua, Công ty Vissan đã bắt tay với ứng dụng now.vn để bán hàng trăm mặt hàng thực phẩm chế biến, tươi sống. Trước đó, ông lớn thực phẩm này cũng đã bắt tay với sàn thương mại điện tử Sendo phân phối 300 sản phẩm gồm thực phẩm tươi sống, chế biến, gia vị… đến với khách hàng.
Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Vissan, cho biết đơn hàng đối với thực phẩm tươi sống khá đều và giá trị đơn hàng ngày càng tăng. Ví dụ, trước đây bình quân một khách hàng mua 200.000 đồng/đơn hàng thì nay tăng lên 300.000-350.000 đồng/đơn hàng.
“Chúng tôi đánh giá việc phát triển kênh bán hàng online là xu hướng tất yếu. Để đáp ứng xu hướng này, ngoài chiến lược cụ thể về sản phẩm, công ty sẽ cải tiến mẫu mã và từng sản phẩm phải được chuẩn hóa về quy cách, truyền thông... để tạo sự tin tưởng cho khách hàng” - ông An nhấn mạnh.
Xu hướng mua hàng online, qua điện thoại… chắc chắn sẽ tăng ngay cả khi dịch COVID-19 không còn. Ảnh: TU
Không phải giải pháp chữa cháy
Nhiều doanh nghiệp và chuyên gia có chung nhìn nhận: Bán hàng qua mạng hay trên không gian ảo không chỉ để ứng phó tạm thời với COVID-19, mà là giải pháp tối ưu cho kinh doanh lâu dài. Đại diện hệ thống siêu thị Lotte Mart dẫn các báo cáo mới nhất của các công ty nghiên cứu thị trường cho thấy sau dịch COVID-19, mua sắm trực tuyến chắc chắn sẽ là một thói quen của khách hàng. Hơn nữa, ngay cả các khách hàng ở độ tuổi trên 40 cũng đã bắt đầu làm quen với việc đặt hàng thông qua kênh này.
Do đó, Lotte Mart khẳng định sẽ tiếp tục cải thiện và phát triển dịch vụ giao hàng nhanh 3 tiếng theo thời gian được chọn lựa trước. Đồng thời đa dạng hóa các mặt hàng thiết yếu hằng ngày, đặc biệt là nhóm hàng tươi sống, thực phẩm khô và các nhu yếu phẩm khác.
Bà Louise Hawley, Tổng giám đốc Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, đánh giá hậu COVID-19, xu hướng mua hàng online, qua điện thoại… chắc chắn sẽ tăng. Thực tế đã xuất hiện nhiều mô hình hợp tác trong thời kỳ COVID-19. Đơn cử như dịch vụ GrabMart cho phép giao hàng trong 1 giờ của Grab hợp tác với các siêu thị lớn như Co.opmart; các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada… đã bắt tay với các siêu thị.
“Nhờ sự hợp tác, các nhà kinh doanh có thể tận dụng được nguồn tài nguyên của mỗi bên để thu hút khách hàng mới, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng. Dự báo sẽ có thêm nhiều cái bắt tay giữa những nhà bán lẻ trực tuyến và truyền thống để tạo ra hệ sinh thái đa kênh. Qua đó tiếp cận đến nhiều khách hàng hơn, cũng như gia tăng trải nghiệm mua sắm mọi thứ, mọi lúc và mọi nơi” - bà Louise Hawley nói.
Tuy vậy, chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân lưu ý: Nền tảng bán hàng được gọi là online nhưng trên thực tế không ít đơn vị đầu tư chưa đúng mức. Một số đơn vị chưa có kế hoạch, tầm nhìn chiến lược cho chuyển đổi số nên họ bị động khi dịch diễn ra. “Ví dụ, ngành bán lẻ được xem là một trong những ngành khá lạc hậu về chuyển đổi số. Đây là cơ hội để nhà bán lẻ chuyển mình chứ không phải lúc nào khác” - bà Vân khuyến cáo.
Mùa dịch, giá trị giao dịch qua ví điện tử tăng 50% Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết nhóm doanh nghiệp chuyển phát và logistics khá lạc quan khi số lượng đơn hàng chuyển phát cho thương mại điện tử tăng đáng kể. Theo đó, có 55% đơn vị cho biết số lượng đơn hàng tăng so với cùng kỳ năm ngoái và 73% có số lượng đơn hàng tăng so với tháng 1-2020. Đáng chú ý, có 50% ví điện tử cho biết số lượng khách hàng tăng trưởng 100%-300% so với cùng kỳ năm 2019. Thậm chí, có ví điện tử cho biết giá trị trung bình của mỗi giao dịch tăng đến 50% so với cùng kỳ. Kết quả này là nhờ nhiều đơn vị đẩy mạnh bán hàng trực tuyến trên các kênh như website thương mại điện tử, ứng dụng di động, các mạng xã hội... |