'Xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế'

(PLO)- Chủ tịch Quốc hội đánh giá Chính phủ chuẩn bị dự thảo Nghị quyết mới về chính sách đặc thù cho TP.HCM rất công phu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 9-5, phát biểu khai mạc phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết phiên họp này sẽ xem xét cho ý kiến về 13 nội dung lớn, dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp 5.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Đáng chú ý, tại phiên họp này, Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2022), Quốc hội đã có nghị quyết cho phép kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM đến hết 2023. Chính phủ được giao trình Quốc hội về nghị quyết mới cho TP.HCM trong thời gian sớm nhất.

Tuy nhiên, theo ông Vương Đình Huệ, thời gian qua, cả Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đều phấn đấu trình Quốc hội xem xét, quyết định nghị quyết mới thay Nghị quyết 54 ngay tại kỳ họp thứ 5.

“Hiện nay, yêu cầu phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các thể chế, chính sách cho các vùng động lực rất quan trọng” - Chủ tịch Quốc hội nói và nhấn mạnh TP.HCM là "đầu tàu" cho cả nước phát triển.

Ông Vương Đình Huệ đánh giá lần này Chính phủ đã chuẩn bị dự thảo nghị quyết “rất công phu”. Đảng đoàn Quốc hội cũng có hai buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM.

Dự kiến có tám nhóm chính sách liên quan đến 44 cơ chế được Chính phủ trình, ông Vương Đình Huệ đề nghị Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến các chính sách mới, trong đó, có sáu loại chính sách cụ thể được đưa vào các dự án luật trình Quốc hội, với hàm ý cho TP.HCM đi trước thực hiện.

“Cần cho ý kiến thêm khi ban hành các cơ chế, chính sách thí điểm, để xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 85 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Theo ông Vương Đình Huệ, việc bàn sửa đổi nghị quyết nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6 và HĐND các cấp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm những chức danh do HĐND bầu phê chuẩn vào các kỳ họp cuối năm nay.

Chủ tịch Quốc hội cho hay thời điểm Nghị quyết 85 ban hành thì chưa tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM. Trong mô hình chính quyền đô thị, một số chức danh không phải do HĐND bầu mà theo chế độ bổ nhiệm, các chức danh như Chủ tịch UBND phường, chịu trách nhiệm trước HĐND cấp quận và TP trực thuộc TP.

Ông Vương Đình Huệ đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung bàn thảo phạm vi điều chỉnh, tên gọi của dự thảo Nghị quyết, để bao quát hết được các nội dung này. Cùng với đó là những điểm mới so với Nghị quyết 85, nhất là về vấn đề hệ quả của lấy phiếu tín nhiệm…

Với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), ông Vương Đình Huệ lưu ý sau khi Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân. Theo báo cáo của Chính phủ, các cơ quan hữu quan đã có trên 12 triệu lượt ý kiến của nhân dân đóng góp vào dự án luật rất quan trọng này.

Ông Vương Đình Huệ cho hay hiện còn vấn đề lớn rất khó trong dự án luật này là tài chính đất đai và phương pháp định giá đất. “Qua theo dõi, đến nay vẫn còn rất khó khăn, nhiều nội dung. Quy định thế nào để đảm bảo khả thi và khi luật ban hành ra đảm bảo vận hành” - ông Huệ nhấn mạnh.

Mặt khác, dự án luật này còn liên quan đến nhiều dự án khác, do vậy, Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc sửa đổi các luật khác có liên quan, nhất là các dự án luật đang được trình Quốc hội, để bảo đảm đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm