Ngày 28-3, Tỉnh ủy Bình Thuận đã tổ chức họp báo để thông báo tình hình, diễn biến xử lý bước đầu vụ việc xảy ra tại Trường Mầm non - Tiểu học Thanh Nguyên, Phan Thiết. Buổi họp báo do ông Nguyễn Thành Tâm, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, chủ trì.
Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết đã chỉ đạo công an tỉnh khẩn trương kiểm tra, xác minh, làm rõ việc gây mất trật tự tại Trường Thanh Nguyên vào chiều 23-3.
Công an, Sở Tư pháp tỉnh vào cuộc
Tỉnh ủy Bình Thuận yêu cầu công an tỉnh kiểm tra, làm rõ việc sử dụng công cụ hỗ trợ và còng tay bà Đoàn Thị Dung, Giám đốc Công ty Thanh Nguyên, nếu vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Ngoài ra, các cơ quan chức năng phải tiến hành làm rõ thông tin và xử lý theo thẩm quyền đối với những nội dung khiếu nại, tố cáo của bà Dung liên quan đến các khoản nợ của Công ty Thanh Nguyên.
Tỉnh ủy yêu cầu Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, đánh giá việc chấp hành pháp luật trong quá trình tổ chức thi hành quyết định tuyên bố phá sản Công ty Thanh Nguyên của quản tài viên Trần Đăng Minh và các cơ quan liên quan. Từ đó, Sở đề xuất biện pháp xử lý nghiêm túc những hành vi vi phạm (nếu có) theo đúng quy định pháp luật.
Tỉnh ủy cũng yêu cầu Thành ủy Phan Thiết chỉ đạo UBND TP Phan Thiết chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT làm việc với ban giám hiệu, đội ngũ giáo viên, nhân viên, ban đại diện cha mẹ học sinh (HS) Trường Thanh Nguyên để thông báo rõ quan điểm, chủ trương giải quyết của tỉnh. Qua đó sớm ổn định tư tưởng đội ngũ giáo viên, nhân viên của trường, tiếp tục hoàn thành chương trình giảng dạy năm học 2016-2017.
Toàn bộ nội dung trên các cơ quan liên quan phải báo cáo cho Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh trước ngày 5-4 để Tỉnh ủy và ủy ban chỉ đạo tiếp theo.
Quang cảnh buổi họp báo do Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức liên quan đến vụ việc xảy ra tại Trường Thanh Nguyên. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Phải duy trì Trường Thanh Nguyên
Tại cuộc họp báo, nhiều câu hỏi được đặt ra đối với trách nhiệm của Sở GD&ĐT trong vụ việc này. Bà Nguyễn Thị Bích Hoàn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết việc Phòng GD&ĐT TP. Phan Thiết tham mưu cho UBND TP Phan Thiết ra văn bản cho chuyển hết HS Trường Thanh Nguyên sang Trường Lê Quý Đôn là không chặt chẽ.
Theo bà Hoàn, việc chuyển trường hàng loạt HS sẽ rất khó khăn, phức tạp vì không đủ giáo viên cùng lúc để giảng dạy. Khi chuyển trường phải theo nguyện vọng của phụ huynh (chuyển trường nào), phải kèm theo tất cả văn bản, hồ sơ liên quan đến HS. “Quan điểm của Sở là nên giữ lại Trường Thanh Nguyên để tiếp tục thực hiện việc xã hội hóa giáo dục” - bà Hoàn cho biết.
Nói rõ hơn vấn đề này, ông Võ Thành Huy, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận, khẳng định: “Việc chuyển HS từ Trường Thanh Nguyên sang Trường Lê Quý Đôn chỉ mới là phương án của UBND TP Phan Thiết để chủ động chuẩn bị và đảm bảo điều kiện học tập khi các cơ quan thi hành quyết định phá sản Công ty Thanh Nguyên”.
Ông Huy cho biết việc chuyển trường của HS đều do phụ huynh toàn quyền quyết định và trên tinh thần tự nguyện. “Sau khi thực hiện xong thủ tục phá sản, dù tổ chức, cá nhân nào tiếp nhận Trường Thanh Nguyên thì cũng phải triển khai hoạt động giáo dục theo đúng mục tiêu ban đầu của tỉnh chứ không thể sử dụng vào mục đích khác được” - ông Huy nói.
Ông Nguyễn Thành Tâm, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, khẳng định trường học này phải được duy trì.
Ổn định tư tưởng, duy trì việc học
Trước đó, chiều 27-3, ông Huỳnh Thanh Cảnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận, đã chủ trì cuộc họp giải quyết các vấn đề liên quan Trường Thanh Nguyên. Ông Cảnh cho biết quyết định phá sản đúng sai chưa rõ, cần có thời gian rà soát. Tuy nhiên, việc thực hiện theo quyết định phá sản như xảy ra tại Trường Thanh Nguyên chiều 23-3, trong thời điểm HS tan trường và phụ huynh đến đón là không phù hợp, gây bức xúc trong giáo viên, phụ huynh và xã hội.
“Sự việc cho thấy các cơ quan liên quan đã có nhiều khuyết điểm, thiếu sót khi không lường trước sự việc phát sinh và cần nghiêm túc kiểm điểm, xử lý. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là ổn định việc học hành của các em HS cũng như ổn định tư tưởng phụ huynh và giáo viên được an tâm, không để việc học gián đoạn” - ông Cảnh nói.
Ông Cảnh đã giao VKSND tỉnh kiểm sát việc tuân thủ pháp luật đối với quyết định phá sản của TAND TP Phan Thiết, đồng thời cùng với TAND tỉnh nghiên cứu, đề xuất giải pháp phù hợp với mục tiêu ổn định việc học của HS đến hết năm học 2016-2017.
TAND tỉnh Bình Thuận khẳng định làm đúng Theo báo cáo của TAND tỉnh Bình Thuận, sau khi xảy ra vụ việc tại Trường Thanh Nguyên vào chiều 23-3, chánh án TAND tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu chánh án TAND TP Phan Thiết, Tòa Kinh tế TAND tỉnh Bình Thuận báo cáo và trực tiếp kiểm tra hồ sơ vụ việc. Chánh án TAND tỉnh Bình Thuận khẳng định quá trình thụ lý, giải quyết vụ việc phá sản đối với Công ty TNHH Thanh Nguyên, TAND TP Phan Thiết và TAND tỉnh Bình Thuận đã thực hiện đúng quy định của pháp luật. Theo TAND TP Phan Thiết, ngoài số nợ của chín tổ chức, cá nhân hơn 177 tỉ đồng, trong tháng 4-2016 TAND TP Phan Thiết còn nhận đơn của 10 cá nhân khác yêu cầu Công ty Thanh Nguyên trả nợ hơn 330 tỉ đồng. Do những cá nhân này không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình là chính đáng và hợp pháp nên quản tài viên đã không đưa họ vào danh sách chủ nợ của Công ty Thanh Nguyên. Lập tổ công tác làm rõ việc dùng súng, còng tay Về việc làm rõ hành vi dùng súng, còng số 8 xảy ra tại Trường Thanh Nguyên chiều 23-3, Đại tá Nguyễn Văn Nhiều, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Bình Thuận, cho biết hiện công an tỉnh đã thành lập một tổ công tác để phối hợp với Công an TP Phan Thiết làm rõ. “Tổ công tác này sẽ làm việc toàn diện và hết sức cân nhắc để làm rõ từng chi tiết xảy ra và sẽ có báo cáo cho UBND tỉnh trước ngày 5-4” - Đại tá Nhiều cho biết. |