Cấm thuốc lá thế hệ mới: sẽ rộng đường cho buôn lậu

Thị trường thuốc lá thế hệ mới đang ngày càng phình to, hấp dẫn và thế hệ trẻ đang bị lôi kéo, dẫn dụ để tìm đến những sản phẩm này. Nhiều hội thảo, ý kiến của các cơ quan quản lý với nhiều luận điểm đa chiều từ việc cần sớm có chính sách quản lý cho đến cấm hoàn toàn các sản phẩm này.

Có thể “cấm” nhưng không thể “ngăn”

Trong năm 2020, đã có nhiều hội thảo đưa ra tranh luận về luận cứ khoa học của thuốc lá thế hệ mới, trong đó điều lo ngại của các cơ quan y tế cho rằng thuốc lá thế hệ mới có lượng nicotine gây nghiện cao, có khả năng tạo ra một thế hệ trẻ nghiện nicotine.

Mới đây, BV Bạch Mai cũng đã tiếp nhận và điều trị một trường hợp ngộ độc do hút thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy (do bị phối trộn vào). Chính vì thế, một số đề xuất cho rằng việc cấm sẽ tốt hơn cho cộng đồng. Tuy nhiên, trên thực tế những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (đang bị phê phán) hiện nay hoàn toàn là hàng lậu, được chế tạo bởi những nguồn hóa chất, nguyên liệu kém chất lượng, tăng nicotin liều cao hoặc thêm vào các thành phần như cần sa, chất ma túy tổng hợp... Cho nên, “thuốc lá điện tử lậu” mới chính là tác nhân gây ra các ca ngộ độc như vừa nêu và cấm cũng không thể ngăn nạn buôn lậu.

Một cửa hàng công khai bán thuốc lá điện tử nhập lậu tại TP.HCM

Do đó, cần có luật để xử lý mạnh tay các tổ chức, cá nhân buôn thuốc lá điện tử lậu và tăng cường biện pháp răn đe hơn là đưa ra quyết định cấm hoàn toàn các sản phẩm đã trải qua hàng ngàn cuộc thử nghiệm và được khoa học thừa nhận về đặc tính giảm thiểu tác hại so với thuốc lá điếu.

Clive Bates, chuyên gia về chính sách kiểm soát thuốc lá cũng là cựu giám đốc Tổ chức Hành động về Hút thuốc và Sức khỏe - ASH (Anh quốc) đánh giá “việc cấm thuốc lá thế hệ mới không có nghĩa sản phẩm sẽ không tồn tại. Thay vào đó, chúng cần được quản lý kiểm soát chặt chẽ thông qua các cơ quan thực thi pháp luật. Nếu không, các sản phẩm này sẽ bị biến tướng và luồn lách để đến tay người tiêu dùng bằng nhiều thủ đoạn, bất chấp tác hại đến với cộng đồng”.

Các nước đang quản lý ra sao?

Như khẳng định của chính các nhà sản xuất, những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không hoàn toàn vô hại. Thế nhưng, nếu đặt trong bối cảnh chỉ có 8% người cai thuốc và sẽ có 1,1 tỷ người hút thuốc lá điếu trước năm 2025 (theo thống kê của WHO) thì việc công nhận các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như là một giải pháp giảm tác hại cho những người hút thuốc lá trưởng thành là điều đáng được cân nhắc nghiêm túc.

Thuốc lá điện tử trôi nổi trên thị trường

Tính đến nay, đã có hơn 60 nước cho phép lưu hành thuốc lá làm nóng và một số nước cho phép lưu hành thuốc lá điện tử (TLĐT) vì sự công nhận của cả các cơ quan y tế quốc gia và giới khoa học về tiềm năng giảm thiểu tác hại của hai dòng sản phẩm này.

Thay vì cấm đoán, chính phủ của các nước này đã đưa ra chính sách quản lý nghiêm ngặt trên cơ sở phối hợp giữa các cơ quan ban ngành và cả doanh nghiệp. Tại Anh, chính phủ chấp nhận những sản phẩm TLĐT có chứa nicotine là biện pháp thay thế an toàn hơn so với việc hút thuốc lá điếu. Bằng nhiều biện pháp kết hợp, Anh đã thành công trong việc giúp những người đang hút thuốc lá điếu chuyển đổi sang sử dụng TLĐT đồng thời ngăn ngừa tình trạng thanh thiếu niên tiếp cận các sản phẩm mới (khi chưa đủ tuổi trưởng thành).

Thông qua Cơ quan Quản lý thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe (MHRA), một hệ thống thông báo được thiết lập nhằm yêu cầu các nhà sản xuất đảm bảo về mức độ an toàn và chất lượng, người dùng có thể kiểm tra tính hợp pháp của sản phẩm đang được lưu hành. Anh cũng cấm bán các sản phẩm có chất THC (chất có trong cần sa, là nguyên nhân chủ yếu gây ra hàng chục ca tử vong và hàng loạt ca tổn thương phổi do hút thuốc lá điện tử có chứa chất này tại Mỹ trong thời gian qua). Những biện pháp quản lý này của Anh cũng phản ánh các quy định về mặt chính sách chung trong khối Liên minh châu Âu.

Tại Nhật Bản, thuốc lá làm nóng (TLLN) được nhận định là một sản phẩm thuốc lá vì có chứa nguyên liệu thuốc lá và được quản lý bởi Bộ Tài chính. Đồng thời, dù TLLN được đề cập trong Đạo luật Kinh doanh Thuốc lá nhưng khung pháp lý quy định danh mục sản phẩm này ít nghiêm ngặt hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu đốt cháy. Chính sách này được đánh giá là nguyên nhân trực tiếp giúp giảm mức tiêu thụ thuốc lá điếu đốt cháy ở quốc gia này.

Với Việt Nam, Chính phủ đã có chỉ đạo phải kiểm soát gắt gao nhưng gần bốn năm qua, hàng xách tay và buôn lậu vẫn đang thao túng thị trường. Vì vậy, Việt Nam đang rất cần một chính sách quản lý phù hợp với loại sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu, tránh thất thu ngân sách nhà nước và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm