Ngày 2-7, báo cáo mới nhất từ Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho biết có ba động lực chính ảnh hưởng đến hành vi và thói quen mua sắm hậu COVID-19 trên toàn thế giới gồm chất lượng và hiệu quả, sản phẩm có nguồn gốc địa phương và công nghệ.
Các động lực này thúc đẩy sự phát triển đáng kể của các xu hướng như người tiêu dùng (NTD) chuộng hàng nội địa, sẵn sàng chi trả cao hơn cho những sản phẩm đảm bảo chất lượng và tốt cho sức khỏe…
Đáng chú ý là NTD Việt Nam quan tâm vấn đề sức khỏe, chuộng hàng nội địa cao hơn mức trung bình các nước trên thế giới. Theo đó, có 76% NTD ưu tiên chọn các sản phẩm địa phương vì biết rõ nguồn gốc và mong muốn hỗ trợ DN Việt.
Điều này mang đến cơ hội cho các nhà sản xuất địa phương củng cố thông tin về nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, các nhà cung cấp cũng cần cung cấp sản phẩm có giá trị tốt phù hợp với nhu cầu chung của NTD và đảm bảo sự có mặt sản phẩm trên quầy kệ.
Các loại trái cây đặc sản của tỉnh Đồng Nai.
Bên cạnh đó, báo cáo còn cho thấy trong giai đoạn tháng 3 và tháng 4, toàn bộ ngành hàng tiêu dùng nhanh đã chứng kiến sự sụt giảm 12%. Sự sụt giảm này phần lớn đến từ kênh truyền thống. Trong đó kênh mua và tiêu dùng sau giảm 9%, kênh tiêu dùng tại chỗ giảm mạnh với 36%.
Nguyên nhân do thói quen của NTD chuyển sang tiêu dùng tại nhà thay vì ăn uống ở ngoài như trước đây. Riêng kênh hiện đại chứng kiến xu hướng ngược lại với sự tăng trưởng kéo dài liên tục từ đầu năm đến nay, với mức tăng 23%.
Cũng theo khảo sát của Nielsen, 63% NTD sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn sau đại dịch và 64% NTD cho biết sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ giao thức ăn thường xuyên hơn.
Đại diện Nielsen cho biết xu hướng mua hàng trực tuyến chắc chắn sẽ tăng hậu COVID-19. Tuy nhiên, kênh trực tuyến sẽ tồn tại song song chứ khó có thể thay thế hoàn toàn các điểm bán trực tiếp.
Dự báo sẽ có nhiều "cú bắt tay" hơn nữa giữa những nhà bán lẻ trực tuyến và trực tiếp để tạo ra hệ sinh thái đa kênh, như trường hợp các siêu thị và nhà cung cấp kết hợp với nền tảng phân phối trực tuyến như hiện nay.