Xung đột Nga-Ukraine thay đổi tư duy về ưu thế trên không ra sao?

(PLO)- Tham mưu trưởng Không quân Mỹ David Allvin nhận định xung đột Nga-Ukraine cho thấy các quốc gia khó có thể duy trì ưu thế trên không trong thời gian dài, do đó cần phải đồng bộ hóa các khả năng khác nhau như tác chiến điện tử, hoạt động mạng và các hiệu ứng động lực khác.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trang Business Insider dẫn lời Tướng David Allvin - Tham mưu trưởng Không quân Mỹ rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine nhấn mạnh giá trị của ưu thế trên không, nhưng cũng đặt ra nhu cầu cấp bách trong việc định vị lại tư duy về khái niệm này.

Theo Không quân Mỹ, đối với các hoạt động trên không, ưu thế trên không có nghĩa là “lực lượng đối phương không có khả năng can thiệp hiệu quả” và quân đội có thể tiến hành các hoạt động mà không có "sự can thiệp nghiêm trọng" đáng kể từ các mối đe dọa trên không và tên lửa.

Tướng Allvin nói rằng xung đột Nga-Ukraine, đặc biệt là các trận giao tranh ác liệt trên không phận, trong hơn 2 năm qua đã chứng tỏ giá trị của ưu thế trên không. Tuy nhiên, ông Allvin lưu ý rằng cần phải suy nghĩ lại về ưu thế trên không vì ưu thế này chỉ có thể tồn tại một thời gian ngắn trong các cuộc xung đột hiện đại.

Xung đột Nga-Ukraine thay đổi tư duy về ưu thế trên không
Máy bay chiến đấu phản lực Sukhoi Su-35 của Nga bắn tên lửa trong một cuộc thi đấu hồi năm 2021. Ảnh: REUTERS

Sau hơn hai năm xung đột, cả Nga và Ukraine đều không đạt được ưu thế trên không. Trong khi Ukraine không có nhiều cơ hội để đạt được ưu thế trên không do sự bất đối xứng với Nga về năng lực phòng không, thì việc Nga không làm được điều đó ngay từ đầu cuộc chiến đã khiến nhiều nhà quan sát ngạc nhiên.

Theo báo cáo tình báo phương Tây, Nga được kỳ vọng sẽ đạt được ưu thế trên không trong những ngày đầu của cuộc xung đột, nhưng một loạt sai lầm và rủi ro trong hoạt động đã ngăn cản điều đó xảy ra.

Trên thực tế, Nga có thể chứng minh họ có thể vượt qua Ukraine trên bầu trời vì sự chênh lệch về quy mô lực lượng, hiệu suất tên lửa và radar, cũng như khả năng kỹ thuật và điện tử. Thế nhưng hệ thống tên lửa đất đối không của cả Moscow và Kiev đã khiến không chiến liên tục leo thang.

Khi được hỏi về những bài học mà quân đội Mỹ có thể rút ra từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, ông Allvin nhấn mạnh Mỹ cần nhận ra rằng quân đội nước này không thể tận hưởng "ưu thế trên không ở khắp mọi nơi trong nhiều ngày và nhiều tuần liên tục” nếu tiếp tục khái niệm hóa ý tưởng về ưu thế trên không.

“Ưu thế trên không vẫn còn quan trọng. Tuy nhiên nó có thể chỉ diễn ra trong thời gian ngắn hơn vì không thể duy trì được điều đó trong thời gian dài” - ông Allvin nói.

Về giả định Mỹ sẽ hoạt động như thế nào nếu chiến đấu mà không có ưu thế trên không, Tướng Allvin cho biết có thể cần phải đồng bộ hóa các khả năng khác nhau như tác chiến điện tử, hoạt động mạng và các hiệu ứng động lực khác.

Không phải lúc nào kẻ thù cũng tìm cách ngăn chặn ưu thế trên không, mà họ sẽ nỗ lực phản ứng với bất kỳ khả năng nào được đưa ra. Nếu các khả năng được đồng bộ hóa một cách hiệu quả cho một mục đích cụ thể "thì bạn sẽ có ưu thế trên không trong khoảng thời gian đó", theo ông Allvin.

“Nhưng nó cần phải được tích hợp với một sơ đồ cơ động chung, nếu không thì đó chỉ là ưu thế trên không cho vui” - ông Allvin nói, nhấn mạnh rằng nếu phương pháp này được thực hiện trong thời gian ngắn thì lực lượng không quân có thể hoạt động “rất hiệu quả” trong khoảng thời gian đó.

Ông Allvin đưa ra bình luận trên trong bối cảnh Mỹ tiếp tục tiến hành các hoạt động không quân trên khắp Trung Đông, bao gồm thực hiện các cuộc tấn công trả đũa nhằm vào các lực lượng được Iran hậu thuẫn ở Iraq, Syria và Yemen.

Lầu Năm Góc thực hiện những đợt tấn công này mà không bị gián đoạn hoặc can thiệp. Điều đó có thể không xảy ra trong trường hợp Mỹ và một cường quốc khác có giao tranh với nhau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm