Vị này cho biết thêm, việc xin cơ cấu lại nợ là việc làm bình thường của ngân hàng khi các doanh nghiệp gặp khó khăn để giúp khách hàng tái sản xuất, có điều kiện trả nợ.
Theo báo cáo tài chính của HAGL, hiện doanh nghiệp này đang nợ 10 đơn vị tài chính. Tính đến cuối năm 2015, nợ phải trả của HAGL khoảng 32.900 tỉ đồng. Ba chủ nợ lớn nhất của HAGL là Ngân hàng BIDV với hơn 10.500 tỉ đồng, Ngân hàng Eximbank với gần 4.000 tỉ đồng và VPBank với 2.800 tỉ đồng.
Trước đó, vào cuối tháng 4-2016, tại đại hội cổ đông của BIDV, ông Phan Đức Tú, Tổng Giám đốc BIDV, cho biết hiện khoản nợ của HAGL tại ngân hàng này còn 10.500 tỉ đồng, các khoản vay đều có tài sản đảm bảo và số dư nợ vẫn trong tầm kiểm soát. Tài sản đảm bảo của HAGL chủ yếu là đường, cao su, cọ dầu… dọc tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia với diện tích 50.000 ha. Ông Tú cũng khẳng định HAGL đang gặp khó khăn về thanh khoản chứ không mất khả năng trả nợ. Giá trị tài sản đảm bảo của HAGL tại BIDV là hơn 18.000 tỉ đồng so với dư nợ 10.500 tỉ đồng.
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV, cho rằng hiện HAGL đang gặp khó khăn nên chậm trả lãi nhưng với giá trị tài sản đảm bảo của đơn vị này tại BIDV lớn, nếu bán toàn bộ thu đủ nợ gốc và có lãi.
Một nguồn tin cũng cho biết phương án mà NHNN trình lên Chính phủ tập trung vào việc kéo dài thời gian trả nợ gốc và lãi đối với một số khoản vay của HAGL. Bên cạnh đó, NHNN đề xuất phương án tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất 6%-6,5%/năm.