Ý dân về xây dựng luật đặc khu

Mới đây, Quốc hội đã biểu quyết điều chỉnh thời gian xem xét, thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (gọi tắt là luật đặc khu) Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, đến tháng 10 năm nay.

Việc hình thành ba đặc khu trên được người dân cả nước đặc biệt quan tâm và có nhiều phản ứng trái chiều. Nhiều góp ý tích cực của người dân đã được đưa ra nhằm định hướng, xây dựng những đặc khu này một cách thành công, hợp lòng dân.

Công khai và minh bạch

Việc đưa ra rồi phải lùi ngày nhấn nút quyết định cho luật đặc khu được bạn đọc đánh giá là bài học về sự chuẩn bị thiếu chu đáo của ban soạn thảo.

“Có thể vì không lường hết những yếu tố bất lợi của một dự thảo quan trọng như vậy. Chỉ khi các ĐBQH chỉ ra những vấn đề này mới... giật mình”, một bạn đọc góp ý.

Quốc hội đã thống nhất tạm lùi thời gian thông qua luật đặc khu

“Thận trọng và giải thích cho người dân hiểu nếu thành lập đặc khu thì có lợi ích gì, như vậy dân mới ủng hộ được”; “Muốn có sự ủng hộ hoặc kêu gọi phản biện để hoàn thiện luật thì trước hết phải để dân hiểu rõ, nếu không rất dễ vấp phải sự phản ứng”; “Làm gì thì làm cũng phải lấy dân làm gốc. Phải công khai, minh bạch và trưng cầu dân ý một cách thực chất”… là những nhận xét xác đáng của nhiều độc giả.

Vị trí đặt đặc khu là vấn đề sống còn

Rất nhiều ý kiến cho rằng cùng một lúc thực hiện xây dựng ba đặc khu ở ba địa phương có vị trí trọng yếu của đất nước là mạo hiểm, đặc biệt trong bối cảnh nước ta chưa từng có kinh nghiệm trong việc này.

Người dân nhắn nhủ: “Mong Quốc hội xem xét hết sức thận trọng, nhất là các vị trí cho mở đặc khu. Tại sao tiến hành cùng lúc ba nơi, hãy thí điểm trước một nơi đã”.

“Vị trí đặc khu, tiến hành thứ tự ra sao cần tiếp thu ý kiến của nhân dân, đặc biệt là các chuyên gia quân sự, kinh tế trong nước và cả nước ngoài để có một chính sách đúng đắn và phù hợp nhất”, nhiều bạn đọc góp ý.

Một góc Bắc Vân Phong (Khánh Hòa)

Đặc biệt là “nên làm từng nơi một thôi, đúng sai hay dở mới biết được mà rút ra bài học. Không có tiền lệ mà làm một lần ba khu lỡ có sai sót làm sao khắc phục?”.

Một số ý kiến cho rằng nên thí điểm ở Vân Đồn trước, sau 15-20 năm xem thực tế mô hình đặc khu có thực sự mang lại hiệu quả không rồi quyết định tiếp cũng chưa muộn.

“Trước tiên hãy làm từng cái, mời gọi nhà đầu tư uy tín, thời hạn thuê đất cần ngắn lại. Không thể là 70 năm bởi chừng đó thời gian sẽ có bao nhiêu thế hệ sinh sống và hệ lụy? Và điểm mấu chốt hơn cả là phải liên tục giám sát mọi hoạt động kinh doanh của tất cả thành phần kinh doanh trong khu đó”, là góp ý chân thành từ một độc giả.

Thiết lập pháp chế chặt chẽ

Huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) tuyệt đẹp nhìn từ trên cao

Theo một số ý kiến, đặc khu cho thuê bao nhiêu năm không quan trọng bằng vấn đề quản lý, giám sát, kiểm tra các cam kết của nhà đầu tư. Ví dụ phải đặt các điều kiện ràng buộc chặt chẽ. “Cần phải có chế tài cụ thể thì mới có thể hướng các nhà đầu tư đi đúng hướng”, một bạn đọc nói. Đơn cử như nếu trong 3-5 năm mà nhà đầu tư không thực hiện đúng, có dấu hiệu vi phạm thì lập tức thu hồi, thậm chí là phạt vì vi phạm cam kết.

Bên cạnh đó, các vị lãnh đạo cũng phải cam kết thực hiện công tác giám sát của mình, nếu để nhà đầu tư lợi dụng, biến tướng thì phải chịu xử lý.

“Đặc khu là cần thiết để phát triển nền kinh tế trong hội nhập. Tuy nhiên, cái cần là những điều luật, ràng buộc pháp lý rõ ràng thì người dân sẽ ủng hộ”, một độc giả nêu.

Bên cạnh đó, một bạn đọc chỉ ra rằng: “Điều mà chúng ta cần nỗ lực đạt được là đặt ra những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn với mọi nhà đầu tư trên thế giới mà vẫn bảo vệ quyền lợi kinh tế, lãnh thổ của mình chứ không phải chỉ là cái lợi cho vài quốc gia lân cận”.

Vân Đồn (Quảng Ninh)

Luật sư-đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đã nhận định: “Những quy định của luật đặc khu kinh tế, nếu không kèm theo những tiêu chí và điều kiện chặt chẽ, chế tài nghiêm ngặt và có hiệu lực đủ mạnh, sẽ vô tình trói tay chúng ta trong việc ngăn cản hay chế tài các âm mưu xâm chiếm lãnh thổ bằng tiền, vốn đầu tư, các bẫy nợ, di dân hợp pháp và các sức mạnh mềm khác.

Và khi chúng ta phản ứng những hành vi sai trái, họ có thể kiện chúng ta ra các cơ quan tài phán nước ngoài, thậm chí dùng vũ lực với lý do bảo vệ công dân của họ. Qua các đề án đặc khu kinh tế, chưa thấy có đối sách cho các nguy cơ này”.

Và đây chính là cái mà những nhà làm luật phải bổ sung ngay bây giờ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm