Xử phạt đến 1 triệu đồng nếu không phân loại rác sinh hoạt

(PLO)- Lộ trình của việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31-12-2024.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Video: Từ 25-8, bị phạt 1 triệu đồng nếu không phân loại rác sinh hoạt

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 45/2022 (chính thức có hiệu lực kể từ 25-8) về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực môi trường thay thế cho Nghị định 155/2016 và Nghị định 55/2021.

Nghị định mới này đã bổ sung thêm nhiều quy định mới liên quan đến xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường. Một trong số đó là quy định xử phạt liên quan đến hành vi không phân loại rác.

Cụ thể, theo khoản 1 Điều 26 Nghị định 45/2022, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân theo ba loại sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác.

Đây là quy định mới, còn quy định hiện hành không quy định xử phạt về hành vi này.

Ngoài ra, Nghị định 45/2022 cũng quy định xử phạt về nhiều hành vi khác như: Phạt tiền từ 100.000 - 150.000 đồng nếu vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

- Phạt tiền từ 150.000 - 250.000 đồng nếu vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

- Phạt tiền từ 500.000 - 01 triệu đồng nếu vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

- Phạt tiền từ 01 - 02 triệu đồng nếu vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố.

Đặc biệt đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng (ví dụ như rơm, rạ…) cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính sẽ bị phạt tiền từ 2,5-3 triệu đồng.

UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có chính sách khuyến khích việc phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân.

Khoản 7 của Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường quy định cụ thể: Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31-12-2024.

Điều này đồng nghĩa với việc kể từ ngày 25-8 (ngày Nghị định 45/2022 có hiệu lực) cho đến hết ngày 31-12-2024, tuỳ thuộc vào tình hình, đặc điểm của từng tỉnh, thành phố mà sẽ có lộ trình triển khai phù hợp trong thực hiện và áp dụng chế tài liên quan đến vấn đề phân loại rác tại nguồn.

Do đó, việc xử phạt về hành vi không phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở các địa phương cũng sẽ áp dụng để xử lý tại các thời điểm khác nhau.

Nghĩa là dù Nghị định 45/2022 có hiệu lực từ ngày 25-8 tới đây nhưng việc xử phạt cho hành vi không phân loại chất thải rắn sinh hoạt này chưa áp dụng thực hiện ngay cho tất cả mọi cá nhân, gia đình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm