Ngày 3-12, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan đã thỏa thuận việc sáp nhập Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce và Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sản xuất Nông nghiệp VinEco vào Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan.
Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce là thành viên của Tập đoàn Vingroup, sở hữu hệ thống siêu thị VinMart, cửa hàng tiện lợi VinMart+. Trong đó, VinEco là đơn vị chuyên đầu tư mảng nông nghiệp của Vingroup.
Theo nội dung thỏa thuận, VinCommerce, VinEco và Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan sẽ sáp nhập để thành lập tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ. Cụ thể Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của Công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.
Trong thông báo gửi nhân viên sáng cùng ngày, Vingroup cho biết tỉ lệ sở hữu trong công ty mới của họ không còn là đa số. Hoạt động này theo Vingroup là nằm trong chiến lược tập trung vào mảng công nghệ và công nghiệp.
Sau khi tiếp quản, Masan Consumer sẽ vẫn giữ nguyên hệ thống quản trị hiện tại của VinCommerce cũng như các chính sách với nhà cung cấp, khách hàng. Nhân viên của VinMart & VinMart+ sẽ được kế thừa các quyền lợi có sẵn từ Vingroup và hưởng thêm các chế độ đãi ngộ từ Masan.
Theo Vingroup, thỏa thuận nhằm tối ưu hóa thế mạnh hoạt động của mỗi bên, đồng thời tạo nên một tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ mới có sức cạnh tranh vượt trội và quy mô hàng đầu Việt Nam. Hai bên đang tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để ký hợp đồng chính thức.
Công ty mới sẽ sở hữu mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart + tại 50 tỉnh thành, hệ thống 14 nông trường công nghệ cao VinEco cùng nguồn lực và 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất tiêu dùng từ Masan.
Hiện VinMart và VinMart+ đã trở thành hệ thống bán lẻ có quy mô lớn nhất Việt Nam và với tốc độ phát triển nhanh với mức tăng trưởng doanh thu trung bình 80%-100% mỗi năm. Thời gian qua, VinCommerce liên tục mở rộng sự hiện diện thông qua việc tăng số lượng cửa hàng, cũng như mua lại các siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện lợi.
Sau khi tiếp quản, Masan Consumer Holding sẽ vẫn giữ nguyên hệ thống quản trị hiện tại của VinCommerce cũng như các chính sách đối với Nhà cung cấp. Toàn bộ khách hàng của VinCommerce cũng sẽ tiếp tục được hưởng các ưu đãi của Vingroup, đặc biệt là các chính sách đặc quyền thẻ VinID dành cho khách hàng. Các cán bộ nhân viên của VinMart & VinMart+ sẽ được tiếp tục kế thừa các quyền lợi có sẵn từ Vingroup và hưởng thêm các chế độ đãi ngộ từ Masan.
Ông Trương Công Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan cho biết Tập đoàn Vingroup đã hoàn thành sứ mệnh kiến tạo một hệ thống bán lẻ và nông nghiệp sạch hiệu quả hàng đầu Việt Nam. Giờ đây, Massan sẽ nhận tiếp tục sứ mệnh phụng sự người tiêu dùng, đảm bảo sân chơi bán lẻ công bằng cho các nhà sản xuất Việt.
Đồng thời, sự gia nhập của VinCommerce và VinEco không chỉ cộng hưởng và nâng cao giá trị cho năng lực cốt lõi của Masan mà còn giúp chúng tôi nhanh chóng đạt được mục tiêu trở thành Tập đoàn hàng Tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu trong nước, hướng tới vươn ra thế giới”.
Chia sẻ với báo chí, đại diện Vingroup cho biết Masan là doanh nghiệp nội chứ không hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài để cân bằng thị trường bán lẻ trong nước. Trước đó, dù SK của Hàn Quốc muốn rót 1 tỉ USD vào VinCommerce nhưng Công ty cổ phần Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM (công ty mẹ của VinCommerce) vẫn quyết định bắt tay với Masan.
Được biết VinCommerce hiện có vốn điều lệ 6.436 tỉ đồng, sở hữu chuỗi Vinmart và Vinmart+. Trong khi VinEco vốn điều lệ 2.000 tỉ đồng, là công ty nông nghiệp áp dụng công nghệ vào sản xuất với sở hữu 15 nông trường trên cả nước.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan có vốn điều lệ 7.229 tỉ đồng, là một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong hệ sinh thái doanh nghiệp của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang. Doanh nghiệp này cũng sở hữu mạng lưới bán lẻ với 180.000 điểm bán lẻ sản phẩm thực phẩm và 160.000 điểm bán lẻ sản phẩm đồ uống.