Ngày 10-4, Phòng GD&ĐT quận 11 đã tổ chức chuyên đề “mở rộng không gian ngoài lớp học” với chủ đề đất nước, con người Việt Nam của bộ môn Ngữ Văn tại trường THCS Lữ Gia.
Chuyên đề được thực hiện với sự tham gia của 2 tổ Ngữ Văn trường THCS Lữ Gia và trường THCS Nguyễn Huệ. Chuyên đề thu hút sự tham dự của giáo viên, ban giám hiệu các trường trên địa bàn quận 11.
Học trò biểu diễn một ca khúc mang đậm chất Huế trong tiết học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Chỉ là một văn bản nhật dụng về Ca Huế nhưng với việc mở rộng không gian ngoài lớp học, cô giáo Phạm Thụy Ngọc Quỳnh, giáo viên Văn trường THCS Lữ Gia cùng học trò của mình đã biến hội trường thành một không gian rất Huế với những chiếc nón Huế gắn kết với nhau thành hình chữ S, mẫu áo dài Huế thướt tha do học sinh tự vẽ được trưng bày, với thuyền rồng, với bức tranh về sông Hương, cầu Tràng Tiền đã đưa người xem về tham quan xứ Huế qua các đoạn vi deo và các tiết mục văn nghệ do chính học sinh trình bày.
Với sự dẫn dắt của 2 học sinh đóng vai là hướng dẫn viên du lịch, các em đã đưa người xem về tham quan xứ Huế với những danh lam thắng cảnh, chùa chiền, và đặc biệt là loại hình nghệ thuật ca Huế (hay còn gọi là nhã nhạc cung đình Huế) trên sông Hương qua trình chiếu video có sẵn. Không những thế, học trò còn mặc trang phục Huế và thể hiện ca khúc mang âm hưởng Huế để mọi người cùng thưởng thức.
Học sinh thả đèn hoa đăng trên "sông Hương" trong tiết học Văn ngoài không gian lớp học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Bên cạnh đó, tiết học còn tổ chức trò chơi đố vui có thưởng với những nội dung liên quan đến Ca Huế dưới sự chủ trì của 2 MC. Những câu hỏi như Ca Huế được hình thành từ dòng ca nhạc nào? Ca Huế được biểu diễn ở đâu, khi nào và bằng nhạc cụ gì….đều được học trò trả lời một cách chính xác.
Đặc biệt, kết thúc tiết học là màn thả đèn hoa đăng rất ấn tượng của cô và trò trường Lữ Gia khiến khán giả đều khá bất ngờ.
Thích thú khi được học văn trong một không gian rộng mở và mang đậm chất Huế, em Huỳnh Gia Phú, học sinh lớp 7/1 cho biết, để tiết học diễn ra tốt đẹp như ngày hôm nay, chúng em đã phải chuẩn bị rất nhiều từ chuẩn bị kịch bản đến trang trí không gian.
Học trò rất thích thú với tiết học này. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
“Nếu những tiết học văn bình thường chỉ bó hẹp trong không gian lớp học, bảng đen, phấn trắng, cô nói trò ghi thì tiết học này khiến em thấy rất thú vị. Bởi tụi em được sắm vai, được trả lời câu hỏi, được lắng mình trong chất Huế mộng mơ và ấn tượng nhất lần đầu tiên em được thả đèn hoa đăng. Vì thế, qua tiết học này em không chỉ hiểu rõ về một loại hình nghệ thuật Ca Huế mà còn hiểu rõ xứ Huế. Từ đó, bồi đắp thêm trong em tình yêu quê hương đất nước ”, Gia Phú nói.
Chia sẻ về tiết dạy, cô Ngọc Quỳnh cho biết, để thực hiện tiết học, tổ Văn của trường cũng như cô và học trò đã phải chuẩn bị rất lâu. “Do văn bản nói về Ca Huế, nên tôi đã tái hiện lại một không gian Huế với những đặc trưng của Huế từ phông nền, nón Huế đến thuyền rồng…Qua phần thuyết trình của học sinh, qua hoạt động trò chơi đố vui, qua việc trình bày Ca Huế của học trò và đặc biệt là tiết mục thả đèn hoa đăng, tôi muốn các em hiểu hơn về loại hình nghệ thuật này”.
Một không gian đậm chất Huế đã được tái hiện trong tiết học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Cũng theo cô Quỳnh, với việc mở rộng không gian văn hóa trong dạy học Ngữ Văn đã sự kết hợp của nhiều phương pháp như phương pháp trực quan, phương pháp sắm vai, phương pháp thảo luận nhóm.
Nếu trường THCS Lữ Gia đưa người xem về với xứ Huế thì trường THCS Nguyễn Huệ lại đưa khán giả đến với mảnh đất địa đạo Củ Chi anh hùng. Để mọi người hiểu rõ về mảnh đất này, học trò đã sắm vai thành 2 hướng dẫn viên du lịch dẫn người xem tham quan Củ Chi với những món ăn nổi tiếng, di tích lịch sử hào hứng qua trình chiếu video. Ngoài ra, tiết học còn trở nên sôi động với phần hỏi đáp lẫn nhau của học trò liên quan đến địa danh Củ Chi… Chính điều này khiến các em khá thích thú.