Như PLOđã thông tin, vào ngày 6-8, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Nghệ An cho biết, 8/17 cá thể hổ thu giữ tại nhà dân ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành (vào ngày 4-8) đã chết chưa rõ nguyên nhân.
Câu hỏi đặt ra là sẽ xử lý ra sao với các cá thể hổ còn sống và cả 8 con đã chết?
Trao đổi với PV, luật sư (LS) Lê Văn Thanh (Đoàn LS TP.HCM) cho biết: Theo Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) thì “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”.
“Như vậy, những con hổ trong trường hợp này được xác định là vật chứng trong vụ án”, LS Thanh nói.
Một con hổ trong số 17 cá thể hổ bị nuôi nhốt trái phép ở Nghệ An. Ảnh: Đắc Lam
Theo điểm d khoản 3 Điều 106 BLTTHS thì: “Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật”.
Ngoài ra, theo Điều 7 Nghị quyết số 05/2018 ngày 5-11-2018 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 234 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017 – BLHS) - tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và Điều 244 BLHS - tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm thì việc xử lý vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm được thực hiện như sau:
- Vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm còn sống thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành để trả về tự nhiên, giao cho trung tâm cứu hộ, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia hoặc giao cho cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
- Vật chứng là cá thể động vật chết hoặc sản phẩm động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc loại mau hỏng, khó bảo quản thì tiêu hủy hoặc giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
“Như vậy, đối với những con hổ còn sống thì sau khi có kết luận giám định sẽ giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành để trả về tự nhiên, giao cho trung tâm cứu hộ, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia hoặc giao cho cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
Còn đối với những hổ đã chết thì tiêu huỷ hoặc giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành để xử lý theo quy định của pháp luật”, LS Thanh nêu quan điểm.
Pháp Luật TP.HCM cũng đã có bài viết phân tích pháp lý đối với vụ nuôi nhốt hổ trái phép nêu trên. Theo đó, nếu số lượng hổ bị cá nhân nuôi nhốt trái phép trên 12 con sẽ rơi vào khoản 3 Điều 244 BLHS với mức phạt 10-15 năm tù. Trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt tiền đến 15 tỉ đồng.
Điểm khác dễ phân biệt của Điều 234 BLHS đó là điều luật này quy định đối với động vật thuộc nhóm IIB (thuộc chương các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế), còn Điều 244 BLHS quy định đối với động vật thuộc nhóm IB (thuộc chương các tội phạm về môi trường). Tội danh theo Điều 244 BLHS có khung hình phạt “nặng hơn” (tối đa là 15 năm tù) so với Điều 234 BLHS (tối đa là 12 năm tù).
Hổ là động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IB. Hổ thuộc lớp thú, bộ thú ăn thịt.