Tứ xứ giang hồ của lão nông từng nằm trên đống vàng

Từng "ngủ" trên đống vàng vào những năm 80 của thế kỷ trước, giờ đây ở tuổi ngoài 60, Đăng chỉ còn thân già da cóc, tóc lơ phơ trắng và hàm răng… móm. Bao cuộc ăn chơi xuyên núi rừng đã bào mòn thân xác lực điền rắn chắc đến từng centimet gân cốt kia.

Những cuốc ăn chơi xuyên núi rừng

Đăng nổi tiếng đất Đồng Hỷ bởi sức vóc vật chết trâu mộng, tát ao cả buổi không biết mệt. Chính vì ham giàu, ham của lạ, Đăng lao mình lên mạn sông Mã, Sơn La để đào vàng đổi đời. Ở đời, Đăng chưa từng nghĩ sẽ có lúc mình có nhiều cục vàng trong tay. Nhưng ở chốn rừng thiêng nước độc miền Tây Bắc, chuyện kiếm vàng ở rìa các con suối cách đây 30 năm diễn ra như đi hội.

Ngày ấy, Đăng cùng trai làng nghe theo lời mách nước của mấy đại ca "đầu nhọn" nổi tiếng "đi làm ăn xa" có của ăn của để. Sau vài chầu rượu, các đại ca còn biếu hẳn cho Đăng vài bộ áo bò, vài hũ rượu dân tộc để Đăng lên đời với bạn bè. Chưa có việc làm, gia đình lại túng thiếu nên Đăng cũng đâm chán. Thấy tự dưng có vài người quan tâm đến miếng cơm manh áo, lại cho cả quần áo xịn trưng diện, Đăng tít mắt nghe theo.

Tứ xứ giang hồ của lão nông từng nằm trên đống vàng ảnh 1

Ông Dương Trọng Đăng

"Mẹ! cái đời trai coi như vứt nếu như không có tiền. Chú theo anh, chỉ sau hai năm, chú sẽ giàu nhất làng xã này". Nghe các anh nói, Đăng hớn hở hỏi đi làm ở đâu mà giàu nhanh thế. Nhưng mánh khóe làm ăn lọc đời của các đại gia đào vàng không cung cấp cho Đăng thêm thông tin gì. Đăng nghĩ bụng: Chắc đi buôn gỗ, cửu vạn hay gì gì đó thôi? Nhưng sau chuyến băng rừng, vượt sông vào nơi khỉ ho cò gáy, Đăng mới biết mình gia nhập đoàn quân đào vàng dọc sông Mã.

Chúng bắt quân làm cả ngày lẫn đêm, bất kể chỗ nào có "mùi" vàng là chủ bãi hô hào đào ngày kẻo cánh quân khác tranh mất. Trong cuộc cạnh tranh sinh tử ấy, Đăng từng cầm quân để canh bãi và dằn mặt với trai bản. Những cuộc ẩu đả tóe máu thường xuyên diễn ra khiến một chàng trai hiền lành như Đăng trở nên hung hãn, khát máu và liều lĩnh.

Cái cuốc, cái cày ngày nào Đăng còn giúp cha mẹ việc đồng áng nay đã thay bằng những con dao, chiếc gậy để "bảo vệ công lý" cho bãi vàng. Để điều khiển đàn em dễ dàng hơn, chúng bù khú cho Đăng dùng thuốc phiện. Hút mãi thành quen và nghiện, trước lúc làm gì, Đăng cũng phải "bắn" vài hơi thuốc lấy sức.

Màn đêm buông xuống cũng là lúc các chiến hữu mang bàn đèn ra, châm thuốc, hút sòng sọc vang động cả núi rừng. Mấy chục con người thi nhau hút để giải sầu, để quên đi nuỗi buồn nhớ nhà. Riêng Đăng hút để tỉnh táo coi bãi.

Ở bãi, Đăng trở nên quyền lực chỉ sau chủ bãi vì Đăng đang nắm trong tay quyền sinh quyền sát tất cả những thằng đầu bò dám chống lại ý muốn làm giàu của anh em. Từ đấy, lượng vàng chia chác cho Đăng ngày càng tăng. Nhiều bận, chúng dúi vào tay Đăng một thỏi vàng nặng chừng 1kg. Cầm lấy túi vàng, Đăng ngẩn người ra rồi la lên một câu đau đớn: "Đời ta hết nghèo rồi".

Cầm vàng trong tay nhưng không biết làm gì để bán lấy tiền gửi về cho cha mẹ đang cằm cụi xén từng đồng sống qua ngày. Ở chốn rừng thiêng, một thằng đàn ông sức dài vai rộng, ham ăn, ham hút như Đăng mà suốt ngày chỉ quanh quẩn bãi vàng hét hò, đào bới… rồi cũng chán. Cuối tuần, Đăng thường tổ chức cho anh em vào bản mua gạo, “săn” gái.

Những cuộc đụng độ giữa trai bản và trai đào vàng thường xuyên diễn ra. Trai bản không muốn con gái trong bản bị cướp đi, còn trai đào vàng thì lâu ngày không được gặp đàn bà, ai cũng hơm hớp muốn xán lại gần. Nhiều lần Đăng tung cả thỏi vàng trước mặt trai bản, hô lớn: "Chúng mày biết đây là gì không, chỉ cần thế này, chúng mày sẽ có 500 cô vợ bám theo, chứ mấy đứa trong bản nhằm nhò gì".

Bọn trai bản lóa hết cả mắt khi nhìn thấy thỏi vàng lấp lánh trước mặt. Chúng trở mặt "dạ dạ, vâng vâng" với trai đào vàng ngay tức khắc. Chỉ cần có thế, trai bản nhường cho quân của Đăng một nhà sàn để hút xuyên ngày đêm và có gái phục vụ tận tình. Rượu cần bừa phứa, thịt rừng bày la liệt, mỗi người mỗi góc, vừa rít thuốc vừa gãi đầu gãi tai chửi đời.

Nhưng cái thú của dân bản không làm hả lòng các tay chơi đào vàng. Tối ngày om om với đèn dầu, cả bọn khoái món đèn điện lắm. Chúng lại theo lời rỉ tai của Đăng, lao xuống phố nhảy nhót, ăn nhậu phè phỡn. Nhưng "tiết mục chính" là hút thuốc phiện thì đêm nào cả bọn cũng phải làm. Càng hút, máu ăn chơi lại càng tăng, bao nhiêu vàng đều được bán rẻ để lấy tiền hút và xài sang.

Tưởng mình có vàng trong tay là nắm được mọi quyền hành nhưng sự việc lại không theo ý thích của trai đào vàng. Nhiều lần chúng bị Công an truy đuổi vì tội đập phá vô căn cứ ở vài quán nhậu. Đăng cho quân nhanh chóng rút về bãi để tĩnh lòng, dẹp yên máu ẩu đả của đàn em. Đăng nhẩm tính, hơn chục con người cầm vàng xuống phố xả hơi thì vàng bao nhiêu cho xuể. Những lần sau, ai xuống phố chơi thì chỉ đi 1 đến 2 người. Hút thật kín, đổi vàng ra tiền trước khi tiêu để tránh rắc rối.

Hơn chục năm trời, vàng cứ tuồn vào túi Đăng mỗi ngày một nhiều nhưng cuộc ăn chơi trác táng vẫn diễn ra liên miên. Một thân một mình, Đăng băng rừng xuống phố huyện. Đi đường cả ngày, người mệt mỏi, Đăng rút ruột tượng ra một nhúm vàng và đưa cho người bán thịt: "Mày cho tao vài cân!". Người bán thịt sửng mặt, vừa thái thịt, hắn vừa liếc túi vàng của Đăng. Hắn theo dõi Đăng đến tận cuối rìa rừng và "phập" - một nhát gậy vào đầu, Đăng lăn quay ra.

Sau cơn choáng váng, biết mình mất hết số vàng tích lũy mấy chục năm trời. Đăng như người điên, suốt ngày lảm nhảm chửi đời. Chủ bãi thấy "phí cơm" một thằng vô công rồi nghề, bèn cho Đăng hồi hương sau hơn 10 năm sục sạo khắp miền Tây Bắc đào vàng.

64 tuổi mới nhận ra mình già

Đây là lần thứ hai Dương Trọng Đăng vào trung tâm Lao động Xã hội Thái Nguyên. Đăng nghiện từ năm 1986, đúng vào thời kỳ Đăng quyền lực nhất bãi vàng. Nhưng cái quyền lực hờ ấy chẳng tồn tại được bao lâu. Những người như Đăng lại tìm về với mẹ già mòn mỏi đợi đứa con trai bất hiếu trở về. Ngày trở về, Đăng òa vào lòng mẹ khóc nức nở như đứa trẻ lâu ngày gặp mẹ.

Ngắm nhìn đứa con trai, bà mếu máo: "Sao đi làm gì mà người gầy thế con, ở nhà với mẹ con ơi". Mấy năm đi đào vàng, Đăng chưa hề gửi một đồng nào về cho mẹ già. Nhiều đêm, bà mê sảng thấy con trở về, nhưng khi tỉnh dậy chẳng thấy con đâu. Bà lại mò mẫm thắp nén nhang cho chồng, khấn ông sống khôn thác thiêng, phù hộ cho thằng Đăng sớm trở về. Và nay, Đăng đã về nhưng đêm đêm, Đăng vẫn giấu mẹ, lén xuống bếp hút thuốc phiện. Một nhúm thuốc phiện dùng ít ngày cũng hết, Đăng hớt hơ hớt hải đi tìm chốn mua nhưng ở vùng quê thuộc huyện Đồng Hỷ, mua lạng thịt còn khó huống chi mua thuốc phiện.

Một ngày đạp xe lên phố huyện mua thuốc, đi giữa đường thì Đăng lên cơn thèm, người một bên, xe một bên, ngã lăn lộn, vật vã khắp đồng. Mẹ già như chết điếng khi nghe bà con kể thằng Đăng "trúng gió" đưa đi trại cai nghiện rồi. Bà vội vàng khăn gói cùng vợ Đăng lên thăm. Nhìn đứa con dứt ruột sinh ra cùm gông trong xích ở phòng dứt cơn, bà đau như cắt từng khúc ruột. Người vợ trẻ không chịu được nỗi khiếp đảm ấy, ít lâu sau biên đơn ly dị và gửi lên trại cho Đăng ký. Một nhát bút chấm dứt cuộc tình vợ chồng 5 năm nhiều tháng lẻ. Giờ đây, Đăng chỉ còn mẹ gì và 2 đứa con thơ. 

Cánh cửa trại cai nghiện không muốn có thêm một học viên nào nữa và không bao giờ muốn có cựu học viên nào phải quay lại nơi đây. Đăng không may mắn lại là người ấy. Lần thứ 2 sau hơn 10 năm ra trại cai nghiện, Đăng lại khăn gói vào Trung tâm Lao động Xã hội Thái Nguyên. Ở tuổi ngoài 60 với hàm răng đã rụng gần hết do thuốc, rượu, ma túy hủy hoại nhưng Đăng vẫn giữ được tấm lòng của một người cha, người ông với các học viên trẻ tuổi. Có chuyện vui buồn, Đăng đều lấy mấy chục năm vần vã chốn rừng xanh của mình kể cho các học viên đáng tuổi con, tuổi cháu nghe.

"Các con muốn biết đời ngang trái thế nào thì hãy gia nhập đoàn quân đào vàng. Ở đó mọi thứ bẩn thỉu, tục tĩu, vô lễ, xảo trá… đều hiện hình. Đời thằng Đăng này vẫn còn tấm lòng thanh sạch vì còn thương mẹ già. Các cháu hãy vì bố mẹ, vợ con mà cai nghiện, sớm ra trung tâm làm ăn".

Tối tối, khi ánh đèn trung tâm tắt dần để nhường chỗ cho những giấc ngủ. Bên cửa sổ lấp lóe ánh trăng, Dương Trọng Đăng kể chuyện đời mình cho học viên Trần Khắc Tuấn nghe. Ông bảo: "Tuấn có cuộc đời như tôi hồi trẻ, nên tôi muốn tâm sự với nó để nó hiểu ra cái sai và cái đúng trong cuộc sống". Những lời khuyên nhỏ nhẹ như: "Ông khuyên mày ra trung tâm lấy vợ, rồi sinh cháu cho ông bà nuôi. Ông thấy phí cuộc đời ông lắm rồi". Ông nghiệm rằng: Cờ bạc lúc được lúc thua, nhưng dính vào ma túy thì sạt lở hết sự nghiệp, tàn tạ thân xác, vợ con xa lìa. Vừa kể, nước mắt Đăng trào ra, có lẽ bao nhiêu dồn nén của tuổi tác, nhục nhã đã đẩy những giọt nước mắt muộn mằn trào ra, chảy ròng ròng trên gò má đen sạm.

Ở đây, Đăng được ăn uống thoải mái, khác xa cảnh ăn chờ, uống chực, tranh nhau từng miếng thịt rừng lúc còn ở bãi vàng. Cũng chính vì nhớ miếng ăn, Đăng đã bị cướp và mất hết tất cả. Khi ở tuổi đã già, Đăng như sống chậm lại. Ông chỉ mong muốn ra trại cưới vợ, gả chồng cho những đứa con và chăm sóc bà vợ hai suốt ngày đau yếu. Ông đau đớn: Lúc trẻ thì chỉ phá, đến khi về già hơi sức đã mòn thì chẳng làm được gì cho con cho cháu. Thôi thì sống vớt đời cho khỏi phí một kiếp người.

Theo Phong Châu (ANTG cuối tháng)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm