Theo đó, phiên giao dịch ngày 3-12, cổ phiếu Masan mất 7% giá trị, tương đương gần 5.000 đồng ngay sau khi Masan và Vingroup cùng công bố chuyển giao quyền mảng bán lẻ và nông nghiệp của Vingroup cho Masan vào cùng ngày. Điều này khiến ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan mất ngay 1.200 tỉ đồng.
Theo các chuyên gia đây là phản ứng tiêu cực của thị trường khi nhìn nhận mức độ rủi ro tạm thời của Masan ngay khi nhận một lĩnh vực có giá trị rất lớn nhưng đầy sức ép cạnh tranh trên thương trường.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng Masan sẽ hưởng lợi rất lớn từ hệ thống phân phối Vinmart mà Vingroup đã kỳ công xây dựng nhiều năm qua. Ngoài việc đưa những sản phẩm có sẵn của mình vào đây thì Masan đang kỳ vọng thắng lớn với mảng thịt mát, qua đó thâu tóm thị trường thịt 10 tỉ USD.
Ngược lại, Vingroup rõ ràng ràng rất tâm huyết xây dựng thương hiệu xe hơi Việt Nam, khi chấp nhận rời bỏ các lĩnh vực hái ra tiền để tập trung nguồn lực đầu tư cho mảng xe hơi và công nghệ.
Hôm nay, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan đã thỏa thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco.
Theo nội dung thỏa thuận, Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce của Vingroup (bán lẻ), Công ty VinEco (nông nghiệp), Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding (tiêu dùng) sẽ sáp nhập để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Cụ thể Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của Công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.
Công ty mới sẽ sở hữu mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart + tại 50 tỉnh thành với hàng triệu khách hàng; hệ thống 14 nông trường công nghệ cao VinEco cùng nguồn lực và 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất tiêu dùng từ Masan.