“Xé rào” để bệnh nhân hết chịu thiệt thòi

(PLO)- Ba vợ tôi bị đột quỵ, được chuyển đến cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy. Trước đó vài tuần, Dì ruột của tôi cũng được chuyển đến nơi này để cấp cứu sau tai nạn giao thông.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đến khâu chụp chiếu hình ảnh mới thấy các y bác sĩ vất vả, còn bệnh nhân thì chịu rất nhiều thiệt thòi dù đây là một trong những bệnh viện lớn nhất của cả nước…

Nhiều ngày qua, BV Chợ Rẫy và một số bệnh viện (BV) lớn khác đang trong tình trạng “kêu cứu” vì thiếu hoặc phải dừng hoạt động nhiều trang thiết bị y tế kỹ thuật cao. Trong đó có máy chụp cắt lớp vi tính (CT), máy chụp cộng hưởng từ (MRI)… Như trường hợp ba vợ tôi nhập BV Chợ Rẫy hôm 23-2, hay như dì tôi vài tuần trước đó đều liên quan đến não nhưng việc tiếp cận máy MRI là rất khó khăn. Còn trước phòng chụp CT, số lượng bệnh nhân nằm băng ca, ngồi xe lăn xếp hàng dài, mỏi mệt và sốt ruột. Các y bác sĩ rất vất vả điều phối, vừa vắt óc suy nghĩ phương án thay thế vừa tìm cách trấn an người bệnh và thân nhân.

Không chỉ máy móc, thiết bị mà cả hóa chất và nhiều vật tư y tế tiêu hao khác cũng đang khan hiếm ở nhiều BV. Hôm qua (24-2), BV Việt Đức đã phải ra thông báo từ ngày 1-3, BV sẽ hạn chế mổ phiên, chỉ ưu tiên mổ cấp cứu do thiếu hụt vật tư y tế, hóa chất. Hiện hóa chất xét nghiệm công thức máu tại BV chỉ còn để sử dụng khoảng một tuần nữa, hóa chất ghép tạng đủ dùng cho hai tuần. Các vật tư tiêu hao phục vụ cho phẫu thuật cũng chỉ còn một tháng nữa là cạn.

Nhiều BV tìm đủ mọi cách để “gửi bệnh nhân qua nơi này chụp chiếu, đưa bệnh nhân qua nơi kia để cấp cứu”, dù trước đây họ hoàn toàn có thể làm tốt công việc này.

Từ quý IV-2022, Chính phủ, ngành y tế đã vào cuộc và các địa phương cũng tìm cách hành động. Thế nhưng, tình hình vẫn rất căng thẳng vì mọi thứ dịch chuyển còn chậm. Chúng ta có luật về đấu thầu rồi các nghị quyết, nghị định… điều chỉnh trực tiếp việc mua sắm máy móc, trang thiết bị, vật tư y tế; từ trên xuống dưới đều ý thức được tính cấp bách của việc điều chỉnh các quy định nhưng thực tế, đặc biệt từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, mọi thứ đều chuyển động quá nhanh, luật pháp dù đã có nhưng không theo kịp nhu cầu thực tế hiện rất cấp bách, “mang tính sống còn” của rất nhiều người.

Hôm qua (24-2), tại hội nghị triển khai công tác y tế năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi quy định để mở đường cho việc mua sắm, đấu thầu máy móc, thiết bị, vật tư y tế.

Chỉ đạo quyết liệt này của Thủ tướng cũng cần được thực thi một cách quyết liệt và linh hoạt khi mà mỗi ngày cả nước có biết bao bệnh nhân nặng, rất nặng đang trông chờ vào kết quả của những gói thầu, vốn bị vướng cơ chế pháp lý suốt nhiều tháng.

Những lúc “dầu sôi lửa bỏng”, phải chăng cần sớm có chương trình đối thoại trực tiếp giữa các ban ngành quản lý, BV và các doanh nghiệp (nhà thầu). Các bên cùng lắng nghe thực tế, mạnh dạn mở ra cơ chế mua sắm cấp bách, hợp lý. Các quy định của pháp luật hiện hữu có thể được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung sau. Mỗi giây phút đợi chờ các cơ quan quản lý nghiên cứu, sửa luật rồi ký ban hànhlà rất nhiều sinh mạng đang chờ được cứu sống.

“Xé rào” mà cứu được người, mà người dân hưởng lợi chính đáng thì việc “xé rào” ấy cần được tạo chủ trương và khuyến khích.

Lịch sử Việt Nam đã từng không ít lần “xé rào” mở đường cho cơ chế đột phá như thế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm