Quả thực, giữa ngọn núi Thăm Kỳ ở xã Thông Nguyên (thực tế) và núi Văn Dú ở Châu Kao Lâm (Vàng và máu - Thế Lữ) có rất nhiều điểm tương đồng. Trùng hợp đến độ, dường như thể nhà văn Thế Lữ đã lựa chọn Thăm Kỳ làm nguyên mẫu cho câu chuyện của mình vậy.
Anh Nguyễn Văn Sinh vui vẻ kể chuyện hang vàng kỳ bí
Thăm Kỳ, Văn Dú đều khá cao so với núi non quanh vùng, phía trước đều có một con suối rộng và sâu ngăn cách. Cả hai ngọn núi cùng có được sự kính ngưỡng và khiếp sợ gần như tuyệt đối của người dân địa phương.
Nếu người nào khi say rượu trót báng bổ, thì tên tuổi anh ta lập tức nổi tiếng khắp vùng. Hàng chục năm nay không ai dám đặt chân lên đỉnh Thăm Kỳ, kể cả các thầy mo, thầy cúng và trưởng tộc, già làng.
Điểm chung nữa của Thăm Kỳ và Văn Dú là cùng có liên quan tới kho báu ẩn chứa trong lòng nó. Cả hai đều được coi như là thần giữ của.
Trong truyện, hang vàng Văn Dú đã được vị quan lang giải thiêng bằng sự thông minh, can đảm, lấy đi cả kho vàng do một viên quan đô hộ người Tàu cất giữ từ thời Minh.
Hang vàng Thăm Kỳ có thực hay không và liệu có còn dấu tích cửa hang bị sập bịt mất lối vào? Người Làng Giang tin rằng, kho báu có thực và vẫn còn vẹn nguyên trong lòng núi.
Mặc dù đang rất cao hứng khi nói chuyện về Thăm Kỳ linh thiêng, huyền bí, nhưng khi tôi đề cập chuyện cùng lên núi khám phá, anh công an viên Nguyễn Văn Sinh liền tìm cách lảng tránh: “Mọi chuyện mình đều nghe kể lại chứ đã dám lên đó lần nào đâu. Đưa anh lên à? Ôi, tôi trót uống rượu khi trưa, còn say lắm, không leo núi được…”.
Khối đá lớn, phẳng lỳ ở chân núi Thăm Kỳ
Vần Kim Hưởng cũng rất phân vân khi tôi đặt vấn đề. Giọng anh cán bộ văn hóa xã người Tày ngại ngần thấy rõ: “Khắp các ngọn núi xung quanh Làng Giang, mình đều đã leo hết. Vợ chồng mình cũng có vườn nương trên đồi, không ngại leo trèo đâu. Nhưng quả thực, sống dưới chân núi nhưng mình chưa từng một lần dám đặt chân lên Thăm Kỳ”.
Tôi đùa: “Cán bộ văn hóa xã phải leo lên tận nơi thì mới tường tận thực hư câu chuyện văn hóa lịch sử của địa phương chứ?”. Hưởng vẫn dùng dằng. Thuyết phục mãi rằng cả hai chỉ lên núi tham quan hang, không có ý gì mạo phạm, sau cùng Hưởng cũng chiều ý.
Hai chúng tôi tiến đến chân núi, gửi xe ở một ngôi nhà ven đường. Hưởng bảo, đây là một số hộ dân trong các bản sâu xa vừa hạ sơn định cư bên đường liên xã, họ không biết nhiều về hang thiêng đâu. Nhưng thấy chúng tôi hỏi thăm đường lên núi, đám người đang bận rộn đều ngừng cả lại, trố mắt nhìn, và rụt rè chỉ tay lên con dốc sau nhà.
Khám phá Thăm Kỳ, có rất nhiều hang hốc hẹp
Lặng lẽ theo nhau trèo đến gần chân núi, bắt gặp một phiến đá vuông vức, bằng phẳng cực lớn nằm giữa thửa ruộng bậc thang. Toàn mặt đá phong sương rêu cháy đen kịt, dáng tựa chiếc bàn thiên tạo, dài chừng 30m, rộng chừng 5m, cao cỡ hơn 2m, có thể đủ chỗ cho chừng 30 người ngồi bên trên.
Lựa đường vượt qua phiến đá ấy thì đến tảng đá hình đầu rùa khổng lồ. Cũng là một tảng đá nguyên khối, một bên thân có rêu đỏ bám vào rất đẹp. Nhìn từ dưới chân núi, nó không đồ sộ lắm. Nhưng khi Vần Kim Hưởng leo lên tảng đá, trông anh chẳng khác gì con thạch sùng đang bám vào quả dưa hấu.
Đến đây thì hết lối mòn, bắt đầu chằng chịt những cây rừng và dây leo chắn lối. Rất nhiều những khối đá hộp lớn nằm đè ngổn ngang lên nhau, có khối to như ngôi nhà ngói ba gian. Chúng tôi cùng loay hoay tìm lối, bám dây leo trèo qua các kẽ đá để đi.
Ở lối đi chỉ lách người qua được, chúng tôi phát hiện chừng 9 bậc tam cấp xếp khá cẩn thận bằng đá. Dường như được đặt sẵn từ rất lâu đời, không có người đi qua, nên cỏ mọc trên đá đã dày khoảng nửa gang tay.
Nhiều đoạn chỉ leo được bằng dây leo
Vần Kim Hưởng háo hức bước dợm lên phía trước: “Em nghe các cụ nói, ngày xưa lên hang thần có bậc thang bằng đá, chắc đúng là đây rồi. Nghĩa là mình đang đi đúng hướng. Ô, trên đây có một bãi đất bằng này”.
Tôi vội vã bám theo. Quả là có một rẻo tương đối phẳng rộng nhưng là mặt đá bị cỏ cây phủ dày chứ không phải nền đất. Chưa kịp mừng thì cả hai đã thoáng ớn lạnh, vì chợt phát hiện ra rằng đường cụt rồi, không có lối đi nữa.
Cả Hưởng và tôi cùng lặng lẽ đi quanh tìm lối. Bên trái bên phải cùng dốc tuột, sâu hoắm, không xuống nổi. Phía trước là những vách đá lớn thẳng dựng cao vài mươi mét chắn hết đường. Hưởng bẻ cành, vạch dây rừng, rồi bỗng reo lên: “Có hang ngầm. Có lẽ lối đi phải qua hang này”.
Miệng nói vậy, nhưng Hưởng cũng không dám chắc chắn. Bởi miệng hang rất nhỏ, lại ngầm dưới phiến đá lớn, đen ngòm, chẳng biết sẽ dẫn đi tới đâu. Ngán ngại nhất là không ai biết bên trong có gì. Hổ mang, hổ chúa hoàn toàn có thể ẩn náu trong cái hốc hàng chục năm nay không ai biết đến ấy.
Nhặt mấy viên đá nhỏ ném vào, rồi bẻ một cành cây huơ huơ phía trước dò đường, chúng tôi thận trọng chui vào cái ngách tối om lạnh lẽo ấy. Chỉ có thể ngồi mà di chuyển chầm chậm. Mười bước, hai mươi bước, bỗng thấy phía trước có ánh sáng, mở ra một lối đi.
Vượt qua lối ngầm ấy, cả hai trở nên mạnh dạn hẳn lên. Gặp vách chắn thì đu dây leo để lên, xuống dốc thì bám rễ đa tuột xuống. Thấy hang ngách nào chúng tôi cũng dò dẫm khám phá.
Hang thì chạy ngầm dưới chân, phải chui xuống lần lượt từng người. Có hang chỉ là một ngách đá cao thoáng, chênh vênh bên miệng vực. Nhưng toàn hang cạn và hẹp. Hang rộng nhất cũng chỉ cỡ nửa gian phòng. Cửa hang thần truyền thuyết vẫn chưa tìm thấy.
Mày mò mãi, chúng tôi biết thêm rằng, hàng ngàn khối đá hộc mà suốt buổi chiều chúng tôi leo trèo toát mồ hôi hột ấy thực ra chỉ là một miếng vỡ của Thăm Kỳ. Như một mảnh vỏ trứng nhỏ của cả quả trứng lớn Thăm Kỳ.
Có nghĩa là, vách đá cao và rộng hàng trăm mét này vốn cùng nguyên trong khối đá cực lớn là trọn vẹn quả núi, do một biến động nào đó mà vỡ ra và đổ xuống, tạo nên cả hệ thống ngổn ngang kia.
Nhưng để biết một cách chính xác, liệu sự sụp đổ đó có bịt kín đi miệng hang vàng huyền thoại hay không, cần phải di dời toàn bộ số đá hộc ấy. Không có sự hỗ trợ đắc lực của máy khoan, máy xúc, máy ủi thì xương thịt và trí khôn của con người hoàn toàn bất lực trước bí mật này.
Người ta cho rằng, trước kia người Pháp đóng đồn ở đây đã dùng đại bác để bắn sập cửa hang, uy hiếp tinh thần quật khởi của người dân địa phương. Nhưng cứ xem hiện trường bãi đá lớn khủng khiếp này, chí ít cũng phải dùng dăm ba tấn thuốc nổ mới có thể tạo ra được, nên khó khả thi.
Mày mò mãi, trời dần tối, đến lúc chúng tôi phải tính chuyện quay về. Vần Kim Hưởng tiện tay bẻ thêm mấy cái hoa chuối rừng về nhà kho cá suối. Loay hoay tìm mãi không thấy lối xuống núi, Hưởng chột dạ, lầm rầm mấy câu tiếng Tày bằng một giọng rất thành kính.
“Tôi vừa gọi vía theo mình về nhà, theo cách các cụ dạy. Xưa, những người mạo phạm báu vật của Thăm Kỳ thường bị cửa hang khép lại không tìm thấy lối về. Có thể tôi là người Làng Giang đầu tiên dám đặt chân lên đỉnh Thăm Kỳ đấy” – Hưởng nói nhỏ với tôi.
(Còn tiếp)
Theo Lê Quân (VTC News)