Việc phân tầng, xếp hạng các trường đại học (ĐH) hàng đầu thế giới từ các tổ chức uy tín luôn nhận được sự đón chờ của các bậc phụ huynh, đội ngũ giảng dạy và sinh viên.
Các hệ thống xếp hạng ĐH uy tín
Ba bảng xếp hạng ĐH uy tín nhất thế giới là bảng xếp hạng ĐH Times Higher Education World University Rankings do tạp chí Times Higher Education (Anh) hợp tác với Thomson Reuters. Bảng xếp hạng ĐH danh giá thứ hai là Academic Ranking of World Universities (ARWU) do ĐH Giao thông Thượng Hải tổ chức đánh giá. Bảng xếp hạng còn lại là QS World University Rankings của Công ty Quacquarelli Symonds (Anh). Cùng xếp hạng các trường ĐH hàng đầu thế giới 2014-2015 nhưng kết quả ba bảng xếp hạng khác nhau do tổ hợp tiêu chí đánh giá khác nhau.
Times Higher Education chỉ xếp hạng 400 trường ĐH hàng đầu thế giới. Tạp chí Times Higher Education (THE), tiền thân của The Times Higher Education Supplement (THES) bắt đầu xếp hạng trường ĐH từ năm 2004. Từ năm 2004 đến năm 2009, THE đã kết hợp với Công ty Quacquarelli Symonds công bố danh sách xếp hạng của các trường ĐH khắp thế giới. Trong tổng số 400 trường được xếp hạng 2014-2015, đứng thứ nhất là California Institute of Technology (Caltech) (Mỹ), thứ hai là ĐH Harvard (Mỹ), thứ ba là ĐH Oxford (Anh), thứ tư là ĐH Stanford (Mỹ), thứ năm là ĐH Cambridge (Anh).
Bảng xếp hạng ĐH thứ hai do ARWU tổ chức đánh giá. Đây là dự án cung cấp việc xếp hạng độc lập các trường ĐH trên thế giới để đo sự chênh lệch giữa các trường ở Trung Quốc và các trường danh tiếng trên thế giới. Kết quả thường được công bố bởi tạp chí The Economist trong xếp hạng các trường ĐH trên thế giới. ARWU xem xét các trường dựa trên số người đạt giải Nobel, giải thưởng Fields, số công trình khoa học được trích dẫn hoặc đăng tải trên hai tạp chí Nature và Science. Cho đến nay hơn 1.000 trường ĐH đã được xếp hạng và 500 trường tốt nhất đã được công bố trên website. Trong tổng số 500 trường năm 2014, đứng thứ nhất là ĐH Harvard (Mỹ), thứ hai là ĐH Stanford (Mỹ), thứ ba là Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), thứ tư là ĐH California-Berkeley (Mỹ), thứ năm là ĐH Cambridge (Anh).
Kết quả thứ ba do QS World University Rankings công bố. QS cung cấp hai loại hình đánh giá trường ĐH chính: Loại hình xếp thứ hạng và gắn sao. Theo bảng xếp hạng 2014-2015, tổ chức này đưa ra top 700 trường ĐH hàng đầu thế giới, ngoài ra còn top 700+1. Trong top 700 trường, xếp vị trí đầu là Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) (Mỹ), thứ hai là ĐH Cambridge (Anh), thứ ba là Imperial College London (Anh), thứ tư là ĐH Harvard (Mỹ), thứ năm là ĐH Oxford (Anh).
Bà Ellen Hazelkorn, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Công nghệ Dublin (Ireland). Ảnh: INTERNET
ĐH Harvard (Mỹ) luôn nằm trong tốp những trường danh giá nhất thế giới. Ảnh: INTERNET
Thúc đẩy cải tổ giáo dục
Tờ University World News tuyên bố các bảng xếp hạng quốc tế đang ảnh hưởng tới việc ra quyết định bên trong các cơ sở giáo dục và thậm chí ảnh hưởng tới hệ thống giáo dục quốc dân. Bảng xếp hạng là động lực thúc đẩy chính sách hiện hành ở nhiều quốc gia về liên kết hoặc hợp nhất các cơ sở giáo dục để thành lập các cơ sở lớn hơn.
Bảng xếp hạng thu thập dữ liệu bên trong các cơ sở giáo dục, từ đó giúp xác định được các thế mạnh cũng như điểm yếu của từng cơ sở giáo dục. Bảng xếp hạng khuyến khích các cơ sở giáo dục rà soát lại các tuyên bố sứ mệnh của mình. Đối với hệ thống trường ĐH, nếu thành tích kém có thể được sử dụng để yêu cầu chính quyền hành động để cải thiện chất lượng trường học.
Cũng dựa vào bảng xếp hạng, các trường ĐH có thể thiết lập các hạng mục ưu tiên và phân bổ nguồn lực cho các môn học và lĩnh vực nghiên cứu nhằm cải thiện thứ hạng. Nhiều chính phủ các nước sử dụng bảng xếp hạng mỗi khi quyết định phân bổ nguồn lực và cấp chứng nhận cho cơ sở giáo dục nào đó.
Bà Ellen Hazelkorn cho hay bảng xếp hạng còn giúp cải tổ và hiện đại hóa nền giáo dục bậc ĐH, các trường ĐH để chuyên môn hóa dịch vụ và công tác quản lý, đồng thời giúp cải thiện chất lượng các chương trình và cơ sở vật chất cho sinh viên và đội ngũ giảng viên của trường.
Nhà tuyển dụng cũng dựa vào bảng xếp hạng ĐH để đánh giá sinh viên tốt nghiệp. Sinh viên nào tốt nghiệp từ các trường ĐH thứ hạng thấp sẽ ít có khả năng lọt vào “mắt xanh” của họ. Bảng xếp hạng cũng ảnh hưởng tới việc học sinh, sinh viên tìm kiếm học bổng chính phủ để du học. Ví dụ, học sinh sinh viên ở Mông Cổ và Qatar bị giới hạn học bổng để đăng ký học tại trường ĐH quốc tế có thứ hạng cao.
Kim chỉ nam cho hợp tác giáo dục
Trang web SciDev.Net dẫn lời bà Ellen Hazelkorn, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Công nghệ Dublin (Ireland) và là người đứng đầu Đơn vị nghiên cứu chính sách bậc ĐH cho biết các bảng xếp hạng ảnh hưởng tới quyết định của các trường ĐH về quan hệ đối tác của họ. Những quan hệ đối tác này trở nên quan trọng mang tính chiến lược cho các chương trình nghiên cứu, học thuật và cả chương trình trao đổi du học sinh.
Theo một khảo sát quốc tế, 57% người tham gia khảo sát cho hay bảng xếp hạng chất lượng trường học của họ đang ảnh hưởng tới việc liệu các nhà nghiên cứu ở các cơ sở giáo dục ĐH khác có hợp tác với họ hay không, 34% cho biết họ cảm thấy bảng xếp hạng đang ảnh hưởng tới việc chấp nhận tính thành viên của họ từ các tổ chức học thuật hoặc chuyên nghiệp.
Các trường ĐH cũng đang sử dụng các bảng xếp hạng quốc tế để đưa ra quyết định sẽ hợp tác với cơ sở giáo dục nào. Ví dụ, Ian Gow, cựu hiệu trưởng ĐH Nottingham Ninh Ba (Trung Quốc) cho hay nhà chức trách trung ương đang kêu gọi các cơ sở giáo dục địa phương hạn chế các mối quan hệ đối tác đối với 20 cơ sở giáo dục nước ngoài hàng đầu. Các trường ĐH ở nơi khác cũng xác nhận họ không thể hợp tác với các trường ĐH có kết quả xếp hạng thấp hơn. Điều này có thể gây ra sự tổn thất đáng kể cho các cơ sở giáo dục ĐH ở các quốc gia đang phát triển.
Các nhà tài trợ cũng xem xét các bảng xếp hạng để quyết định tài trợ và đầu tư cho trường học nào. Tập đoàn viễn thông lớn nhất châu Âu Deutsche Telecom (Đức) thừa nhận quyết định đầu tư và tài trợ phần nào phụ thuộc vào bảng xếp hạng, trong khi đó Tập đoàn Boeing (Mỹ) cũng sử dụng bảng xếp hạng để xác định trường ĐH nào đủ điều kiện để sử dụng 100 triệu USD tiền tài trợ của hãng cho các khóa đào tạo phụ đạo.
Tác dụng “phụ” của bảng xếp hạng Bảng xếp hạng vô tình “thiên vị” về địa vị và danh tiếng cho các cơ sở giáo dục lâu đời và có nhiều đãi ngộ, thường là các trường y ở các quốc gia phát triển. Điều này dường như là không thể đối với các trường ĐH ở các nước đang phát triển để cạnh tranh với những “đối thủ bự con hơn” ở Mỹ hay châu Âu. Do đó, khoảng cách giữa nền giáo dục ưu tú và đại trà, giữa các trường ĐH ở các nước phát triển và đang phát triển ngày một mở rộng. Ngoài ra, thứ hạng cao của một trường ĐH được xác định thông qua các tiêu chí/chỉ số khác nhau và tổng điểm số của các tiêu chí đó, vì thế bảng xếp hạng làm giảm tính phức tạp của giáo dục ĐH và phóng đại những khác biệt - Ellen Hazelkorn, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Công nghệ Dublin (Ireland). |