Xuất hiện đế chế bán lẻ mới của tỉ phú Việt

Thương vụ lớn giữa Tập đoàn Masan và Tập đoàn Vingroup đánh dấu sự hợp tác giữa hai tỉ phú USD của Việt Nam, một ông trùm về bán lẻ và người kia là gã khổng lồ trong ngành hàng tiêu dùng. Nhiều chuyên gia nhận định cái bắt tay này đã tạo nên một đế chế bán lẻ Việt đủ khả năng đối chọi với bất kỳ đại gia ngoại nào.

Thương vụ “bom tấn”

Tại một cuộc hội thảo vào cuối tháng 11 vừa qua, ông Nguyễn Anh Nguyên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Masan, nhận định các doanh nghiệp (DN) Việt đang chịu sự tấn công từ các làn sóng bán lẻ trực tuyến thế giới như Alibaba hay Amazon vào thị trường Việt. Masan nhìn thấy viễn cảnh trong vài ba năm nữa, DN Việt vẫn có thể sản xuất, xây dựng được thương hiệu nhưng không thể bán hàng tại các siêu thị ngoại. Để có thể tồn tại chỉ có cách bắt tay với đối tác lớn nội địa để làm đối trọng với đối thủ ngoại lắm tiền nhiều của.

Những tính toán của ông Nguyên đã thành hiện thực khi Masan vừa chính thức bắt tay với Vingroup để hình thành nên một đế chế bán lẻ mới có đủ khả năng làm thay đổi thị trường bán lẻ Việt Nam. Theo đó, Vingroup sẽ chuyển giao toàn bộ việc điều hành Công ty VinCommerce gồm chuỗi siêu thị VinMart, chuỗi cửa hàng VinMart+, VinEco sang cho Masan sau năm năm xây dựng. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, nhấn mạnh ngay từ ban đầu, Vingroup chỉ chọn DN Việt nhằm giữ thị trường bán lẻ cho người Việt, đảm bảo sân chơi công bằng cho các nhà sản xuất trong nước. Yếu tố quan trọng thứ hai là DN được chọn phải có năng lực và nền tảng tốt để tiếp quản và phát triển VinCommerce và VinEco lên một tầm cao mới.

“Chúng tôi đã thực hiện được sứ mệnh xây dựng hệ thống bán lẻ quy mô số một thị trường, đối trọng sòng phẳng với DN nước ngoài. Thông qua kênh phân phối của mình đã hỗ trợ được nhiều nhà sản xuất nội cùng phát triển. Giờ đây Vingroup có thể tự tin bàn giao lại hai hệ thống này cho một DN Việt xứng tầm, có năng lực cốt lõi phù hợp để tiếp tục phát triển hệ thống này một cách vững mạnh hơn nữa. Sau sáp nhập, Việt Nam sẽ có thêm một DN tầm cỡ khu vực trong lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng, góp phần thêm sức mạnh và vị thế cho nền kinh tế” - ông Quang nhấn mạnh.

Đại diện Vingroup cũng cho rằng thương vụ này giúp tập đoàn có thể giải phóng nguồn lực cho hệ thống từ lãnh đạo đến quản trị để tập trung hết sức cho mảng công nghệ và công nghiệp.

Trước thời điểm chuyển giao, Vingroup sở hữu hơn 100 siêu thị và hơn 1.900 cửa hàng tiện lợi VinMart, VinMart+. Ảnh: TL 

“Vẽ lại” thị trường bán lẻ

Nhiều ý kiến cho rằng sau thương vụ khủng này, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ phát triển tích cực. Bởi công ty mới được thành lập sau sáp nhập có quy mô hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart và VinMart + tại 50 tỉnh, thành; hàng triệu khách hàng cùng hệ thống 14 nông trường công nghệ cao VinEco. Bên cạnh đó lại được cộng hưởng lợi thế từ hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất tiêu dùng từ Masan nên sẽ phát triển mạnh mẽ.

Đặc biệt Vingroup và Masan có thể thực hiện được sứ mệnh là một đế chế bán lẻ hùng mạnh vì Masan hiện đang chiếm 66% thị phần nước mắm, 67% thị phần nước tương và 71% thị phần tương ớt. Chưa kể hai đơn vị này đang có cùng một đối tác Hàn Quốc là tập đoàn SK rót vốn đầu tư, với Vingroup là 1 tỉ USD và Masan là 470 triệu USD.

Chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến cho rằng chiến trường bán lẻ rất khốc liệt vì đòi hỏi số lượng cửa hàng lớn để có lợi thế thương mại. Từ đó tạo ra quy mô lớn, tăng khả năng thương lượng với nhà cung cấp cũng như biên lợi nhuận gộp.

“Am hiểu tập quán kinh doanh, chưa kể các bên Vingroup và Masan đều có lợi thế về tài chính, mối quan hệ, nguồn hàng, hệ thống sản xuất, uy tín thương hiệu…Với những cộng hưởng này, cả hai bên đủ sức tạo ra sức mạnh đủ năng lực cạnh tranh đối thủ ngoại để thống trị thị trường bán lẻ Việt Nam. Ngoài ra, tôi còn nhìn thấy lợi ích khác, đó là các DN Việt sẽ hưởng lợi rất lớn khi sẽ có kệ hàng ổn định và vững chắc trong hệ thống siêu thị này mà không lo bị đánh bật ra khỏi các kệ hàng của siêu thị nước ngoài” - ông Chiến nói.

Ông Nguyễn Anh Nguyên cũng nhấn mạnh không đủ lực về hệ thống phân phối sẽ mất lợi thế. Cuộc chơi trên thị trường phân phối có thể khốc liệt hơn và nếu không kiểm soát được kênh phân phối đồng nghĩa với mất lợi thế ngay trên sân nhà trước đối thủ ngoại. Điều đó rất nguy hiểm. Bài học thời sự nóng hổi chính là việc nhiều DN may Việt Nam đã bị Big C “đuổi khéo” ra khỏi hệ thống phân phối của họ.

Không chỉ vậy, ông Phạm Trung Lâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Masan MEATLife (MML, thành viên của Tập đoàn Masan), một đơn vị sản xuất thịt mát, nói sau vụ sáp nhập: “Chỉ sau một đêm, hệ thống phân phối của chúng tôi đã lớn lên rất nhiều”. Điều này có nghĩa VinMart có thể là mảnh ghép quan trọng cho tham vọng trở thành đế chế trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ của tập đoàn này.

Bên cạnh đó, sở hữu một hệ thống lớn như VinMart sẽ giúp Masan tối ưu được kênh phân phối, giảm tỉ lệ chi phí trung gian tới tay người tiêu dùng. Trước mắt, với bệ đỡ hệ thống phân phối mới, Masan đang kỳ vọng thắng lớn với mảng thịt mát, qua đó thâu tóm thị trường thịt 10 tỉ USD.

Hấp dẫn nhưng rất khốc liệt

Trong năm 2019, thị trường bán lẻ Việt đã nhìn thấy những cuộc đột phá lẫn cú rơi rụng của những DN Việt lẫn ngoại. Rúng động nhất là sự kiện chuỗi siêu thị Auchan, một tên tuổi lớn và lâu đời của nước Pháp nhưng lại không thể cạnh tranh và đầu hàng trên thị trường Việt Nam. Sau đó Saigon Co.op đã mua lại hệ thống bán lẻ này. Trước đó hệ thống bán lẻ Fivimart và Shop&Go quyết định bán mình cho Vingroup vì thua lỗ nặng nề.

Công ty chứng khoán MBS nhận định rằng ngành bán lẻ tại Việt Nam là một cơ hội đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài cả về đầu tư tài chính hoặc đầu tư để kinh doanh. Nguyên nhân, Việt Nam được hưởng lợi bởi những yếu tố lợi thế từ cơ cấu dân số vàng, sự tăng trưởng nhanh của tầng lớp trung lưu, tỉ lệ đô thị hóa cao... Những lợi thế này giúp cho ngành bán lẻ có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ hơn 10%/năm. Tuy nhiên, MBS cũng cho rằng bán lẻ là cuộc chơi đầy hấp lực nhưng tính rủi ro luôn thường trực. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới