Quảng Ninh: Than thổ phỉ “nuốt” nhà dân! - Bài 3: Chính than thổ phỉ gây sụt lún

Kỹ sư Nguyễn Hòa nói: Từ năm 1990, trong 21 năm tuyên chiến với than thổ phỉ, chúng ta đã có hàng ngàn cuộc họp, hàng ngàn tấn mìn đã nổ, đã phát hiện hàng chục ngàn lò, phát hiện hàng trăm ngàn tấn than lậu, thu giữ bao nhiêu phương tiện và kết quả nạn than thổ phỉ không những bớt đi mà nay còn quy mô lớn hơn, sạt lở, hậu quả lớn hơn và tất cả điều này người dân phải chịu.

Tình trạng khai thác than thổ phỉ ở Quảng Ninh diễn ra nhức nhối, chính quyền đã có nhiều biện pháp nhằm dẹp bỏ vấn nạn này nhưng hiệu quả chưa cao. Mặc dù từng khu mỏ đã được hoạch định ranh giới của từng công ty cả trên bản đồ và thực địa nhưng những vùng khai thác thổ phỉ ấy rất vô duyên lại nằm trong ranh giới của các chủ mỏ!”.

Địa tầng chắc chắn

. Tình trạng sụt lún liên tiếp xảy ra trong ranh giới quản lý tài nguyên của các mỏ than bị khai thác trái phép cho thấy điều gì, thưa ông?

+ Nhà nước có quy định trước khi làm một công trình gì ở vùng có tài nguyên đều phải có ý kiến của địa chất. Địa chất chỉ ra rằng dưới đất này có mỏ gì không, tài nguyên như thế nào, có nên xây dựng công trình trên đó hay không, kể cả công trình lớn lẫn công trình dân cư.

Để công trình dân cư xây dựng vào vùng có tài nguyên như vậy là lỗi của quy hoạch kém. Tại những điểm nóng về khai thác than thổ phỉ tại các phường Cao Xanh, Cao Thắng, Hà Khánh và một số khu vực khác vài năm nay liên tiếp xuất hiện tình trạng sụt lún bất thường. Như vậy công tác quy hoạch và sự buông lỏng quản lý để than thổ phỉ đào bới vô tội vạ đã đưa tới hệ lụy sụt lún và phải di dời dân cư.

. Ông có cho rằng do địa tầng vùng mỏ có vấn đề nên xảy ra tình trạng sụt lún?

+ Với tư cách là người làm địa chất từ trước đến nay ở vùng mỏ, đồng thời chỉ đạo thăm dò địa chất của Liên đoàn Địa chất số 9, tôi biết các vị trí ấy đều nằm trong ranh giới các khu mỏ đã tiến hành ít nhất ở mức tìm kiếm tỉ mỉ, thậm chí thăm dò sơ bộ hoặc tỉ mỉ. Đây là các vùng đã xác định các vỉa than, tính toán trữ lượng để đưa vào kế hoạch khai thác trước mắt hoặc lâu dài.

Tại vùng than Quảng Ninh suốt từ Đông Triều về hết Mông Dương, địa tầng hoàn toàn ổn định, đất đá trầm tích cứng, bền vững. Đất đá ở các tầng than không tạo ra các hang động castle vì hang động castle chỉ hình thành trong đá vôi. Đất đá cứng đến nỗi khi khoan thăm dò phải khoan bằng bi thép. Khai thác lộ thiên phải khoan bắn nổ mìn. Tại đây không xảy ra động đất thì không thể tự nhiên sụt lún.

Quảng Ninh: Than thổ phỉ “nuốt” nhà dân! - Bài 3: Chính than thổ phỉ gây sụt lún ảnh 1

Quảng Ninh: Than thổ phỉ “nuốt” nhà dân! - Bài 3: Chính than thổ phỉ gây sụt lún ảnh 2

Nhà cửa đổ sập, lún nứt do than thổ phỉ là hình ảnh phổ biến ở phường Cao Xanh, TP Hạ Long. Ảnh: NGUYỄN DÂN

Đào than thổ phỉ gây sụt lún

. Như vậy con người là tác nhân gây nên sụt lún?

+ Chỉ do con người tạo ra các hang hốc trong lòng đất mới dẫn tới sụt đổ. Sự sụt đổ ở trên là bởi có các công trình đào ở dưới, nó sụt theo một đường gần như thẳng góc. Như vậy có thể khẳng định nếu không có việc đào khoét hẫng hụt thì không bao giờ tạo ra sự sạt lở. Hệ thống lò thổ phỉ đào bới trái phép đã khoét rỗng lòng đất đã tạo ra sạt lở. Không có một nguyên nhân nào khác, vùng này cả ngàn năm cũng không sụt lún gì cả.

. Có phải do khai thác thổ phỉ không tuân thủ các quy định nên dẫn tới sụt lún?

+ Than thổ phỉ là những công trình đầu tư nhỏ, ăn ngay, gọi là đào bới, moi móc. Có thể vài chục nhân công đào bới một chút, khi gặp vỉathì họ đào để moi than.

Vấn đề ở chỗ, bất kể vỉa than nào cũng phần trên mặt cũng bị phong hóa. Than đó bở rời, đụng cái bục ngay. Do đó, khi khai thác thì từ điểm lộ vỉa tới đó phải trừ ra một lớp không được thác. Chiều dày của nóc lò cho đến điểm lộ vỉa làm theo thiết kế phải đạt chiều cao tối thiểu 10 m để đảm bảo đất đá đấy bền vững. Nhưng nếu chỉ dày 2 m thì khi anh lấy than phần đất đá bở rời phía trên sẽ sụp xuống.

Chiều cao từ nóc lò tới điểm lộ vỉa dày 10 m hay 15-30 m còn tùy vào hiện trạng ở đó có công trình khai thác cũ hay không. Nếu gặp một cái lò cũ đất đá đã bị phá liên kết trụ chống lò bị mục rồi không được khai thác tầng này mà phải đào xuống dưới đảm bảo một giới hạn an toàn.

Vùng Cao Xanh có từ bảy đến 11 vỉa than có giá trị công nghiệp xếp theo lớp từ trên xuống dưới, chiều dày mỗi vỉa từ bốn đến 9 m. Trong hầm lò người ta chỉ khai thác được chiều cao 2,2 m là tối đa. Một vỉa than chỉ khai thác tối đa hai lò. Giữa hai lò phải để một khoảng nhất định làm trụ bảo vệ lò, trong kỹ thuật đào lò người ta gọi là tầng bảo vệ. Khai thác hầm lò của Nhà nước có thiết kế cẩn thận, người ta tính toán độ kháng nén từ trên và lượng nước chảy vào lò bao nhiêu mét khối/giờ để tính toán tầng bảo vệ đảm bảo.

Còn khai thác thổ phỉ không tuân theo bất kỳ quy trình quy phạm nào, cứ gặp than là xúc nên họ lấy mất cả thành bảo vệ, tạo ra một khung rỗng rất rộng, lực rất lớn từ trên ép xuống nên dẫn đến sụt lún.

. Có ý kiến cho rằng ngoài khai thác thổ phỉ, từ thời Pháp người ta đã khai thác hầm lò tại khu vực nên khó xác định nguyên nhân sụt lún?

+ Khu vực Cao Xanh là nơi được người Pháp khai thác than đầu tiên ở vùng mỏ, từ năm 1888. Ở đó đã có giếng mỏ Kesner của người Pháp có lò xuyên ra biển, từng xảy ra vụ bục túi nước chết 50-60 người. Nhưng người Pháp trước đây khai thác hầm lò theo cách tiên tiến, gọi là phương pháp lấp đầy. Khai thác tới đâu người ta lại lấp đất vào khoảng trống tới đó. Tại Ba Lan bên trên là thủ đô nhưng bên dưới là mỏ than bởi họ khai thác tới đâu lấp đất đá tới đó không tạo ra sụt lún.

Phải cấm ngặt!

. Tiếp tục để xảy ra khai thác trái phép sẽ phát sinh nhiều điểm sụt lún mới?

+ Đây là vùng dự trữ tài nguyên của đất nước sau này. Đương nhiên, trong tất cả vùng này nếu còn để khai thác trái phép không có một quy trình quy phạm nào thì sẽ còn xảy ra sụt lún.

. Như vậy, tất cả những vùng đã bị khai thác thổ phỉ đều tiềm ẩn nguy cơ sụt lún, cần phải di dân thưa ông?

+ Các mỏ được giao quyền quản lý vùng tài nguyên phải khảo sát nắm các công trình khai thác than đã làm. Từ vị trí khai thác có thể xác định ranh giới trên mặt đất những khu vực nguy cơ gây sụt lún. Chỉ cho người ta vùng đó là vùng tiềm ẩn nguy hiểm không được làm nhà cửa, chỉ trồng sắn khoai.

Tại vùng sụt lún phải tiến hành san lấp và không để các công trình xây dựng phía trên. Trong vùng đã sụt lở và tiềm ẩn nguy cơ cần phải di dời dân bởi không biết có thể sụt lúc nào. Tôi được biết TP và tỉnh đang thực hiện di dân, tôi rất ủng hộ, bởi đây là giải pháp đúng. Đồng thời cấm ngặt việc khai thác trái phép, đã vi phạm phải bị xử lý nghiêm theo pháp luật.

. Xin cảm ơn ông.

Bốc dân đi để khai thác than?

Trò chuyện với PV, ông Đào Xuân Đan, Chủ tịch UBND TP Hạ Long, nói đã chuẩn bị cả phương án trước mắt và lâu dài. Trước mắt, TP hỗ trợ 60 hộ gia đình ở khu vực nguy hiểm phải di dời khẩn cấp, mỗi hộ 12 triệu đồng (2 triệu đồng/tháng x sáu tháng) để thuê nhà ở tạm. Về lâu dài, sẽ đề nghị tỉnh bàn với ngành than để cho Công ty Than Hòn Gai giải phóng mặt bằng khu dân cư này, bốc xúc hết đất đá để khai thác than. Sau đó, tỉnh cho phép doanh nghiệp này làm khu đô thị mới để kinh doanh.

Khởi tố 34 người khai thác than trái phép

(PL)- Ngày 20-12, Công an TP Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết cơ quan này vừa khởi tố, bắt tạm giam 29 người liên quan đến vụ khai thác than thổ phỉ tại tổ 64, khu 5 Cao Xanh về tội vi phạm các các quy định về khai thác tài nguyên.

Trước đó, tối 13-12, Công an TP Hạ Long kiểm tra lò khai thác than trái phép tại hộ ông Bùi Trường Giang (trong ranh giới quản lý tài nguyên Xí nghiệp than Thành Công), bắt giữ 29 người, chủ yếu là lao động làm thuê, thu hai tấn than cùng công cụ khai thác than trái phép. Hai chủ lò đã bỏ trốn hiện đang bị công an truy nã.

Đồng thời, Công an TP Hạ Long cũng đã khởi tố, bắt tạm giam năm người (trong đó có hai chủ lò) trong vụ khai thác than trái phép tại nhà ông Đỗ Văn Lộc (tổ 65, khu 5 Cao Xanh).

H.HOÀNG

HUY HOÀNG - NGUYỄN DÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm