Viết báo bằng trái tim yêu công lý

Đang thu hoạch mùa nhưng nghe đâu có việc, ông lại xách bên mình chiếc máy ảnh Zenit và “phóc” lên chiếc xe đạp. Ông lặn lội ở những vùng sâu vùng xa, có lúc đi bộ cả tháng trời để tìm đề tài. Nhìn khuôn mặt đen sạm đội chiếc nón cời gặt lúa, ít ai nghĩ rằng đó là “nhà báo” Đinh Vũ Thường lừng danh ở huyện Minh Hóa, Quảng Bình.

Viết báo bằng trái tim yêu công lý ảnh 1

Chụp ảnh bằng máy Zenit, viết báo bằng tay rồi chuyển qua bưu điện. Ảnh: VIẾT LONG

Mối lương duyên nghề báo

Chúng tôi may mắn gặp ông khi ông vừa đi bản về. “Mấy hôm nay ăn ngủ cùng bà con trên kia vui lắm, lại có nhiều đề tài hay, chắc phải làm sao viết được vài kỳ mới sướng…” - ông cười khoe.

Ông học Trường Trung cấp Quản lý nông nghiệp, rồi về làm phó chủ nhiệm hợp tác xã. Sau khi phá bỏ hợp tác xã, ông về làm nông cùng gia đình. Những lúc buồn, ông thường lên đài truyền thanh huyện xem tin tức. Nhìn anh em viết, ông cũng về viết cho vui. “Thấy cái gì hay hay là mình chép vào quyển vở rồi mỗi buổi tối lại mang ra xem và viết, sau đó xếp lại một góc. Một lần anh bạn làm bên đài sang xem và thấy những bài viết của mình hay, bảo mình gửi cho anh một bài…”. Thế là những tác phẩm của ông lần lượt đăng tải.

Cảm xúc của ngày đầu tiên có sản phẩm đăng báo vẫn còn nguyên vẹn trong ông. “Trời ơi, nó vui lắm! Tôi mang báo đi từ đầu làng đến cuối làng, cả ngày không ăn mà vẫn no” - ông kể. Sau đó ông cứ hăng say viết, viết không biết nghỉ, không cần biết nhuận bút là bao nhiêu.

Sau tác phẩm đầu tay, ông bắt đầu chú tâm nghiên cứu sách để tìm cách viết. Ông say mê đọc báo, nghe đài để hình thành tư duy nhạy bén trong cảm nhận đề tài. Ông bắt đầu đi thực tế nhiều hơn. Đi như vậy nhưng nhiều lúc may mắn thì ông viết được hai bài, còn không chỉ viết được một bài. “Nhuận bút có bài chỉ được trên trăm ngàn, lỗ là chuyện thường. Nhưng vì cái máu của mình lại thích vậy, vợ con có chửi mình cũng đi. Ở nhà là mình không chịu nổi” - ông cười.

Viết báo bằng trái tim yêu công lý ảnh 2

Những bằng khen do báo Quảng Bình trao tặng. Ảnh: VIẾT LONG

Thời gian khiến ngòi bút của ông được nâng tầm, từ cái tôi cá nhân trở thành một tác phẩm có ảnh hưởng xã hội lớn. Lão nông làm báo tâm sự: “Khi yêu nghề báo, tôi bắt đầu có những nhận thức mới, cách viết mới. Không chỉ đi, nhìn, mà còn phải nghiên cứu để tạo ra những trang viết có ý nghĩa cho bà con dân bản…”. Nhiều năm cộng tác cho báo, đài, cuối cùng ông được đài huyện cử đi học lớp tập huấn cộng tác viên. Từ đó tôi càng đi nhiều hơn, có khi cả tuần không về nhà.

“Một ba lô cây bút trong tim”

Hành trang làm báo của ông trong những ngày đầu chỉ có chiếc xe đạp và máy ảnh Zenit. Thế nhưng nơi nào cũng khắc dấu chân của ông. “Mỗi khi thu hoạch vụ mùa xong, tôi lại cơm đùm cơm gói cỡi chiếc xe đạp đi tìm đề tài để viết, có khi đi bộ hàng trăm cây số đường rừng” - ông kể.

Nghề báo không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Có khi đi về bài không đăng, ông buồn nản, cả tuần không ăn cơm. Nhưng mỗi thất bại lại nhắc ông phải tự xét lại mình để nâng cao ngòi bút. Dần dần, tên tuổi của ông được khẳng định trên mặt báo. Nhiều bạn đọc phản hồi ca ngợi bài viết, nhất là những bài viết nêu được bức xúc của người dân, phản ánh kịp thời những sai sót của một số cán bộ. Sợi chỉ bền chặt gắn kết ông với nghề báo chính là “cán cân công lý”. Với ông, người làm báo phải biết chỉ cho người khác biết những việc sai trái mà họ đã làm, qua đó bênh vực quyền lợi chính đáng cho người dân.

