Tình trạng này vừa gây mất mỹ quan đô thị vừa gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Ông Nguyễn Văn Nam, nhà gần một nghĩa trang ở phường Trảng Dài, cho biết trước đây khu vực này là rừng cây rộng lớn. Những năm gần đây, một nghĩa trang được hình thành rồi mở rộng… tới sát nhà ông, ngăn cách duy nhất chỉ là một bức tường bao cao chưa đầy 2 m. Vào ngày mưa, những dòng nước màu đen, có mùi hôi từ nghĩa trang chảy tràn vào sân, vườn. Mỗi khi có đám ma, người dân xung quanh nghĩa trang chẳng còn cách nào khác là phải... “chung nỗi buồn” với cảnh kèn trống, khóc lóc bi ai. Vào dịp cuối năm, dịp lễ, khi các gia đình tổ chức viếng mộ người thân vào lúc sáng sớm thì sinh hoạt của người dân nơi đây càng bị ảnh hưởng.
Nghĩa trang nằm xen kẽ với khu dân cư ở TP Biên Hòa gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến môi trường. Ảnh: TD
Tương tự, tại phường Tân Biên có một khu nghĩa trang với hàng trăm ngôi mộ, trong đó rất nhiều phần mộ nằm ngay đường đi, cạnh nhà dân. Nhiều hộ đã phải bán nhà để mua chỗ ở khác vì không thể sống chung với nghĩa trang.
Không chỉ bị nghĩa trang “bủa vây”, nhiều khu dân cư đang phải chịu ô nhiễm từ rác thải nghĩa trang. Bà Nguyễn Thị Phương, ngụ phường Bửu Long, cho biết là ở khu nghĩa trang, rất nhiều người thiếu ý thức đã vô tư xả đủ loại chất thải, kể cả xác động vật chết ra đây. Đến kỳ phân hủy, khi thời tiết oi bức, các loại rác trên bốc mùi hôi thối, rất khó chịu. Đó là chưa kể nghĩa trang còn là nơi tụ tập của các đối tượng lang thang, nghiện ngập ma túy và tệ nạn xã hội, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Dương Vũ, Phó phòng Quản lý đô thị TP Biên Hòa, cho biết nghĩa trang trên địa bàn TP này nằm rải rác khắp nơi. Hiện TP Biên Hòa đang quy hoạch lại hai nghĩa trang nhà nước: một ở phường Long Bình và cái còn lại ở xã Phước Tân.
“Đây là thực trạng hình thành từ rất lâu rồi. Hiện nay có một số ngôi mộ mà gia đình họ bỏ hoang không thăm viếng, địa phương sẽ tiến hành bốc mộ và đưa vào nghĩa trang nhà nước quản lý. Một số nghĩa trang thì hiện tại đã không cho an táng nữa và sắp tới sẽ di dời vào nghĩa trang nhà nước. Trên thực tế, người dân vẫn tiến hành chôn cất tại các nghĩa trang vì một số gia đình đã mua đất từ trước. Các nghĩa trang này vẫn có thể tiếp nhận việc chôn cất của người dân nhưng không được mở rộng” - ông Vũ nói.
Ông Vũ còn cho biết thêm: “Còn trường hợp cấm chôn cất nhưng vẫn cố tình vi phạm thì chúng tôi sẽ chỉ đạo phường/xã kiểm tra và xử lý. Ở khu vực Hố Nai thì các nghĩa trang rất nhiều, tuy nhiên đây là vấn đề rất nhạy cảm nên địa phương chỉ vận động người dân chứ cũng không làm căng thẳng vấn đề được. Nếu có một chủ trương, chính sách lớn hơn thì vấn đề nó sẽ khác: Chẳng hạn như quy hoạch mỗi khu vực một nghĩa trang, tuy nhiên đất trong TP lại không còn”.
Theo thống kê của Phòng Quản lý đô thị TP Biên Hòa, tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn TP này có tổng cộng 113 nghĩa trang, nằm rải rác trên 19 phường/xã, chiếm hơn 179 ha. Trong đó, một số phường/xã có nhiều nghĩa trang đó là phường Bửu Long 10 nghĩa trang, phường Hố Nai 12 nghĩa trang, phường Tân Hòa 12 nghĩa trang… |