Cây của mùa xuân

Ngày tết, vật không thể thiếu trong mỗi ngôi nhà là một bình hoa đẹp hoặc những cành lộc xanh. Cây cối - giống loài chiếm phần lớn không gian Trái đất, hiện diện trước khi con người có mặt - không chỉ cho nhân loại nơi trú ẩn, thực phẩm, công cụ lao động và chiến đấu, nhiên liệu, vật liệu, quần áo... mà còn trao tặng những ý niệm tinh thần sâu sắc.

Tính linh của sự khởi đầu và sinh sôi

Người nguyên thủy và người cổ đại mặc định mình là con cháu của cây cối. Những đại thụ và lùm cây được coi là nơi trú ngụ của đấng siêu nhiên hay các linh hồn. Ấn Độ, Ba Tư, Hy Lạp, La Mã, Ireland, khu vực Đông Nam Á… không thiếu những truyện tích kể về việc cây hóa thành người, người hóa thành cây hoặc tự hút vào cây. Vì đức tin đó, con người cổ xưa thực hành rất nhiều nghi lễ có liên quan tới thực vật.

Không có ngôi đền Hindu hoặc Phật giáo nào được hoàn thành mà không có một cây thiêng gần đó. Nơi nào có loài cây được thiêng hóa, nơi đó sẽ trở thành trung tâm sinh hoạt của cộng đồng.

Vì tính chất sinh sôi tự nhiên của giống loài, cây cối còn được con người trao nhiệm vụ bảo chứng cho lứa đôi kết hợp. Các nhà điền dã học đã lần theo dấu vết của những dân tộc cổ xưa, nơi mà hôn lễ vẫn còn được cử hành dưới tán đại thụ hoặc đôi nam nữ được hội đồng làng chọn lựa sẽ tiến hành giao hợp ngay trong rừng ở thời khắc đầu năm mới. Nhiều lễ hội quan trọng được tổ chức tại các khu rừng thiêng, nhất là lễ đón năm mới hay mùa mới. Cây cối, từ thuở ban sơ, đã tượng trưng cho sự linh thiêng, khả năng sinh sản và sự sung túc, thịnh vượng.

Để bày tỏ thành ý và mong muốn kết nối sâu sắc với tính linh của cây, con người từ cổ chí kim đã nghĩ ra nhiều hình thức như buộc vải/dây ước nguyện lên cây; đặt tiền, đồ vật trên/dưới gốc cây; thắp nến, thắp hương và dâng lễ vật cúng cây; tuyên thệ trước cây; sử dụng các bộ phận của cây làm bùa hộ mệnh...

Khi Nguyễn Du viết “Trông ra ngọn cỏ lá cây/ Thấy hiu hiu gió thì hay chị về” (Truyện Kiều), hoặc khi Nguyễn Đình Chiểu viết “Hoa cỏ ngùi ngùi ngóng gió Đông” (Xúc cảnh) thì tư duy sáng tạo của thi nhân đã hàm chứa quan niệm về tính linh của cây cối ở phương Đông.

Xuân về cắm một cành hoa

Không biết chính xác từ khi nào con người nghĩ ra việc đem cây từ không gian tự nhiên của nó về nhà trưng bày hoặc trang trí công phu vào mỗi độ xuân về. Chỉ biết rằng ở một số quốc gia phương Tây, người ta tin rằng cây thông, linh sam hoặc thường xuân có thể xua đuổi tà ma và phù thủy.

Từ thế kỷ 16, người Đức đã bắt đầu đưa cây thông vào nhà, còn xây kim tự tháp bằng gỗ, trang trí thêm dây thường xuân và nến cho lung linh, sinh động. Việc thêm nến (sau này là đèn) vào cây thông Noel được cho là bắt nguồn từ lần Martin Luther (1483-1546) - nhà thần học, nhà cải cách tôn giáo người Đức - trông thấy những ngôi sao sáng lấp lánh qua những tán cây trong khu rừng vào một đêm mùa đông tăm tối. Cảnh tượng tuyệt vời đó đã truyền cảm hứng cho ông mang một cây linh sam vào nhà và trang trí bằng nến để tỏ lòng biết ơn thiên nhiên.

Ở Bắc bán cầu, ngày ngắn nhất và đêm dài nhất trong năm rơi vào ngày 21 hoặc 22-12, được gọi là ngày đông chí. Nhiều tộc người cổ đại tin rằng mặt trời là một vị thần và mùa đông giá lạnh khiến thần ốm yếu. Những cành cây thường xuân tươi tốt giữa mùa đông chính là dấu hiệu của mùa xuân kề cận, thần mặt trời sẽ hồi phục mạnh mẽ và chẳng bao lâu nữa thì mùa xuân tưng bừng sẽ đến.

Người Pagan sử dụng các cành cây tươi trang trí nhà cửa trong ngày đông chí, vì chúng khiến họ nghĩ rằng mùa xuân sắp đến. Người La Mã cổ đại cũng trang trí cây linh sam đặt trong nhà vào năm mới. Vào lễ hạ chí, người Ai Cập phủ đầy nhà ở những cây cọ xanh, biểu tượng cho lòng sùng kính thần mặt trời Ra cũng như sự chiến thắng của sự sống trước cái chết.

Khi giá lạnh đi qua, cây cối hồi sinh và muôn hoa nở rộ. “Mùa xuân đã trở lại. Trái đất giống như đứa trẻ biết làm thơ” (Rainer Maria Rilke). Những bông hoa đẹp đẽ được tay người chọn đem về nhà, trang hoàng khắp các gian phòng chẳng những mang lại không khí rực rỡ, tinh khôi mà còn hàm chứa biết bao kỳ vọng và mong ước tốt đẹp cho năm mới.

Thủy tiên, anh thảo, diên vỹ, tulip, bạch dương... được con người gắn cho các phẩm chất tốt đẹp như đức tin, sự trung thực, lòng dũng cảm, lòng bao dung, lòng trắc ẩn, tính thẳng thắn và rõ ràng, khát vọng vươn lên. Tử đinh hương, hồng, đào... lại được đính kèm những câu chuyện tình yêu lãng mạn. Người Celt cổ đại tôn vinh hoa táo như biểu tượng của tình yêu, hòa bình và đời sống trường thọ. Hoa nở dịp xuân về là ẩn dụ về cách mà vạn vật tự đổi mới nhiều lần, ngay cả khi chúng ta phải đối mặt với khó khăn thì sau cùng cũng sẽ thu được trái ngọt quả lành.

Hoa nở rồi hoa tàn nhắc nhở con người sâu sắc về sự hữu hạn và vô thường của đời người “Thân như điện ảnh hữu hoàn vô/ Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô” (Thị đệ tử - Vạn Hạnh thiền sư). Ý thức được điều đó, người Nhật đã biến mùa hoa anh đào nở thành lễ hội:

Dưới cây lao xao

Chén canh đĩa cá

Đều vương hoa đào.

(Yosa Buson)

Bên cạnh các giá trị tinh thần, những lợi ích thực tế càng khiến cho thảo mộc được con người ấp yêu, nuôi dưỡng. Những bông hoa mùa xuân chính là endorphin (chất giảm đau, giảm căng thẳng) hữu hình. Hệ thực vật sống động này giúp tăng cường sức khỏe ở nhiều cấp độ khác nhau. Màu sắc tươi tắn của chúng làm dịu cơn mỏi mắt trước màn hình. Mùi hương của chúng kích hoạt những dây thần kinh gây hưng phấn cho não bộ. Vì đức tin và truyền thống, vì ý nghĩa ấm áp và an lành, vì sinh lực dồi dào và bền bỉ và vì vẻ tươi thắm, ngạt ngào hương thơm mà cây cối luôn có một vị trí đặc biệt mỗi dịp tết đến xuân về, dù ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Bởi lẽ “Cây cối là nỗ lực bất tận của mặt đất để nói với thiên đường đang lắng nghe” (Rabindranath Tagore).

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Trekking đi tìm món quà vô giá từ rừng

Trekking đi tìm món quà vô giá từ rừng

(PLO)- Trải nghiệm những chuyến xuyên rừng ngoạn mục, chinh phục những con dốc “ná thở” và tận hưởng hết hương vị của rừng, cảm giác đó chỉ có trekking mới mang lại được.
Khi dân Sài Gòn khoái ăn… sang

Khi dân Sài Gòn khoái ăn… sang

(PLO)- Một khi dân Sài Gòn đã khoái ăn sang thì phải “săn” cho ra những món không chỉ ngon mà còn lạ và chắc chắn không hề rẻ tiền.
Những chuyến tour đàn bà

Những chuyến tour đàn bà

(PLO)- Đã là năm thứ 5 tôi làm phototour, thường được bạn bè gọi vui là “những chuyến xe đàn bà”, được nhiều người biết đến.
Nhớ cầu sắt Đa Kao

Nhớ cầu sắt Đa Kao

(PLO)- Thoáng chốc Dũ nhớ má nay đã gần tuổi chín mươi với mái tóc bạc phơ, trắng như những cụm gòn má nhồi gối mới cho Dũ vào những ngày giáp tết thời tuổi nhỏ.
Mắt rừng

Mắt rừng

(PLO)- Đứng trước cảnh đường trung du hoang vắng, nhìn tấm bảng chỉ nơi chúng tôi cần đến: “Lâm trường Lâm Bình 30 km”; phía sau là con đường đất dốc cao vút rồi mất dạng giữa rừng cây xào xạc lá, tôi đâm lo lắng.
Ký sự một năm du lịch trong biên giới

Ký sự một năm du lịch trong biên giới

(PLO)- Việc đầu tư vào du lịch nội địa, tập trung vào dịch vụ nghỉ dưỡng và thưởng thức văn hóa địa phương đã và sẽ là giải pháp tối ưu trong thời điểm dịch bệnh toàn cầu chưa kết thúc.