Hệ lụy từ việc phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine là Nga phải hứng hàng loạt lệnh trừng phạt khắc nghiệt chưa từng có từ phương Tây. Từ thời điểm đó, nhiều chuyên gia về ngành nông nghiệp cảnh báo về tình trạng thiếu lương thực, nguy cơ xảy ra khủng hoảng lương thực toàn cầu liên quan tới xung đột Nga - Ukraine và chuyện phương Tây trừng phạt Nga, càng gần đây nguy cơ này càng báo động, theo hãng tin Reuters.
Nếu không giải quyết được vấn đề phân bón và việc buôn bán phân bón không tiếp tục thì chúng ta sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng về nguồn cung (lương thực) trong năm tới.
Ông Maximo Torero,
nhà kinh tế trưởng của Tổ chức
Lương thực và Nông nghiệp LHQ
Cú đánh “đúp” với lương thực toàn cầu
Nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu được các đại diện Mỹ, Pháp và cả Nga đề cập tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 29-3, theo hãng tin AFP. Trước đó, họp với NATO tại Bỉ ngày 25-3, Tổng thống Joe Biden cũng thừa nhận “tình trạng thiếu lương thực sẽ trở thành hiện thực”.
Theo Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) David Beasley, Nga và Ukraine là những nước sản xuất ngũ cốc lớn, chiếm khoảng 30% xuất khẩu lúa mì, 20% xuất khẩu ngô và 75% xuất khẩu dầu hướng dương toàn cầu. Các chuyến hàng ngũ cốc qua Biển Đen đã bị gián đoạn. Việc giao hàng bị đình trệ từ Nga và Ukraine đã góp phần thúc đẩy lạm phát lương thực toàn cầu tăng phi mã. Giữa tháng 3, Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo rằng một số nước đang phát triển phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung lúa mì ít nhất trong thời gian ngắn do phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của Ukraine.
Chưa hết, theo Reuters, giá phân bón cao ngất trời khiến nông dân khắp thế giới phải thu hẹp sản xuất. Giá phân bón toàn cầu vốn đã ở mức cao trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24-2, do giá khí đốt và giá than cao kỷ lục buộc một số nhà sản xuất phân bón phải cắt giảm sản lượng. Giờ giá càng cao hơn khi Nga là nhà xuất khẩu lớn các loại phân bón chủ lực, như kali (40% cộng với Belarus), ammoniac (22%), urê (14%) và các chất dinh dưỡng khác của đất, vốn rất quan trọng với các cánh đồng ngô, đậu nành, gạo và lúa mì, mà trừng phạt của phương Tây đã làm gián đoạn việc chuyên chở phân phối các mặt hàng này trên toàn cầu. Nhiều ngân hàng và thương nhân phương Tây đang loại dần nguồn cung từ Nga vì sợ vi phạm lệnh trừng phạt, trong khi các hãng tàu đang tránh khu vực Biển Đen do lo ngại về an toàn.
Dù xung đột chưa yên nhưng nông dân Serhiy Ivaschuk ở vùng Khmelnytskyi cách Kiev 350 km về phía nam (Ukraine) vẫn đưa máy kéo ra đồng cày xới đất chuẩn bị cho mùa vụ năm nay. Ảnh: CHRIS MCCULLOUGH |
Từ đầu tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng các hình phạt của phương Tây có thể khiến giá lương thực toàn cầu tăng vọt, vì Nga là một trong những nhà sản xuất phân bón chính của thế giới. Theo ông Putin, “nếu họ tiếp tục tạo ra các vấn đề về tài chính và hậu cần cho việc vận chuyển hàng hóa (phân bón) của chúng tôi thì giá cả sẽ tăng lên và điều này sẽ ảnh hưởng đến sản phẩm cuối cùng, các sản phẩm thực phẩm”.
Tại Mỹ, giá phân bón dự kiến sẽ tăng 12% trong năm nay, sau khi đã tăng 17% trong năm 2021, theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Nông dân Mike Berry cho biết gần đây ông đã phải trả 680 USD/tấn cho nitơ lỏng để bón cho ngô, một mức giá “cắt cổ” mà ông nói là cao hơn 232% so với giá năm ngoái.
Nguy cơ mất an ninh lương thực
Theo ông Maximo Torero, nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ, xét về một số khía cạnh thì cuộc khủng hoảng phân bón đáng lo ngại hơn vì nó có thể kìm hãm sản xuất lương thực. Ông Tony Will, Giám đốc điều hành công ty phân bón CF Industries Holdings (nhà sản xuất phân đạm hàng đầu ở Mỹ), cho biết sản xuất gặp nhiều rủi ro nhất ở các nước đang phát triển, nơi nông dân có ít nguồn tài chính hơn để chống chọi với bão giá.
Nông dân đang tính đủ cách ứng phó. Số tính chuyển sang trồng các loại cây cần ít chất dinh dưỡng hơn. Số định thu bớt diện tích trồng. Số nói sẽ rải ít phân bón hơn, dù theo chuyên gia về trồng trọt thì điều này sẽ ảnh hưởng đến năng suất.
Tại Mỹ, nông dân Berry cho biết ông có kế hoạch cắt bớt diện tích trồng ngô và cũng sẽ giảm lượng nitơ lỏng bón cây khoảng 30%, dù điều này có thể làm giảm năng suất của ông xuống 25%. Tại Canada, có hiện tượng nông dân dự trữ phân bón cho cả mùa vụ năm 2023 vì dự đoán phân bón sẽ còn khan hiếm và giá sẽ còn tăng.
Brazil là cường quốc nông nghiệp và là nước xuất khẩu đậu nành lớn nhất thế giới, phụ thuộc rất nhiều vào phân bón nhập khẩu như kali, vốn chiếm 38% trong số các chất dinh dưỡng cây trồng mà nước này sử dụng trong năm ngoái, mà Nga và Belarus cung cấp một nửa số đó. Giờ thiếu phân bón, nông dân Brazil phải giảm diện tích trồng. Các nhà lập pháp từ các bang nông nghiệp của Brazil còn tính ra luật mở các vùng đất bản địa ở Amazon để khai thác kali.
Tại Zimbabwe và Kenya, các nông dân canh tác diện tích nhỏ đang quay lại sử dụng phân hữu cơ xử lý thủ công để bón cho cây trồng. Giữa tháng 3, Peru đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong lĩnh vực nông nghiệp vì lo ngại mất an ninh lương thực. Sắc lệnh khẩn cấp cho biết diện tích trồng trọt của quốc gia này đã giảm 0,2% kể từ tháng 8-2021 do giá phân bón tăng.
Trang tin worker.org dẫn lời cảnh báo của bà Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới, rằng nạn đói và bạo loạn lương thực khả năng sẽ xảy ra ở các nước nghèo. Bà giải thích rằng an ninh lương thực 35 nước châu Phi phụ thuộc vào nhập khẩu từ khu vực Biển Đen và điều này đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Trong khi đó, trợ lý Tổng thư ký LHQ về các vấn đề nhân đạo Joyce Msuya cảnh báo rằng xung đột ở Ukraine có nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ hơn cả các cuộc khủng hoảng nhân đạo thuộc hàng lớn nhất thế giới, như ở Afghanistan, Yemen và ở vùng Sừng châu Phi - nơi tình trạng mất an ninh lương thực lâu nay đã là một vấn đề.•
Châu Á cũng đang gặp khó khăn
Ấn Độ - nước có ngành nông nghiệp quy mô lớn đang dần chuyển hướng sang Canada và Israel để thay thế nguồn cung từ Nga.
Trong khi đó, Thái Lan đang phải chịu áp lực duy trì các vụ lúa. Theo số liệu của chính phủ Thái Lan, phân bón nhập từ Nga và Belarus chiếm khoảng 12% lượng phân bón nước này nhập năm ngoái. Bên cạnh đó, chính sách kiểm soát giá phân bón trong nước đang ép các nhà nhập khẩu Thái Lan phải kiềm chế nhập từ nước ngoài với giá cao, theo ông Plengsakdi Prakaspesat, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón và vật tư nông nghiệp Thái Lan.
Năm ngoái, Trung Quốc đã áp đặt hạn chế xuất khẩu phân bón để bảo vệ nông dân khi giá toàn cầu tăng cao do nhu cầu mạnh và giá năng lượng cao.