Mới đây, báo Pháp Luật TP.HCM có bài viết: “Chặn xe cấp cứu chỉ vì... 'không có bệnh nhân sao cứ hú còi" thông tin về những trường hợp xe cấp cứu bị chặn, gây khó dễ cho ê-kíp cấp cứu.
Đây là nội dung được bạn đọc hết sức quan tâm vì nó có thể xảy đến với bất cứ ai, bất cứ lúc nào.
Mỗi người dân phải tự ý thức về "thời điểm vàng cấp cứu"
“Nếu đi ngoài đường nghe còi xe cấp cứu, dù kẹt xe thì xe máy, ô tô đều cố nép sang một bên để nhường đường, thậm chí xe máy còn leo lên vỉa hè để nhường đường, dù biết sai luật. Tôi đề nghị cần nâng cao nhận thức hiểu biết cho người dân về xe cấp cứu, kể cả không có bệnh nhân thì xe cấp cứu vẫn thuộc xe ưu tiên, vì có thể xe đang trên đường đón bệnh nhân. Vậy mà có một số đối tượng gây khó dễ, chặn đầu xe cấp cứu chỉ vì sự ích kỷ hẹp hòi của họ. Giả sử nếu qua thời điểm vàng để cấp cứu và bệnh nhân không qua khỏi thì có phải họ gián tiếp gây chết người hay không?” - bạn đọc Võ Minh phân tích.
“Những người cản trở xe cấp cứu đa phần họ suy nghĩ ích kỷ và không hiểu được tầm quan trọng của việc cấp cứu bệnh nhân, vừa phải nhanh, vừa phải chọn đoạn đường an toàn nhất. Các đối tượng cản trở xe cấp cứu thường lấy lý do là phiền, ồn... trong khi xe cứu thương là đối tượng được ưu tiên theo luật. Nếu rơi vào trường hợp bản thân hoặc người thân của họ đang trên xe cấp cứu mà bị cản trở thì họ mới có thể thấm được.
Chưa kể nhiều người còn cho rằng tài xế lợi dụng xe cấp cứu để sử dụng việc riêng để hưởng quyền ưu tiên nên cản, nếu có nghi ngờ thì chỉ có lực lượng chức năng kiểm tra chứ người dân không có quyền kiểm tra” - bạn đọc Dung Trần viết.
Ngoài các ý kiến trên, bạn đọc Nga Vũ kiến nghị: “Ở nước ngoài, còi hụ xe cấp cứu không quá lớn, chủ yếu dùng đèn nháy, nhưng sẽ phạt thật nặng đối với hành vi các phương tiện không nhường đường. Nước ta có thể tham khảo, còi xe không cần quá to, vang trong một khoảng nhất định để không gây ồn ào, khó chịu. Cơ quan cấp phép nên kiển tra độ ồn của còi hụ và ra quy định rõ”.
Xe cấp cứu sẽ được ưu tiên dù có bệnh nhân hay không
Trao đổi với PV, luật sư Phùng Văn Hiệu, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương, cho biết tại khoản 1 Điều 22 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định những xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu là một trong những phương tiện được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới.
Trên cơ sở đó, khoản 3 Điều 3 Nghị định 109/2009 quy định xe cấp cứu đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu là xe đang chở bệnh nhân cấp cứu hoặc đi đón bệnh nhân cấp cứu. Đồng thời xe cấp cứu đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu được sử dụng các trang bị phát tín hiệu như có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ gắn trên nóc xe, có còi phát tín hiệu ưu tiên.
Từ các quy định trên có thể thấy khi xe cấp cứu thực hiện nhiệm vụ đang chở bệnh nhân cấp cứu hay đang trên đường đón bệnh nhân đều được sử dụng các tín hiệu và được ưu tiên theo quy định.
Gắn hệ thống camera hành trình
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM, cho biết một trong những giải pháp để giám sát, xử lý vấn đề chặn xe cấp cứu là gắn hệ thống camera hành trình cho xe cấp cứu 115. Hai tuần vừa qua, camera được gắn thí điểm trên một số xe cấp cứu.
Camera giám sát hành trình/lộ trình cùng với định vị trên xe giúp hướng dẫn xe cấp cứu đến cơ sở y tế gần nhất. Ngoài ra camera sẽ xác định chính xác bối cảnh, tình huống khi sự cố xảy ra, tạo sự yên tâm cho đội ngũ tài xế khi thực hiện nhiệm vụ.
Lãnh đạo trung tâm cấp cứu 115 khi nắm được các vấn đề của sự cố qua việc trích xuất camera, sẽ xem xét và trình báo cơ quan chức năng phối hợp xử lý, ngăn chặn các hành động cố ý cản trở xe cấp cứu làm nhiệm vụ.
“Nếu không như vậy, áp lực từ phía người làm y tế về các hậu quả xảy đến là rất nặng. Người làm y tế sẽ cảm thấy mình là người có lỗi trước hết cho các hậu quả xảy ra với bệnh nhân. Vì vậy mong muốn người dân sẽ hợp tác, hỗ trợ đội ngũ cấp cứu làm nhiệm vụ cứu người” - bác sĩ Long nói.
Ngoài ra, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM cho rằng mỗi người dân cần được huấn luyện về kĩ năng sơ cấp cứu ban đầu, để họ luôn trong tư thế sẵn sàng hỗ trợ khi có người bị nạn ngay trước mắt.
Bởi, họ là người trực tiếp chứng kiến các rủi ro đối với bệnh nhân, họ cần sẵn sàng sơ cấp cứu cho người bệnh trong thời gian chờ ê-kíp cấp cứu đến. Việc này phải thực hiện nhiều mới trở nên thuần thục, muốn được như vậy thì phải trang bị phương tiện, dụng cụ sơ cấp cứu ở khu vực công cộng.
“Tại Việt Nam, người dân thường có tâm lý lo sợ, chưa dám sơ cấp cứu cho nạn nhân vì chưa được huấn luyện nhiều, hay thiếu phương tiện thực hiện…. Ngoài ra về mặt pháp lý, người dân cũng e ngại khi sơ cấp cứu, lỡ vô tình làm sai thì có có bị điều tra về sau hay không. Tôi mong muốn từng rào cản được làm rõ để từ đó đưa ra giải pháp giúp phát triển mạng lưới sơ cấp cứu, tăng cơ hội sống cho bệnh nhân” - bác sĩ Long nêu.
Sắp tới tổng đài 115 sẽ được nâng cao năng lực hơn trước. Khi có sự cố xảy ra, người dân cần gọi ngay cho đầu số 115. Thông qua người tiếp nhận cuộc gọi, người dân sẽ được hướng dẫn cách sơ cứu bệnh nhân, để biết nên làm gì và không nên làm gì để giúp tốt nhất cho bệnh nhân.
THẢO PHƯƠNG