Những phận người hiu hắt dưới gầm cầu

Chị PTTT (39 tuổi, có hộ khẩu phường 1, quận 8, TP.HCM) nằm bất động trên chiếc võng kê dưới chân cầu Nguyễn Văn Cừ (quận 8) nhìn cơn mưa trắng trời. Cuộc sống của chị chỉ loanh quanh chiếc võng đó, dưới gầm cầu. Cơ thể chị lộ rõ sự mệt mỏi, ốm yếu. Chị đã bước vào giai đoạn cuối của căn bệnh HIV.

Những đứa trẻ hàng xóm chạy chơi quanh đó, một đứa chạy lại hỏi: “Cô T. ơi, cô ăn ổi không mẹ con đem ra cho”. Chị PTTT khẽ lắc đầu.

Cuộc đời bi kịch và tấm lòng người dưng

Cuộc đời của chị PTTT buồn xơ xác. Chị cứ kể chuyện nửa chừng rồi bỏ lửng vì buồn quá, không kể liền lạc được. Nhà chị rất nghèo. Chị thất học, lớn lên làm đủ việc linh tinh kiếm sống. Rồi chị bước chân vào con đường bán dâm hồi nào không hay.

Chị có hai người con, cả trai và gái nhưng không nuôi được, đành phải cho người khác. Chồng chị cũng bỏ đi. Chị phát hiện mình nhiễm HIV nhưng chị bất cần bởi không còn gì để mất nữa. Rồi sức khỏe chị tuột dốc rất nhanh khi bệnh bước vào giai đoạn cuối. Không đủ tiền để thuê nhà trọ, người thân họ hàng từ chối cho ở chung, chị đành ra gầm cầu tá túc.

Chị ở gầm cầu đã ba năm nay. Võng, ghế, quần áo đều được người dân tốt bụng gần đó mang cho. Hỏi chị có tiền không, chị gật đầu: “Mấy người xung quanh đây hễ có ve chai họ đem cho em. Quán nước đằng kia họ cũng cho vỏ chai để em đem bán. Trong túi lúc nào cũng có vài chục ngàn dằn túi, không sao đâu”. Những đứa trẻ hàng xóm vẫn chạy ra chơi với chị, không có sự kỳ thị nào. Một phụ nữ đi ngang hỏi vọng vào: “T. ơi, chiều ăn cơm cá kho không tao mang cho?”. Chị T. lại lắc đầu. Chiếc ghế kiêm chức năng bàn ăn của chị vẫn còn một nửa hộp cơm từ bữa trưa ai đó mang lại cho chị.

Bà Trương Thị Thanh, nhà gần đó, cho biết: “Cả xóm này xúm vô nuôi cơm nó đó. Khổ cỡ đó ai mà không thương. Nhiều hôm trời mưa, muỗi mòng quá trời, mình đi ngang thấy nó nằm đó mà đứt ruột, hỏi nó ăn cơm chưa để mình cho nó ăn”. Ông Võ Văn Chẩn, nhà ngay gần chân cầu, cũng xót xa: “Nhiều người đi câu cá xong cũng mang cá lại cho nó kho ăn. Không biết nó sống vầy được lâu nữa không”.

Với PTTT, bây giờ gầm cầu là nhà của chị. Chị nói: “Hội phụ nữ phường cũng tốt lắm, họ tìm cho em một cơ sở chữa bệnh nhận em vô đó ở. Nhưng em không muốn vô, tại trước sau mình cũng chết,  phiền người ta làm chi. Mà ở đây em còn thấy ấm áp tại có nhiều người thương mình”. Chị nói mà ánh mắt vẫn vô cảm nhìn trân trân khoảng không bên ngoài đang mưa trắng đất trời.

“Em muốn trở lại làm công tác xã hội

Dưới gầm cầu Trung Sơn (huyện Bình Chánh) có một hốc nhỏ được quây lại thành một “căn phòng” tối om. Phía ngoài không có cửa che mà được chắn bởi chiếc xe đẩy lượm ve chai. Đó là “nhà” của chị NTNL (37 tuổi, hộ khẩu quận 1).

Chị NTNL chia sẻ: “Hồi đó nhà em ở quận 1 nhưng khó khăn lắm. Lúc em 10 tuổi thì cha mẹ bán nhà rồi chia tay nhau. Tụi em bơ vơ. Em bị bạn bè lôi kéo chích ma túy rồi nhiễm. Em đã buông xuôi luôn. Nhưng khi gặp chồng em, ảnh là đồng đẳng viên giúp đỡ người có HIV. Em cũng tham gia công tác xã hội và lấy lại niềm tin vào cuộc sống”.

“Nhà” của chị NTNL là gầm cầu Trung Sơn. Chị vẫn tự lao động, hy vọng có thẻ BHYT để có thuốc điều trị và trở lại làm công tác xã hội. Ảnh: HỒNG MINH

Nhớ về những ngày làm cộng tác viên của Trung tâm Y tế quận 1, mắt chị sáng lên: “Hồi đó nhóm đồng đẳng Nụ Cười chỉ có ba người thôi, rồi dần dần phát triển lên mười mấy người. Em có những người bạn tốt từ khi hoạt động xã hội, thấy mình sống có ích. Nhưng em sợ khi thấy có những người bạn mình mất vì bệnh”. Chị hoạt động tích cực, được nhận phụ cấp hơn 800.000 đồng/tháng. Chị và chồng vẫn chăm chỉ lao động, phụ việc, coi xe, phụ hồ, lượm ve chai… để kiếm sống.

Nhưng chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất của NTNL đã mất đi khi cách đây hai năm chồng chị mất. Chị suy sụp một thời gian, rồi xin nghỉ công tác xã hội vì sức khỏe không còn đảm bảo. Chị cũng không xin được phụ việc trong quán ăn nữa vì nhìn chị tiều tụy quá. Không còn khả năng thuê nhà trọ, chị ra gầm cầu Trung Sơn tá túc và đi lượm ve chai.

Để tiết kiệm chi phí ăn uống, hằng ngày chị đẩy xe lên tận đường Đề Thám, nơi có quán ăn 2.000 đồng, để được ăn cơm giá rẻ. Chị nói như muốn khóc: “Mình chỉ trả 2.000 đồng thôi mà họ phục vụ mình đàng hoàng như mình trả mấy chục ngàn vậy đó. Lâu lâu họ để thùng quần áo cũ cho mình lựa đem về mặc. Nếu có điều kiện, nhất định em sẽ quay lại làm công tác xã hội”.

Mỗi ngày chị kiếm được khoảng 70.000 đồng từ việc lượm ve chai, trừ những ngày mưa gió nhưng kiếm sống chưa phải là nỗi căng thẳng lớn nhất đối với cô gái có sức vóc nhỏ xíu, gầy nhom. Chị cho biết thêm các anh bảo vệ khu phố hay ra nhắc nhở, yêu cầu chị “chuyển nhà” nhưng biết đi về đâu…

Quận 8 có nhiều mô hình và giải pháp để hỗ trợ những người nhiễm HIV và những người tái hòa nhập cộng đồng. Việc đầu tiên là khảo sát và giúp họ vay vốn, tạo công ăn việc làm, sau đó là giúp chữa bệnh. Trên thực tế cũng có nhiều người có tâm lý chán nản hoặc vì nhiều lý do khác họ bất hợp tác với địa phương và các đội công tác xã hội.

Về trường hợp chị PTTT, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương vận động, thuyết phục chị hợp tác, điều trị bệnh. Ngành LĐ-TB&XH không bỏ mặc họ được dù họ bất hợp tác, để chị sống dưới gầm cầu sao được. Đó là quyền lợi của chị mà cũng là quyền lợi của cộng đồng, tránh mọi khả năng có thể lây lan bệnh tật.

Bà NGUYỄN THỊ LOAN, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận 8

____________________

Điều mong muốn lớn nhất của chị NTNL là có đủ tiền, khoảng vài trăm ngàn đồng để mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và điều trị HIV bằng thuốc ARV. Vì không có thẻ BHYT nên chị không đủ khả năng mua thuốc. Chị muốn có đủ sức khỏe để chiến đấu tiếp với căn bệnh của mình và quay trở lại làm đồng đẳng viên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm