Khi đến với phòng Can thiệp sớm của khoa Giáo dục đặc biệt ĐH Sư phạm TP.HCM, bé A. đã 12 tuổi, có những hành vi gây nguy hiểm cho bản thân và cho người xung quanh. Bằng các test chuyên biệt, các chuyên gia xác định bé mắc hội chứng tự kỷ (HCTK). Tuy nhiên, việc trị liệu giúp A. hòa nhập xã hội là việc cực kỳ khó khăn, vì giai đoạn vàng để làm việc này (18-36 tháng tuổi) đã bị bỏ qua.
Nhiều trẻ tự kỷ không được phát hiện sớm
Ở các nước phát triển như Anh, Mỹ, Úc… trẻ được giáo viên mầm non và bác sĩ nhi theo dõi sự phát triển sát sao. khi có nghi ngờ về HCTK, họ sử dụng test dưới dạng các bảng hỏi để đánh giá sơ bộ, sau đó là các biện pháp chuyên sâu để khẳng định trẻ có mắc hay không.
Ở Việt nam, chương trình đào tạo giáo viên mầm non cũng như tiểu học chưa đề cập sâu về các test sàng lọc trẻ chậm phát triển trí tuệ. Các sở GD&ĐT địa phương cũng chưa chú trọng triển khai hoạt động này tới các trường mầm non. Về các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu của các cán bộ y tế địa phương, đa số chỉ chú ý đến thể lực, chưa chú ý đến sức khỏe tâm thần của trẻ. Những điều trên khiến nhiều trẻ em mắc chứng tự kỷ bị bỏ sót không được phát hiện. Trẻ tự kỷ được phát hiện chủ yếu nhờ vào sự hiểu biết của mỗi gia đình.
Cha mẹ có con tự kỷ bàn giao con cho cô giáo tại cổng trường. Ảnh: T.MẬN
Cha mẹ thiếu hiểu biết
Ở Việt Nam, HCTK mới được quan tâm khoảng 17 năm trở lại đây, do đó những hiểu biết về HCTK của người dân là rất ít ỏi và có phần thiếu chính xác.
Bé N. là con của một chủ tiệm tạp hóa ở Bình Phước. thời điểm 27 tháng, khi học ở một lớp mầm non tư thục, bé không nói được, không chơi với các bạn trong lớp, không biết tên của mình khi được gọi, không nghe lời cô giáo và chỉ làm theo ý thích. Một dịp tình cờ làm việc với trường mầm non này và tiếp xúc với bé N., các chuyên gia về tự kỷ đã nghi ngờ, làm một số đánh giá thì thấy bé có nguy cơ cao mắc HCTK. Khi hỏi chuyện phụ huynh và giáo viên, họ tỏ ra ngơ ngác không hiểu gì về khái niệm tự kỷ và ảnh hưởng của nó tới sự phát triển của con mình. Cha mẹ, ông bà của bé N. đã cự tuyệt sự giúp đỡ của các chuyên gia. Họ cho rằng bé chậm nói là bình thường vì bác của bé hơn ba tuổi mới biết nói, ngoài ra cháu gái họ xinh đẹp và ăn ngủ rất ngoan ngoãn, họ không có vấn đề gì phải cần hỗ trợ. Các chuyên gia đã nhiều lần tìm cách thuyết phục nhưng vô hiệu.
Thời điểm bắt đầu trị liệu muộn
Việc trị liệu HCTK thường do các tổ chức y tế hoặc giáo dục đảm trách. cách trị liệu có phần khác nhau nhưng các chuyên gia đều thống nhất việc trị liệu HCTK tốt nhất cho trẻ là ở giai đoạn từ 18 đến 36 tháng tuổi. Việc phát hiện và can thiệp sớm đóng vai trò quan trọng đến sự hòa nhập của trẻ tự kỷ với cộng đồng.
Đã có rất nhiều trẻ tự kỷ được đưa đến khám và trị liệu ở các trung tâm hoặc bệnh viện khi đã quá muộn. Điều này khiến việc trị liệu giúp trẻ hòa nhập xã hội trở nên khó khăn và tuyệt vọng. Nguyên nhân của việc chậm trễ là do cha mẹ không nhận ra những dấu hiệu sớm của HCTK hay nhầm lẫn với những chứng khác, đến khi thấy có bất thường thì trẻ đã qua thời gian có thể trị liệu hiệu quả. Phần lớn phụ huynh chỉ phát hiện con họ có vấn đề khi trẻ không nói được, không học tập được ở những năm cuối mẫu giáo hoặc đầu tiểu học.
Chúng tôi cho rằng các cơ quan hữu trách cần phổ cập những tác hại của HCTK, thời điểm tốt nhất để trị liệu tự kỷ và các dấu hiệu nhận biết trẻ tự kỷ trên các phương tiện truyền thông rộng rãi hơn để cải thiện tình trạng này.
ThS PHAN THANH HÀ, khoa Giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM
Tuyên truyền rộng rãi cách ứng xử với trẻ tự kỷ Đứng trên quan điểm của những người trị liệu cho trẻ tự kỷ, chúng tôi mong mỏi Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có những chính sách phù hợp để hỗ trợ cho trẻ khuyết tật và trẻ tự kỷ nói riêng: - Tăng cường tuyên truyền về cách nhận biết và cách ứng xử với trẻ tự kỷ trên phương tiện truyền thông công cộng. - Đưa nội dung sàng lọc trẻ tự kỷ vào hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu hiện thời tới từng địa phương. - Tăng cường các phòng khám tâm lý đến từng bệnh viện đa khoa địa phương. - Yêu cầu mỗi trường mầm non và tiểu học phải có tối thiểu một giáo viên giáo dục đặc biệt để phát hiện và hỗ trợ trẻ khuyết tật cũng như trẻ tự kỷ. - Đưa môn giáo dục hòa nhập vào danh mục các học phần bắt buộc, đưa môn học can thiệp sớm vào danh mục các học phần tự chọn của chương trình đào tạo giáo viên mầm non và tiểu học. - Thêm ngành nghề giáo viên giáo dục đặc biệt vào danh mục ngành nghề, giúp các sở GD&ĐT có cơ sở để tuyển giáo viên giáo dục đặc biệt đến từng trường mầm non, tiểu học. Phụ huynh bị ám ảnh Một bà mẹ có đứa con năm tuổi bị tự kỷ, khi sinh đứa thứ hai được ba tháng, chị đã đưa con đi khám tự kỷ vì nghĩ bị di truyền. Bác sĩ bảo ba tháng chưa khám được thì đến 3,5 tháng chị quay lại khám. Khi đến với tôi bà mẹ này khai đã đi khám sáu nơi rồi! Tôi hỏi vì sao chị đưa con đi khám, chị bảo: “Nó giống anh nó, không có phản xạ gì khi cha mẹ chơi đùa”. Ở lứa tuổi đó không thể xác định được đứa trẻ có dấu hiệu tự kỷ hay không. Trường hợp khác, bà mẹ có đứa con đầu thông minh, lanh lẹ nhưng đứa con thứ hai chậm chạp hơn nên bà nghĩ nó bị tự kỷ. Chị dẫn con đi khám, bác sĩ tư vấn rằng con cái sinh ra không như cái bánh y khuôn nhau nên có đứa nhanh, chứa chậm… nhưng chị ta vẫn quả quyết con mình bị tự kỷ! Trẻ từ 22 đến 36 tháng tuổi được phát hiện tự kỷ thì sẽ can thiệp hiệu quả. Đối với trẻ lớn hơn thì việc can thiệp rất khó khăn vì giai đoạn này trẻ đã hình thành nhân cách. ThS KIỀU THANH HÀ, khoa Tâm lý BV Nhi đồng 2 Đừng quá bi quan Sau khi được can thiệp, từ ngôi trường chuyên biệt Gia Định có biết bao trẻ tự kỷ đã được hội nhập vào trường bình thường. Khi chúng tôi đề nghị cho các em đi ra hội nhập, nhiều gia đình đã rất lo lắng. Có người còn dặn nếu con họ bị trả lui vì không hội nhập được thì xin phép được vào lại trường. Thực tế các em quay lại trường chủ yếu để thăm thầy cô giáo cũ cùng với niềm hãnh diện của phụ huynh vì có trẻ trở thành học sinh xuất sắc. Trẻ tự kỷ không có em nào giống em nào cả, mỗi em là mỗi sắc thái riêng. Ở trường chúng tôi cũng có nhân viên và các em phụ lớp trước đây đều là người tự kỷ. Thông tin gần đây cho biết nước Đức dự tính đến năm 2025 sẽ tuyển 500 nhân viên là người tự kỷ để làm việc tại các cơ quan thu thập dữ liệu và số liệu. Người tự kỷ hạn chế về lĩnh vực này nhưng họ sẽ nổi trội ở lĩnh vực khác mà người bình thường không có khả năng! Do đó phụ huynh đừng quá bi quan về tương lai của trẻ. Cô VÕ THỊ KHOÁI, Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Gia Định |