Từ khi Bộ TN&MT cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát thải xuống gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau (Bình Thuận), lịch làm việc, sinh hoạt hằng ngày của TS Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, gần như thay đổi hoàn toàn. Gần suốt buổi sáng ngồi trò chuyện với chúng tôi, ông phải liên tục ngắt quãng câu chuyện để trả lời hàng chục cuộc điện thoại của báo chí trong và ngoài nước, của các nhà khoa học, nghiên cứu hải dương quốc tế và Việt Nam.
Nguy cơ với biển tiềm ẩn ngay trong cách chọn lựa
“Anh em cũng như mình, quan tâm đến những vấn đề bức thiết như vậy là tốt. Xã hội phát triển là khi nhiều người cùng có ý kiến, cùng đấu tranh để ngăn chặn những nguy cơ nguy hại, để người ta thấy việc đó chưa đúng với sự tiến bộ, với phát triển; phải phân tích cho họ thấy nó nguy hiểm, nó dẫn đến tiền lệ xấu để họ dừng lại. Một khi xã hội không quan tâm gì nữa, người ta vô cảm trước mọi chuyện thì rất đáng sợ!” - TS An chia sẻ.
Chính từ suy nghĩ này, ngay từ khi có thông tin Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 xin nhận chìm bùn, cát nạo vét xuống biển, TS An là một trong những nhà khoa học đầu tiên lên tiếng phản đối mạnh mẽ nhất trước nguy cơ vùng biển nước trồi có tầm quan trọng bậc nhất Việt Nam có nguy cơ bị xâm hại. Ngay sau khi báo chí đưa tin Bộ TN&MT cấp giấy phép nhận chìm, ông đề nghị chúng tôi gửi nhanh giấy phép để ông nghiên cứu. Từ đó, trên báo chí, ông phân tích hàng loạt bất hợp lý, nguy cơ làm hại biển từ giấy phép lần đầu tiên được cấp ở Việt Nam này.
Theo TS An, ở các nước phát triển, việc nạo vét luồng lạch ở biển hay xử lý chất nạo vét là chuyện hết sức bình thường. Bởi khi cần nạo vét, xử lý chất thải ở biển, việc đầu tiên là họ có đội ngũ khoa học luôn làm khách quan, trung thực, làm đến nơi đến chốn và luôn lấy lợi ích của cộng đồng làm ưu tiên hàng đầu. Nguyên tắc của các nước phát triển trong mọi việc đều luôn tôn trọng khoa học, lấy khoa học làm đầu.
“Chúng ta phải học tập cách tiếp cận, tiếp nhận tiến bộ của các nước, đừng làm theo ý của riêng mình; đừng làm theo kiểu hám lợi trước mắt. Chẳng hạn, khi nạo vét luồng lạch thì họ chỉ chăm chăm tìm cát đẹp đem bán. Khi xử lý chất nạo vét thì làm theo kiểu ít tốn kém nhất. Đó là tư duy địa phương, tư duy tiểu nông. Chính cách chọn lựa đó của chúng ta đã ẩn chứa những hậu quả nặng nề về môi sinh hoặc để lại hậu họa” - giọng ông trầm buồn.
TS An kể lại khi đọc giấy phép cho Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm ở vùng biển Tuy Phong, Bình Thuận đến đoạn chủ đầu tư sẽ chịu trách nhiệm bồi thường nếu xảy ra sự cố môi trường, ông đau buồn vì “Sự bồi thường chỉ là bù đắp trước mắt chứ làm sao khắc phục được hậu quả với đời sau, đối với sinh kế của hàng triệu gia đình. Chúng ta chẳng phải đã có bài học đẫm nước mắt về điều này rồi sao” - mắt ông ứa đỏ.
Nhìn rất xa một hồi, ông quay sang chia sẻ tiếp rằng cả đời nghiên cứu về đại dương, ông hiểu rõ hậu quả sẽ như thế nào khi biển bị làm hại. “Biển là nơi giải quyết sinh kế cho người nghèo nên mình phải tìm cách chia sẻ cơ hội cho người nghèo. Đừng lấy cơ hội sống của người nghèo bán cho người giàu. Điều đó nhẫn tâm và nguy hiểm lắm! Đừng để cái sai này dẫn đến cái sai khác!” - ông An nhắn nhủ.
Năm 2014, TS Nguyễn Tác An (bên phải) được Ủy ban Hải dương học liên chính phủ vinh danh là một trong năm nhà khoa học hải dương xuất sắc nhất thế giới trong 20 năm qua. Ảnh: TẤN LỘC
Đừng lấy tư duy đất liền áp ra đại dương!
TS An nói rằng sở dĩ suốt đời ông đam mê ngành khoa học hải dương, gắn bó với biển là do biển cả luôn luôn là một thế giới vô cùng bí ẩn và cực kỳ giàu có. “Con người không thể tách rời biển được! Thế giới này phát triển dứt khoát phải dựa vào biển, vươn ra đại dương bởi trên đất liền đất đai, tài nguyên ngày càng cạn kiệt”.
Ông An nói rằng ông làm việc, nghiên cứu tại hầu hết các đại dương trên thế giới nhưng hiếm nơi nào có những điều đặc biệt như biển Đông bởi đây là một không gian hết sức giá trị về mọi mặt, là biển kín, có cấu trúc của đại dương, có nhiều tài sản cực kỳ quý.
“Việc khẳng định chủ quyền ở biển Đông không chỉ đơn giản là tài nguyên. Đối với người Việt, biển Đông là tâm linh, văn hóa, là cái gì đấy hết sức gần gũi, thân quen mặc dù người ta sống ở trên đất liền. Từ xưa cha ông ta đã có suy nghĩ như vậy! Trong các dịp gặp các nhà lãnh đạo đất nước, tôi đã nói biển là nền tảng để Việt Nam thịnh vượng và muốn thịnh vượng không thể không phát triển khoa học biển”. TS An chia sẻ như thế và cho rằng: “Đừng bao giờ xem biển là cái kho vô tận, muốn khai thác bao nhiêu cũng được. Và cũng đừng bao giờ xem biển như thùng rác không đáy, muốn đổ gì xuống cũng được. Không thể dùng tư duy, chính sách trên đất liền để áp ra đại dương mà khai thác, sử dụng biển thế nào cũng được!”.
TS An cho rằng tư tưởng chỉ đạo của Nhà nước về vấn đề biển là cực kỳ quan trọng. Và khi có được chiến lược thì sẽ có chính sách đi kèm phù hợp và sẽ giải quyết được các vấn đề phức tạp. Có lẽ từ suy nghĩ này mà suốt đời TS An luôn trăn trở, khao khát làm thế nào để áp dụng thật nhiều những tiến bộ khoa học biển trong phát triển đất nước. Tuy nhiên, theo TS An, ngành khoa học đại dương của Việt Nam còn quá thiếu thốn trang thiết bị, máy móc để phục vụ nghiên cứu. “Có những khoáng sản rất quý dưới biển, mình biết nhưng chưa có điều kiện thăm dò, khai thác. Có những vùng biển chỉ toàn cát nhưng đừng nghĩ nó nghèo hay là biển chết. Ngay cả ở những vùng biển đó luôn có những hoạt tính sinh học, có giá trị còn cao hơn những sản phẩm mà con người khai thác từ biển”.
Một trong năm nhà hải dương học xuất sắc 20 năm qua Câu chuyện với TS An dần ngược về thời niên thiếu khi hằng ngày ông ra biển phụ kéo lưới cho bà con ngư dân quê nhà ở xã Xuân Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) và được trả công bằng những con cá để đem về cả nhà có cái ăn hoặc bán lấy tiền. Ông sinh năm 1943. Khi vào ĐH năm 1964, ông được chọn đưa sang học ngành hải dương học tại ĐH Tổng hợp Leningrad (Liên Xô). “Ngay thời sinh viên, tôi được đi thực tập trên các tàu nghiên cứu biển rất hiện đại của Liên Xô, đi hầu hết các đại dương trên thế giới. Nhiều tháng liền tôi được tham gia cùng các nhà khoa học tên tuổi nghiên cứu ở Bắc Băng Dương. Càng nghiên cứu về biển, tôi thấy biển càng bí ẩn và tôi càng đam mê” - ông An nhớ lại. Năm 1969, sau khi tốt nghiệp, ông An về công tác tại Viện Nghiên cứu biển ở Hải Phòng. Năm 1978, ông lấy bằng phó tiến sĩ tại Liên Xô với đề tài “Mô hình hóa quá trình chuyển hóa vật chất trong biển”. Sau đó ông về công tác tại Viện Hải dương học Nha Trang. 10 năm sau, ông tiếp tục lấy bằng tiến sĩ cũng tại Liên Xô với đề tài “Năng suất sinh học vùng biển Việt Nam và những giới hạn sinh thái”. Để làm đề tài này, ngay từ những năm 1980, nhiều tháng liền TS An đi khắp các đảo Trường Sa để nghiên cứu, góp phần hoạch định các vấn đề phát triển cho quần đảo quan trọng này của Việt Nam. Theo đánh giá của các nhà khoa học hải dương trên thế giới, đề tài tiến sĩ của ông An có giá trị vô cùng quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong việc đánh giá, dự báo, hoạch định sách lược khai thác tiềm năng ở biển Đông. Năm 1990, khi bắt đầu làm viện phó và đến năm 1997, khi bắt đầu làm viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, TS An đầu tư trí tuệ, công sức khôi phục vị thế khoa học của viện nghiên cứu này trong lĩnh vực hải dương học trên thế giới. Bởi từ năm 1959 đến 1967, Viện Hải dương học Nha Trang là trung tâm đào tạo các nhà nghiên cứu biển cho khu vực Đông Nam Á và là nơi tổ chức rất nhiều hội nghị khoa học quốc tế về biển. Từ đó, vị viện trưởng đã góp phần đưa Viện Hải dương học Nha Trang trở lại vị thế khoa học hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Tiếp đó, TS An được bầu là chủ tịch Ủy ban Quốc gia chương trình hải dương học liên chính phủ của Việt Nam. Những thành tựu khoa học to lớn của TS Nguyễn Tác An đã được Ủy ban Hải dương học liên chính phủ (IOC/WESTPAC) ghi nhận là góp phần lớn cho sự phát triển khoa học. Năm 2014, tổ chức này vinh danh TS An là một trong năm nhà khoa học hải dương xuất sắc nhất thế giới trong 20 năm qua. TS An cũng có tên trong từ điển danh nhân thế giới. “Trả lời nhiều đài, báo nước ngoài, tôi nói vinh dự này không phải của cá nhân tôi mà là công lao của mọi người. Mình nhận xét về mình thì khó lắm! Mình kể chuyện mình làm càng khó hơn!”. Dù đã nghỉ hưu nhưng TS An vẫn dành hết thời gian, công sức để tiếp tục nghiên cứu về biển. |