Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tiếp tục thông tin thêm về vụ việc xử lý vi phạm đối với thương hiệu thời trang SEVEN.AM.
Theo đó, ngày 30-11 vừa qua, Tổng cục QLTT chính thức thông tin về kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm đối với thương hiệu thời trang này. Sau khi công bố, có một số thông tin cho rằng có dấu hiệu "bảo kê" của Tổng cục QLTT đối với Công ty cổ phần MHA hay chưa xử lý đúng bản chất sự việc.
Về việc này, Tổng cục QLTT thông tin tiếp như sau:
Thứ nhất, như kết luận xử lý vi phạm đối với Công ty cồ phần MHA, Công ty TNHH thời trang quốc tế Thư Kỳ, mức xử lý vi phạm hành chính là 170 triệu đồng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết luận những vi phạm ban đầu. Tổng cục QLTT đang tiếp tục giám sát, kiểm tra đối với hoạt động của Công ty cổ phần MHA, Công ty TNHH thời trang quốc tế Bảo Anh và các đơn vị có liên quan để làm rõ theo phản ánh của báo chí.
Thứ hai, theo kết quả xác minh, ông Nguyễn Vũ Hải Anh không phải là cổ đông, không chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với Công ty cổ phần MHA và Công ty TNHH thời trang quốc tế Bảo Anh.
Thứ ba, về việc ông Hải Anh không còn liên quan cũng được ông Đặng Quốc Anh - Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần MHA, xác nhận.
Về những nội dung mà một số thông tin và chuyên gia đặt nghi vấn về việc Tổng cục QLTT “bảo kê” cho Công ty cổ phần MHA, Tổng cục QLTT xin khẳng định, lực lượng QLTT không bảo kê, bao che cho các sai phạm. Sự việc vẫn tiếp tục được xác minh, làm rõ và sẽ được xử lý đúng theo quy định của pháp luật.
Công văn ông Đặng Quốc Anh gửi Cục Quản lý thị trường Hà Nội.
Như tin đã đưa, ngày 30-11, Tổng cục QLTT thông tin kết quả việc xác minh, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với thương hiệu thời trang SEVEN.AM của Công ty cổ phần MHA và Công ty TNHH thời trang quốc tế Thư Kỳ .
Theo đó, Đội QLTT số 14 thuộc Cục QLTT TP Hà Nội tiến hành kiểm tra năm điểm kinh doanh quần áo SEVEN.AM tại Hà Nội. Kết quả xác minh cho thấy Công ty cổ phần MHA đã có hàng loạt vi phạm. Trong đó, công ty này sản xuất, kinh doanh hàng hóa (váy, quần áo, túi, ví) có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định; kinh doanh hàng hóa có nhãn bị sửa chữa làm sai lệch thông tin về hàng hóa theo quy định (năm sản xuất của mặt hàng túi, ví)...
Đối với Công ty TNHH thời trang quốc tế Thư Kỳ, công ty này kinh doanh hàng hóa có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa; kinh doanh hàng hóa có nhãn bị sửa chữa làm sai lệch thông tin về hàng hóa theo quy định (năm sản xuất của mặt hàng túi, ví)...
Cũng theo Tổng cục QLTT, qua kiểm tra chưa phát hiện có dấu hiệu mua hàng dệt may của nước ngoài về để gắn nhãn hiệu và ghi nhãn theo phản ánh. Tổng cục QLTT đang tiếp tục giám sát, kiểm tra đối với hoạt động của Công ty cổ phần MHA, Công ty TNHH thời trang quốc tế Bảo Anh và các đơn vị có liên quan để làm rõ.
Tổng cục QLTT khuyến cáo các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp bán lẻ các mặt hàng thời trang, dệt may cần tuân thủ quy định pháp luật về nhãn hàng hóa, xuất xứ hàng hóa cũng như chất lượng hàng hóa. Trong thời gian tới, tổng cục sẽ tăng cường kiểm tra các công ty, cửa hàng bán lẻ các mặt hàng này để chống các hành vi gian lận thương mại và bảo vệ người tiêu dùng.