“Nhuận bút có bài chỉ được trên trăm ngàn, lỗ là chuyện thường. Nhưng vì cái máu của mình lại thích vậy, vợ con có chửi mình cũng đi. Ở nhà là mình không chịu nổi!”.

Bất chấp hiểm nguy, ông không ngại ngủ rừng, uống nước suối để thực hiện những bài viết điều tra. Gần đây nhất, ông quyết tâm điều tra một vụ phá rừng dù vợ con ra sức ngăn cản. Đơn giản vì ông không muốn để rừng vào tay lâm tặc. Nhập vai người dân đi lấy mật ong, ông “đột nhập” vào nơi khai thác rừng của bọn lâm tặc để điều tra cách thức vận chuyển các loại gỗ quý và ghi hình. Khi thấy ông lảng vảng xung quanh, hai tên trong nhóm lâm tặc đã áp sát ông và truy vấn. Với tài nghệ và lợi thế về dân bản địa, ông đã nhanh chóng đánh lừa được họ. Lợi dụng lúc họ nghỉ trưa, ông đưa máy ra ghi hình.
Vừa chụp được vài tấm, một tên trong nhóm phát hiện có người chụp ảnh. Chúng huy động cả đội quân chặn đánh. Khi đó, khoảng cách từ ông sang nhóm lâm tặc nghỉ trưa cách một con suối to. Ông đã trốn vào góc đá thoát nạn. “Khi ấy, tôi nghĩ phen này chắc mình khó thoát, may mà có hốc đá ngầm” - ông kể lại cơn kinh hoàng. Tác phẩm điều tra của ông được đăng tải trên báo Quảng Bình, thu hút lượng lớn bạn đọc quan tâm.

Mới đây nhất, ông viết bài phê phán lối sống của thanh niên Xuân Hóa và nhận khá nhiều tin nhắn hăm dọa chặn đánh. Nhiều phen, cả nhà ông phải chịu trận “mưa đá” trên mái nhà và bị một số thanh niên gây sự vì những bài viết phản ánh một số người. “Hiểm nguy gặp phải trong nghề báo là chuyện cơm bữa rồi. Mình không nên sợ, hễ thấy sai thì mình cứ viết” - ông chia sẻ.
Sau những cuộc chinh chiến ấy, ông lại về cùng vợ con, cày cấy kiếm cơm áo gạo tiền. Lúc rảnh rỗi, ông lại xăm xăm đi viết như một nhà báo thực thụ và chuyên nghiệp. Ông cứ hăm hở với nghề dù chưa bao giờ có được một đồng lương chính thức, cũng chưa bao giờ được cấp thẻ nhà báo.

Ra về, chúng tôi ngoái lại nhìn lão nông đang cặm cụi trên trang viết tay, cùng chiếc máy ảnh Zenit đời cũ còn chưa rửa ảnh.

Viết báo bằng trái tim yêu công lý ảnh 3

Niềm vui của trưởng bản Cao Khao thuộc đồng bào Rục khi có nhà cửa ấm no. (Ảnh do ông Đinh Vũ Thường cung cấp)

“Thần sống” của vùng cao

Nghe tin có nhiều người dân tộc Rục vào hang sống, đào củ mài để ăn qua ngày, quần áo rách không có mặc, Đinh Vũ Thường “phóc” lên xe đạp để đến với người Rục. Mất hai ngày đạp xe, trèo đèo lội suối, ông mới tiếp cận được với đồng bào người Rục.

“Tôi không tưởng tượng nổi cảnh sống của họ. Bọn trẻ gầy xo, mặt mũi xanh lè vì nhịn đói lâu ngày. Người lớn hốc hác, bước chân này đá chân kia. Người già nằm co ro chờ chết… Một bức tranh bi thảm mà lần đầu tôi chứng kiến” - ông ngẩng mặt lên trời, nước mắt ứ đầy. Rồi ông tiếp: “Tôi tức tốc chạy về xuôi, không ăn, không ngủ để làm sao hoàn thành bài viết đẩy nhanh ra tòa soạn. Chỉ trong vòng một ngày, tôi đã về tới nhà và ngồi vào viết trong đêm đó. Ngày hôm sau, tôi nhờ đứa con gửi xe đi luôn”.

Khi báo đăng, cả huyện nhốn nháo đi tìm tác giả để hỏi đường đến với đồng bào Rục. Thế là dân bản đã có lương thực cứu đói. “Lúc đó nhìn họ nhận những miếng cơm, thang thuốc, nước mắt tôi đã chảy. Tôi không ngờ cuộc đời mình lại làm được điều ý nghĩa như vậy” - ông xúc động kể lại niềm vui lớn nhất của cả 16 năm viết báo của ông.

Ngay sau đó (năm 2003), Chính phủ đã cấp 32 tỉ đồng giúp đồng bào Rục ổn định chỗ ở, xây mạng lưới điện, đường, trường, trạm…  Chính vì thế, đồng bào Rục ở Minh Hóa xem ông như “thần sống” của bản làng, bởi chính ông đã hồi sinh lại cả bản làng trong cơn “giãy chết”.

VIẾT LONG

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 8-2010)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm