NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHÓ CHỐN NGOẠI THÀNH - BÀI 1

Sống hôm nay không biết tới ngày mai

LTS: Từ lâu nay, huyện Nhà Bè được biết đến như là địa phương khó khăn vào bậc nhất TP.HCM. Dù chính quyền địa phương đã rất nỗ lực hỗ trợ nhưng vẫn còn nhiều hộ tưởng như không thể nghèo hơn được nữa.

 “Ở Nhà Bè còn nhiều hộ khó khăn lắm nhưng nghèo nhất phải kể đến hộ ông Mai Văn Đặng và hộ bà Nguyễn Thị By. Họ nghèo từ khi sinh ra đến giờ, xoay xở đủ cách vẫn chưa thoát được...” - bà Tăng Thị Năm, Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Nhà Bè (TP.HCM) nói khi dẫn chúng tôi đi thực tế vào một trưa nắng gắt giữa tháng 4.

Người đàn ông nuôi sáu người tâm thần

Theo chân chị Năm, chúng tôi tìm đến xóm chợ giữa lòng thị trấn Nhà Bè. Dưới cái nắng cháy da cháy thịt, chúng tôi cố gắng len qua cái ngõ đầy sình lầy, hai bên là những hàng tôm, cá. Dừng chân tại nhà 1632/29/4  KP4, thị trấn Nhà Bè, chị Năm cho hay đây chính là nhà của ông Mai Văn Đặng. Mặt tiền ngôi nhà gắn tấm biển Nhà tình thương đã cũ nát. Một chiếc võng cũ mèm đặt bên hông nhà. Cạnh chiếc võng, một phụ nữ và hai đứa trẻ đang ngồi nghịch đất. Người phụ nữ độ ngoài 30 tuổi, khuôn mặt ngờ nghệch, tóc tai rối bời.

Bước vào bên trong, chúng tôi nhận thấy một không gian tối tăm, lạnh lẽo. Khắp tường nhà, vết tích bùn đất vương vãi khắp nơi, tạo thành những đốm loang lổ. Trong nhà, ngoài mấy cái tô, cái nồi thì không có một thứ đồ đạc nào đáng giá trên 100.000 đồng.

Bất chợt chúng tôi nghe thấy tiếng khóc tru tréo phía sau bức tường cũ nát ở giữa nhà. Tiến thêm vài bước là cảnh tượng khiến chúng tôi sững sờ: Một người con gái đang nằm sõng soài trên nền đất, tóc tai rũ rượi, áo quần rách bươm. Chân cô gái bị xích vào vạt giường bằng dây xích to, gỉ sét. Phía góc tường, một vũng nước to đen ngầu, bốc mùi hôi thối, tanh tưởi.

Chúng tôi chưa hiểu việc gì xảy ra thì nghe thấy tiếng chó sủa. Tiếng người nói râm ran, rồi một người đàn ông ngoài 60 tuổi, dáng vẻ nhỏ thó, lưng còng bước vào nhà. Ông giới thiệu mình là Mai Văn Đặng. Khi đang phụ việc ở xóm chợ, nghe mọi người nói có khách đến nhà, ông vội vàng chạy về.

Ái ngại vì nhà cửa dơ bẩn, không có bàn ghế, ông Đặng mời chúng tôi ra trước nhà. Ngồi bệt bên vệ cửa, ông từ từ cởi chiếc mũ lưỡi trai cũ mèm ra, để lộ mái tóc bạc trắng. Gương mặt hốc hác, khắc khổ. Ông tần ngần kể chuyện đời mình...

Ông Mai Văn Đặng sinh năm 1956 tại vùng đất Nhà Bè. Cha mẹ mất sớm, anh chị em quá nghèo nên đều bỏ nhà đi làm ăn xa, ông lớn lên một mình tại xóm chợ, làm thuê, làm mướn kiếm miếng ăn qua ngày. Sau một thời gian quen biết, ông lấy bà Võ Thị Bảy. “Lúc đó tôi phát hiện vợ mình đôi lúc có dấu hiệu không bình thường. Nhưng vì quá nghèo, tôi không dẫn vợ đi khám được” - ông Đặng nói.

Vợ chồng ông Đặng sinh được ba người con gái. Không may là cả ba đều giống mẹ, khi lớn lên không được bình thường về trí tuệ. Người con gái đầu sau khi lấy chồng, có được hai đứa con thì phát bệnh. Bị chồng bỏ, chị đem con về sống cùng cha mẹ. Hai đứa trẻ cũng có dấu hiệu bệnh như mẹ chúng nên lớn rồi vẫn không thể đi học.

Ông Mai Văn Đặng bên người con út bị tâm thần phải xích lại. Ảnh: HỒNG TRÂM

Ông Mai Văn Đặng cùng vợ đứng trước ngôi nhà tình thương do huyện Nhà Bè hỗ trợ. Ảnh: HỒNG TRÂM

Bà Nguyễn Thị By trong căn nhà tình thương của mình. Thấy có khách đến, một số người hàng xóm đã qua dọn dẹp giúp bà. Ảnh: HỒNG TRÂM

Đặc biệt, người con gái thứ ba của ông Đặng năm nay 27 tuổi phát bệnh nặng nhất. Mỗi khi lên cơn, Út thường đập phá đồ đạc, la hét, đuổi đánh cha mẹ. Mọi vật dụng trong nhà đều bị Út đập nát hết. Nền nhà đầy những hố sâu hoắm đều do chị cào bới.

Để mưu sinh, ông Đặng hằng ngày cùng vợ và người con đầu ra chợ phụ xách đồ cho các tiểu thương, một ngày được 60.000 đồng. Ai cho gì ăn nấy. Mỗi tháng ông được chính quyền địa phương trợ cấp thêm một số tiền.

Chỉ tay vào ba người đang ngồi nghịch cát, ông nói: “Đó là con gái thứ hai và hai đứa cháu của tôi. Nhiều lúc buồn tủi quá, tôi muốn chết đi cho rồi. Sống bữa nay không biết ngày mai ra sao, khổ sở lắm. Nhưng rồi nghĩ đến con, đến cháu, tôi lại không cầm lòng được. Tôi mà chết thì ai nuôi tụi nó”.

Khi được hỏi về mong mỏi lớn nhất, ông nhìn xa xăm: “Tôi chỉ mong con Út được đưa vô bệnh viện hoặc trung tâm để điều trị bệnh tâm thần. Nó ở đây thì tội cho nó và cả gia đình. Ngoài ra, tôi chỉ mong sao sửa được cái nhà đàng hoàng hơn. Chính quyền đã rất quan tâm, cấp nhà tình thương hai lần rồi đó chứ nhưng vì con Út lên cơn đập phá mà thành ra tan nát như vầy”.

Người đàn ông già lặng lẽ trút tiếng thở dài, chào từ biệt chúng tôi để quay lại chợ. Hơn nửa đời người, sao gánh nặng trên đôi vai còm cõi của ông vẫn còn nặng quá...

“Ngôi nhà bẩn nhất khu phố”

Theo lời bà con ở thị trấn Nhà Bè, hộ của chị em bà Nguyễn Thị By (sinh năm 1943) nghèo chẳng thua kém gì gia đình ông Đặng. Bà By bị tâm thần, không có gia đình, sống cùng em trai tên Nam cũng có dấu hiệu tâm thần.

Chúng tôi tìm đến nhà bà By theo sự chỉ dẫn nhiệt tình của cán bộ xã. Ngôi nhà 26/8 tổ 13, KP5, thị trấn Nhà Bè hiện lên trước mắt chúng tôi không khác mấy so với miêu tả của bà con. Trong nhà đồ ăn thức uống vương vãi khắp nơi, sàn nhà đầy sình lầy, đó đây vài bộ quần áo nằm ngổn ngang. Bà By ngồi giữa nhà, đầu quấn khăn đang bóc cam ăn. Nghe tiếng người, bà ngẩn mặt lên, giơ tay: “Ai đến đó, có cái gì ăn không, cho tôi xin đi”.

Theo những người hàng xóm, bà By trước đây đi bán vé số còn em trai đi mò cua bắt ốc. Cả tuần hai chị em chỉ kiếm được đôi ba trăm ngàn đồng để sống. Thời gian gần đây, mắt bà mờ, gần như không thấy đường nên chỉ nằm nhà. Mùa nắng, cua ốc không còn bao nhiêu nên em của bà By cũng chẳng kiếm được đồng nào. Giờ đây, chị em bà chỉ sống bằng tiền trợ cấp của địa phương và tình thương của chòm xóm.

Thấy căn nhà của họ quá cũ nát, huyện Nhà Bè đã hỗ trợ xây nhà tình thương. Ngôi nhà khang trang chẳng được bao lâu thì ngập đầy rác vì cả hai đều bị tâm thần, không có ý thức vệ sinh nhà cửa. Nhiều người hàng xóm không cầm lòng được qua dọn dẹp giúp nhưng sau một thời gian đâu lại vào đó. Chẳng mấy chốc ngôi nhà như một bãi rác thật sự khiến hàng xóm xung quanh ai cũng ái ngại.

♦ ♦ ♦

Những hoàn cảnh nghèo khổ, thương tâm như bà By và ông Đặng không phải quá hiếm. Với họ, nguồn sống duy nhất lúc này chính là tình thương của chòm xóm và sự dang tay giúp đỡ của toàn xã hội.

Ngày 24-4, báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp UBND huyện Nhà Bè, Công ty TNHH Sản xuất Duy Lợi và Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) sẽ tổ chức trao tặng 200 phần quà cho các hộ dân nghèo ở Nhà Bè.

Bạn đọc muốn chung tay giúp đỡ những mảnh đời nghèo khó vượt qua khó khăn xin gửi về báo Pháp Luật TP.HCM, số tài khoản: 1607201005173, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam, Chi nhánh Phan Đình Phùng. Khi chuyển khoản xin ghi tên người gửi và nội dung: “Hỗ trợ người dân huyện Nhà Bè”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm