Xử án hành chính: Còn vận dụng sai luật

Mới đây, TAND TP.HCM đã tổ chức tập huấn rút kinh nghiệm về nghiệp vụ xét xử những vụ án hành chính cho các thẩm phán, thư ký của ngành.

Xác định sai người bị kiện

Theo TAND TP.HCM, chuyện xác định sai người bị kiện thường xảy ra nên các tòa sơ thẩm phải hết sức lưu ý. Điển hình là vụ bà P.T.D kiện các quyết định hành chính của chính quyền địa phương.

Trước đó, UBND phường ra quyết định buộc bà D. tháo dỡ nhà để lập lại trật tự mặt bằng khu phố. Bà D. khiếu nại ra chủ tịch phường. Bị bác đơn, bà tiếp tục khiếu nại nhưng cũng bị chủ tịch quận bác. Chưa phục, bà khởi kiện cả ba quyết định trên ra tòa.

Xử sơ thẩm hồi năm 2007, tòa sơ thẩm đã bác yêu cầu của bà D. Năm 2008, TAND TP xử phúc thẩm đã tuyên hủy bản án trên. Điều đáng nói là lý do hủy không nhằm vào mặt nội dung vụ án mà chính từ những sai sót trong việc xác định người bị kiện.

Án sơ thẩm cho rằng người bị kiện trong vụ án là UBND quận - đơn vị giải quyết khiếu nại lần hai nhưng TAND TP.HCM lại cho rằng người bị kiện phải là chủ tịch phường. Bởi lẽ theo thẩm quyền, ông này chính là người ban hành quyết định đầu tiên về tháo dỡ nhà bà D.

Sai cả đối tượng kiện

Theo TAND TP.HCM, các tòa sơ thẩm nên lưu ý rằng quyết định hành chính - đối tượng khiếu kiện để yêu cầu tòa giải quyết phải là quyết định hành chính lần đầu. Những quyết định được ban hành sau khi cơ quan nhà nước đã nhận được khiếu nại và là kết quả giải quyết khiếu nại thì được coi là quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.

Chẳng hạn như vụ UBND huyện Củ Chi phạt hành chính ông C. vi phạm trong kinh doanh. Ông C. khiếu nại và được nơi đây lần lượt ban hành hai quyết định giảm mức phạt. Ở đây, tòa phải xác định hai quyết định sau là quyết định giải quyết khiếu nại, còn đối tượng kiện chính là quyết định hành chính đầu tiên. Tuy nhiên khi xét xử, tòa vẫn phải đưa cả ba quyết định của UBND huyện ra xem xét.

Sai sót này tòa sơ thẩm gặp phải khi giải quyết vụ ông HKN kiện UBND huyện về việc cấp giấy đỏ cho một số cá nhân vào năm 2007.

Trước đó, thấy quyền lợi của mình bị ảnh hưởng, ông N. khiếu nại các quyết định này, bị chủ tịch huyện bác đơn. Ông N. bèn khởi kiện yêu cầu tòa bác quyết định giải quyết khiếu nại trên. Thế là thay vì xác định đối tượng bị kiện là quyết định hành chính lần đầu, tòa sơ thẩm lại cho rằng đối tượng bị kiện là quyết định giải quyết khiếu nại rồi tuyên bác yêu cầu của ông N. Sau đó, cấp phúc thẩm đã phải hủy án.

Áp dụng sai luật

TAND TP.HCM dẫn chứng về cái sai này trong vụ ông TVM kiện yêu cầu hủy bỏ quyết định hành chính của một UBND quận. Trước đó, UBND quận đã ra quyết định giải quyết tranh chấp đất đai có liên quan đến ông M. Năm 2006, UBND quận lại ra quyết định thu hồi quyết định trên. Không đồng ý với quyết định thu hồi, ông M. kiện ra tòa.

Năm 2008, cấp sơ thẩm tuyên bác yêu cầu của ông M. Sau đó, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã tuyên hủy án sơ thẩm, đình chỉ việc giải quyết vụ án. Theo tòa, quyết định thu hồi của UBND quận tuy là quyết định hành chính nhưng lại không có nội dung điều chỉnh các quan hệ hành chính. Vì vậy, ông M. khởi kiện đòi hủy quyết định trên là không thuộc thẩm quyền của tòa.

TAND TP.HCM nhận xét các tòa sơ thẩm thường sai sót về nội dung do không nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật liên quan, không nghiên cứu toàn diện các tài liệu chứng cứ nên đánh giá chứng cứ không chính xác. Những sai sót này thường gặp trong các vụ kiện quyết định bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Khi giải quyết các loại án này, thẩm phán thường chủ quan tin tưởng vào phương án bồi thường mà bỏ qua các yếu tố khác như các văn bản mới của UBND TP.HCM điều chỉnh, bổ sung về giá bồi thường; chính sách tái định cư, đãi ngộ gia đình chính sách, thương binh... Chưa kể, nhiều trường hợp có sự sai lệch giữa diện tích thực tế thu hồi so với diện tích thể hiện trong quyết định.

Không xác định rõ yêu cầu

TAND TP.HCM cũng đưa vụ bà P.T.T kiện chi cục thuế một quận ra mổ xẻ để rút kinh nghiệm. Trước đó, bản án sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện của bà T. bị TAND TP.HCM hủy để giải quyết lại từ đầu vì cấp sơ thẩm không xác định rõ yêu cầu của đương sự.

Trong đơn kiện, bà T. yêu cầu hủy quyết định giải quyết khiếu nại của bà, đồng thời cũng thể hiện rõ là bà khởi kiện và không đồng ý với việc chi cục thuế buộc bà phải nộp tiền sử dụng đất. Tòa sơ thẩm đã không xác định được đâu là yêu cầu khởi kiện của bà T., khiến tòa không xác định được trọng tâm, nội dung vụ án để giải quyết.

TAND TP.HCM chỉ dẫn: Nếu bà T. kiện quyết định của cơ quan thuế buộc bà nộp thuế thì tòa thụ lý, đồng thời xem xét luôn quyết định giải quyết khiếu nại. Còn trường hợp bà T. kiện quyết định giải quyết khiếu nại thì tòa không thụ lý vì đó không phải là đối tượng khiếu kiện; nếu đã lỡ thụ lý rồi thì phải đình chỉ vụ án.

KHẢI HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm