Sáng 29-11, sau hơn 70 ngày dừng khiêu khích, Triều Tiên bất ngờ phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) rơi xuống biển Nhật Bản. Triều Tiên tuyên bố đây là một ICBM mới, có tên gọi Hwasong-15, mạnh nhất từ trước đến nay và có thể đặt toàn bộ lãnh thổ Mỹ trong tầm ngắm. Diễn biến này một lần nữa đã khiến chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đắn đo đâu mới là cách tốt nhất để kìm chân Bình Nhưỡng.
Chuỗi ngày ông Trump lên nắm quyền nước Mỹ với biết bao đắn đo về vấn đề Triều Tiên, đặc biệt là tình cảnh không có một phương án nào toàn vẹn như hiện nay, lại làm người ta nhớ nhất thời điểm năm 1969 khi cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger đối mặt với thế lưỡng nan chưa từng có, theo trang Popular Mechanics.
Cơn cuồng nộ năm 1969
Cơn sốc đối với Washington diễn ra chỉ bốn tháng sau khi Richard Nixon trở thành tổng thống thứ 37 của nước Mỹ. Vào lúc 7 giờ sáng 15-4-1969, một máy bay do thám EC-121 thuộc Phi đội trinh sát số 1 của hải quân Mỹ cất cánh từ sân bay hải không quân Atsugi ở Nhật Bản để thực hiện nhiệm vụ thu thập tình báo. Thời điểm đó, chiếc EC-121 chở theo 30 thủy thủ và một lính thủy đánh bộ.
Đến 12 giờ 34 phút trưa cùng ngày, tức gần sáu tiếng sau khi chiếc EC-121 thực hiện nhiệm vụ, Cơ quan An ninh quân sự Mỹ (ASA) cùng các radar tại Hàn Quốc phát hiện không quân Triều Tiên điều hai tiêm kích MiG-21 từ khu vực Đông Tongchongni gần căn cứ hải quân Wonsan để theo dõi máy bay do thám Mỹ.
Lúc 13 giờ 47 phút, hai chiếc MiG-21 của Triều Tiên bất ngờ tiếp cận chiếc EC-121 trên biển Nhật Bản và bắn hạ nó chỉ hai phút sau đó. Toàn bộ thành viên trên máy bay do thám Mỹ đã thiệt mạng. Trước sự kiện này, Quốc hội Mỹ đã phản ứng đầy giận dữ. “Chỉ có một câu trả lời cho người Mỹ vào lúc này. Đó là trả đũa, trả đũa và trả đũa!” - Mendel Rivers, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ khi đó, tuyên bố.
Tuy nhiên, có một bí mật mà mãi đến 40 năm sau mới được tiết lộ. Đó là trong số những kế hoạch đáp trả bằng quân sự được Tổng thống Richard Nixon và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger thảo luận lúc bấy giờ có phương án tấn công hạt nhân nhằm vào lãnh thổ CHDCND Triều Tiên.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong một chuyến thị sát cơ sở hạt nhân hồi đầu tháng 9. Ảnh: KCNA
Kế hoạch trả thù suýt diễn ra
Giữa năm 2010, Văn khố An ninh quốc Mỹ (NSA), cơ quan lưu trữ và nghiên cứu phi chính phủ đặt tại ĐH George Washington (Mỹ), đã tiết lộ số tài liệu có được theo Đạo luật tự do thông tin (FOIA) về kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân đối phó Triều Tiên của Tổng thống Nixon năm 1969, theo tờ Guardian.
Trong số các tài liệu có bản ghi nhớ được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Melvin Laird gửi đến Cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger vào tháng 6-1969. Tài liệu này phác thảo tổng cộng 13 lựa chọn đáp trả quân sự bằng hai con đường chiến tranh quy ước và chiến tranh hạt nhân, trong đó có một kế hoạch mang mã “Thả tự do” (FD). Trong kế hoạch này, có ba lựa chọn liên quan tới việc sử dụng vũ khí hạt nhân được đề xuất.
Thứ nhất, Mỹ sẽ “tiến hành những cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu quân sự ở CHDCND Triều Tiên với việc sử dụng một vũ khí hạt nhân nhằm vào mỗi mục tiêu”. Bản phác thảo đề xuất một “cuộc tấn công trừng phạt” đánh vào 12 mục tiêu đã được lên danh sách như các trung tâm chỉ huy quân đội, sân bay và căn cứ hải quân của Triều Tiên.
Tuy nhiên, trong một động thái cho thấy chính quyền Nixon thừa nhận việc sử dụng các vũ khí hạt nhân có sức công phá ít hơn 10 kiloton có thể khiến Triều Tiên trả đũa lại, một lựa chọn thứ hai đã được thêm vào. Đó là sử dụng vũ khí hạt nhân có sức công phá 70 kiloton nhằm vào mỗi mục tiêu để vô hiệu hóa, buộc Triều Tiên không thể tấn công Hàn Quốc bằng không lực để trả đũa. “Tất cả 16 sân bay lớn của Triều Tiên có thể bị phá hủy theo lựa chọn này” - bản phác thảo ghi.
Thi thể của hai trong số 31 quân nhân Mỹ được đưa vào bờ sau khi được tìm thấy từ xác máy bay do thám EC-121 bị bắn rơi vào năm 1969. Ảnh: GETTY
Lựa chọn thứ ba là dùng các vũ khí hạt nhân để tấn công vào duy nhất một mục tiêu lớn hơn nhằm phá hủy năng lực của Triều Tiên để tấn công bằng các đơn vị lục, hải và không quân. Điều đáng ngạc nhiên là các nhà hoạch định dự báo sẽ có khoảng 100 người thương vong và con số này dao động không vượt quá vài ngàn nếu kế hoạch trên được khởi động.
Bruce Charles, một cựu phi công chiến đấu Mỹ, kể lại với đài National Public Radio (Mỹ) rằng thời điểm đó ông đã được cảnh báo về một cuộc tấn công hạt nhân trước khi kế hoạch trên suýt thành. Ông được giao lái một máy bay có trang bị vũ khí hạt nhân đóng ở căn cứ không quân Kunsan (Hàn Quốc). Charles cho biết ông đã được gọi lên gặp sĩ quan chỉ huy của mình. “Khi tôi đến trình diện đại tá, sự việc dường như rất đơn giản. Ông ấy mô tả vụ máy bay EC-121 bị bắn rơi nằm cách khoảng 160 km ngoài biển. Sau đó, ngài nói tôi chuẩn bị tấn công mục tiêu” - ông Charles kể lại.
Charles cho biết chiếc máy bay ông điều khiển được trang bị một quả bom hạt nhân B61 có sức công phá 330 kiloton, tức mạnh hơn quả bom nguyên tử thả xuống TP Hiroshima gấp 20 lần. Sân bay ông được giao tấn công cũng chính là nơi mà không quân Triều Tiên từng điều chiến đấu cơ tấn công chiếc EC-121 của Mỹ. Tuy nhiên, vài tiếng đồng hồ sau đó, lệnh tấn công đã được rút lại.
Bài toán đắn đo
Mặc dù không có bằng chứng, tài liệu nào xác minh những gì mà ông Charles nói nhưng tài liệu được NSA tiết lộ có chi tiết nói rằng “những chiếc máy bay chiến thuật của không quân Mỹ trang bị vũ khí hạt nhân đã nằm trong trạng thái sẵn sàng 15 phút ở Hàn Quốc để tấn công các sân bay của Triều Tiên”.
Nhà nghiên cứu Robert Wampler, người nghiên cứu số tài liệu trên, cho biết chính quyền Tổng thống Nixon lúc bấy giờ hết sức đắn đo. Bởi lẽ nếu Tổng thống Nixon đã quyết định mở một cuộc tấn công như vậy, Mỹ phải “chơi đến cùng” hay nói cách khác là phải tổ chức chiến tranh tổng lực thì may ra mới thành công. Khi đó, Mỹ mới vô hiệu hóa được hoàn toàn năng lực trả đũa của Triều Tiên nhằm vào các mục tiêu, đặc biệt là Hàn Quốc.
Có thể thấy có quá nhiều căn cứ không quân trên lãnh thổ Triều Tiên và không đủ máy bay để Mỹ vô hiệu hóa các mục tiêu lúc bấy giờ. Cố vấn Henry Kissinger từng nói rằng nếu trong trường hợp Mỹ dùng hết vũ khí hủy diệt hàng loạt cùng các năng lực khác thì đó là “cái kết cực đoan của mọi phương án”.
Ông Trump đã nhấn mạnh sẽ phá hủy hoàn toàn Triều Tiên nếu Mỹ buộc phải bảo vệ chính mình, đồng thời Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để đối phó Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, nếu viễn cảnh này xảy ra, Triều Tiên “bị trọng thương” thì Mỹ và các đồng minh cũng khó tránh được đòn phản công. Điều này là khả dĩ khi Triều Tiên hiện sở hữu năng lực trang bị đầu đạn hóa học, sinh học hay hạt nhân cho các tên lửa. Những tiến bộ trong chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng chắc chắn sẽ răn đe, khiến Washington đau đầu nếu muốn dùng tới một phương án đầy rủi ro.
Theo Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR) của Mỹ chuyên về quan hệ quốc tế, đánh giá cho thấy Triều Tiên hiện có 1.300 máy bay quân sự, 300 trực thăng, 430 tàu chiến, 250 tàu đổ bộ, 70 tàu ngầm, 4.300 xe tăng, 2.500 xe bọc thép và 5.500 bệ phóng tên lửa. Nước này được cho còn lắp đặt nhiều vũ khí chiến lược dưới mặt đất và trong núi, đặc biệt là các bệ phóng tên lửa. Một tuần trước khi Triều Tiên thử ICBM ngày 29-11, Triều Tiên nhấn mạnh chương trình hạt nhân của nước này nhắm vào mục tiêu duy nhất là Mỹ. Theo hãng tin ABC, một đại sứ Triều Tiên tham gia đàm phán hạt nhân với Mỹ và các quốc gia khác từng tuyên bố: “Nguyên nhân các anh tấn công Afghanistan là bởi nước này không sở hữu bất kỳ vũ khí hạt nhân nào. Và cũng hãy nhìn vào trường hợp tương tự ở Libya. Đó là lý do chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình hạt nhân”. |