Xóa độc quyền SGK: Vì sao không và đợi đến bao giờ?

Nắm nguồn lợi khổng lồ nhưng NXBGD lại tăng giá SGK, sách đến trễ khiến học sinh hoang mang, sách có nhiều sai sót nội dung... Đó là những hệ lụy từ cơ chế độc quyền SGK trong nhiều năm nay. Tuy nhiên, phát biểu với báo chí, ông Ngô Trần Ái từng cho rằng: “Việc độc quyền xuất bản SGK không phải NXB tự quyết định mà do sự phân công của Bộ GD&ĐT trên cơ sở nghị quyết của Quốc hội”. Vì sao và đến bao giờ mới xóa bỏ sự độc quyền này?

Độc quyền xuất bản, phát hành và những hệ lụy...

Hiện nay, giấy xuất bản SGK của NXBGD đã được nhà nước trợ giá khoảng 10%. Ngoài ra, NXBGD còn được hưởng ưu đãi miễn thuế khi xuất bản SGK.

Mặt khác, NXBGD đã tồn tại nhiều năm nay với một cơ chế hình thành các chi nhánh xuất bản tại các thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng. Bên cạnh đó, NXBGD còn có các “công ty con” là những Công ty Sách và thiết bị trường học tại 64 tỉnh, thành trong cả nước. Từ đây đã hình thành nên một cơ chế độc quyền khép kín trong khâu phát hành mà không một công ty phát hành nào khác ngoài hệ thống của NXBGD có thể chen ngang. Ngoài ra, NXBGD còn hình thành các “công ty cháu” là những công ty cổ phần nhằm khai thác các loại sách tham khảo, sách thị trường, cạnh tranh quyết liệt với các công ty khác.

Ngay cả những đối tác phát hành mạnh nhất như Fahasa, Thành Nghĩa, Văn hóa Phương Nam... cũng phải chấp nhận quỵ lụy Công ty Sách và thiết bị trường học TP.HCM mới mua lại phần SGK để phát hành. Mức chiết khấu (tính theo năm 2008) cho đại lý cấp một là Công ty Sách và thiết bị trường học 20%, khi xuống đến các đại lý cấp hai, các công ty phát hành còn lại 9%. Ông Phạm Minh Thuận - Giám đốc Công ty Fahasa bức xúc: “Nếu không qua khâu trung gian này, NXBGD giao trực tiếp cho các đơn vị khác phát hành sẽ giảm được ngay 10% giá SGK”. Còn ông Nguyễn Hoàng Dũng - Phó Giám đốc NXB ĐH Quốc gia TP.HCM khẳng định: “Nếu giao cho chúng tôi xuất bản, giá SGK sẽ giảm 15% so với hiện nay!”.

Rối rắm chuyện xóa bỏ độc quyền SGK...

Theo ông Phạm Minh Thuận - Giám đốc Công ty Phát hành Fahasa, xóa bỏ khâu in ấn thì cần một quá trình nhưng xóa bỏ độc quyền khâu phát hành thì rất đơn giản và có thể tháo gỡ được ngay những khó khăn tăng giá sách như hiện nay. Khi xóa độc quyền phát hành, trên cùng một vùng, địa bàn không chỉ do một đơn vị phát hành mà có thể có đến vài đơn vị tham gia phát hành. Lúc ấy không còn khâu trung gian là Công ty Sách và thiết bị trường học, không còn mức chiết khấu giá sách cho những công ty này, giá thành SGK sẽ giảm một cách đánh kể.

Tuy nhiên, ông Hoàng Ngọc Loan -Giám đốc Công ty Sách và thiết bị trường học tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh: “Phải tính đến việc tồn tại các Công ty Sách và thiết bị trường học tại các địa phương có lợi hay không. Xóa độc quyền, tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội... SGK sẽ được nhiều đơn vị tham gia phát hành, lượng sách in ra có thể dư thừa, sẽ rộng rãi đến tay học sinh. Như ở Ninh Thuận, tại những vùng rừng núi xa xôi, không xe cộ nào vào được, chúng tôi phải thiết kế người gùi sách lên tận nơi. Xóa bỏ độc quyền phát hành, lợi nhuận không cao, ai lo chuyện hậu cần này?”.

Cũng theo ông Loan, khi tồn tại những Công ty Sách và thiết bị trường học tại các địa phương, những đơn vị này đảm nhận luôn cả khâu tư vấn cho các sở GD&ĐT, kiểm định chất lượng sách nên chọn sách nào tốt đưa đến trường học, phá bỏ độc quyền sách sẽ khó kiểm soát.

Không bù lỗ cho SGK

Tại buổi làm việc chiều qua (16-5) giữa Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các bộ, ngành liên quan về việc chuẩn bị sách giáo khoa cho năm học mới, Bộ GD&ĐT đã trình hai phương án điều chỉnh giá SGK. Một là tiếp tục triển khai việc điều chỉnh giá bán lẻ SGK năm học 2008-2009 với mức tăng không quá 10%. Hai là giữ giá bán lẻ SGK như năm học trước và Chính phủ hỗ trợ phần chênh lệch giá.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định sẽ không bù lỗ tràn lan cho các doanh nghiệp. Việc làm này sẽ tạo ra tiền lệ xấu là khiến các doanh nghiệp dựa dẫm vào nhà nước. Điều quan trọng nhất hiện nay là phải tập trung chăm lo cho các đối tượng chính sách, học sinh nghèo, khó khăn không đủ điều kiện mua SGK.

Trước đó, tháng 3-2008, Bộ GD&ĐT đề xuất tăng giá mỗi bộ SGK không quá 10% và đã được Thủ tướng đồng ý. Tuy nhiên, thông tin về việc tăng giá gây dư luận lo ngại việc nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn sẽ bỏ học.

Để giải bài toán giá SGK, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ cấp phát miễn phí SGK cho khoảng 1,6 triệu học sinh diện chính sách thuộc các vùng khó khăn, huy động 8,5 tỷ đồng kinh phí tự có của NXBGD để cấp miễn phí SGK cho con thương binh, liệt sĩ (khoảng 70 ngàn học sinh), mua SGK cũ hỗ trợ học sinh nghèo và thư viện các trường học, ưu tiên giảm giá cho học sinh nghèo, học sinh giỏi... NXBGD sẽ cùng các Công ty cổ phần Sách và thiết bị trường học trong cả nước tổ chức việc mua lại SGK cũ để bán lại cho học sinh với giá rẻ hoặc mua lại các loại sách, báo, tập vở đã qua sử dụng để đổi lại SGK và tập vở mới.

BẢO PHƯỢNG

TRƯƠNG HIỆU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm